Thái Nguyên: Chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy đến hành động trong công tác đào tạo nghề cho người lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Huyền Văn
Đào tạo nghề cho người lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi chung lao động nông thôn) là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành, địa phương và xã hội đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Xác định đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công tác này - Thời gian qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt hiệu quả tích cực. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói chung, Sở LĐ-TB&XH nói riêng, quan tâm thực hiện, qua đó từng bước nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết: Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao nông thôn luôn được cả hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm sâu sắc và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã chú trọng gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề đang chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với tư vấn, định hướng nghề nghiệp…

nlntv-anh-mot-1697587563.jpg

Cán bộ Trung tâm GDNN - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên hướng dẫn học viên cách hái chè

“Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới” - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, kinh tế - xã hội tại khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang khởi sắc từng ngày với cơ cấu kinh tế đa dạng, nhiều thành phần, chuyển biến không ngừng… Dưới góc nhìn này để thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Thái Nguyên đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Thị trường lao động tại nông thôn ngày một sôi động, trải khắp trên nhiều lĩnh vực, tạo ra lượng của cải lớn, giúp thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương theo hướng tích cực.

nlntv-anh-hai-1697587567.jpg

Học viên thực hành nghề sửa chữa điện lạnh tại Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Thái Nguyên

Tại huyện Đồng Hỷ, số liệu từ UBND huyện cho biết, giai đoạn 2021-2023, Đồng Hỷ đã mở được 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với trên 530 người tham gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đến hết năm 2022 đạt 60%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28%. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo... vay vốn tín dụng ưu đãi và định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,35%.

Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, chị Vũ Thị Hạnh (tổ dân phố Tướng Quân, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) chia sẻ: Những kiến thức học được giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gà của gia đình. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây. Trung bình, gia đình tôi chăn nuôi 9.000 con gà/lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3 lần so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia.

nlntv-anh-ba-1697587572.jpg
Nghề may được nhiều phụ nữ huyện Định Hóa lựa chọn vì dễ kiếm việc làm và thu nhập ổn định

Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ - ông Vũ Quang Dũng cho biết: Đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương. Xác định rõ vấn đề này, huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, tập trung hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế; tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong đó, duy trì các mô hình kinh tế, hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo việc làm cho người lao động; huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của địa phương… Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Đồng Hỷ phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28,5%” - ông Vũ Quang Dũng thông tin.

Ghi nhận tại một địa phương khác trong tỉnh là huyện Định Hóa, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện quan tâm thực hiện, qua đó từng bước nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh được mở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Định Hóa, anh Ma Văn Hoàng (xóm Đồng Màn, xã Bảo Cường) đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh ngay tại địa phương, đem lại thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng. Từ một cửa hàng sửa chữa nhỏ, sau gần 3 năm kinh doanh, cơ sở của anh trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trong và ngoài xã.

“Lớp đào tạo nghề không những mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho tôi mà còn giúp tôi được gặp gỡ các học viên khác có chung ý tưởng kinh doanh, góp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người tận dụng được cơ hội tốt từ các lớp dạy nghề để có công việc ổn định, vươn lên thoát nghèo” - anh Hoàng bày tỏ.

nlntv-anh-bon-1697587577.jpg
Với tay nghề thuần thục, nhiều lao động cơ khí tại xã Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ) đã có mức thu nhập tốt, ổn định

UBND huyện Định Hóa cho biết: Bình quân mỗi năm, huyện có gần 3.000 người được đào tạo nghề và tìm kiếm được việc làm với mức thu nhập từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động, hoàn thành 60% chỉ tiêu kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn hiện đạt gần 60%. Riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn mở 3 lớp dạy nghề cho gần 100 lao động nông thôn.

Tại huyện Phú Lương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tập trung, chú trọng. Theo UBND huyện Phú Lương, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương đã hoàn thành việc tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023 với 240 học viên được thụ hưởng.

Theo đó, Trung tâm đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu các ngành nghề và nhu cầu học nghề của con em địa phương cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng số 240 học viên chia thành 08 lớp: 02 lớp sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi cho 60 học viên, 02 lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho 60 học viên, 02 lớp công nghệ chế biến chè cho 60 học viên, 02 lớp nuôi và phòng trị bệnh cho gà cho 60 học viên…

Đáng chú ý, công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên phụ nữ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được huyện Phú Lương quan tâm sâu sắc. Mới đây, huyện đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, thu hút sự tham gia của 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong huyện. Chương trình được tổ chức nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội…

Từ thực tiễn cho thấy, tư duy và hành động trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động nói chung, lao động nông thôn, miền núi nói riêng tại Thái Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt. Từ nhận thức đúng đắn, đến hành động thực tiễn trong công tác đào tạo nghề của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đã góp phần tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực; kêu gọi người dân hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động; khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời, qua đó nâng cao kỹ năng trình độ của người lao động, đặc biệt là lao động nữ thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Dù gặt hái được nhiều “trái ngọt” trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động nông thôn, nhưng vẫn còn đó những thách thức khách quan còn tồn tại, cần được các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên chung sức khắc phục, đó là: Vấn đề về nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn hiện rất lớn, song chưa đáp ứng được toàn bộ; Sự di cư của lao động nông thôn ra thành thị ồ ạt gây thiếu hụt lao động ở nông thôn và gia tăng sức ép việc làm lên khu vực thành thị; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn còn thấp. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, nhưng còn hạn chế, làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh…

Có thể nói, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn là quá trình tạo tiền đề và có vai trò quyết định hiệu quả của sự chuyển biến kinh tế - xã hội địa phương. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn không phải chỉ hướng đến giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, mà đây là quá trình tạo ra nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại, sản xuất lớn, khoa học công nghệ cao và hội nhập quốc tế. Điều đó cần đến cách nhìn nhận nhằm thay đổi tư duy trong đào tạo nghề và các giải pháp tích cực, đồng bộ từ chính sách, địa phương, doanh nghiệp và cả sự nỗ lực của bản thân người lao động.

Bùi Cường – Đức Long