Tản Đà với nhu cầu Canh tân Văn học (Phần 2 và hết)

Trở lại công cuộc giải phóng cá nhân mà khuynh hướng lãng mạn đóng góp, với công mở đầu là Tản Đà.
thumb-660-11-lang156-2-1722439522.jpg
Tản Đà là một người yêu nước, yêu dân tộc, yêu con người và thể hiện mạnh mẽ trong văn thơ của ông. Ảnh: Báo Công an Nhân dân

Có một chân dung - cái tôi như thơ văn Tản Đà đã ghi lại. Từ chân dung đó ta hiểu con người khao khát những gì và đang bị ràng buộc, bị cản trở như thế nào trong hoàn cảnh chế độ thuộc địa. Con người cần được thông cảm với những chỗ yếu, những cái khó; con người cần được quan tâm giúp đỡ và phát triển cái tốt ra sao. Vấn đề không phải là đưa Tản Đà so với Phan Bội Châu, hoặc cao hơn, Nguyễn Ái Quốc để mà định vị giá trị. Tản Đà chỉ làm thơ, còn Phan Bội Châu thì hoạt động cách mạng. Thơ Tản Đà không nhằm phục vụ cách mạng trực tiếp như thơ Phan Bội Châu hoặc Nguyễn Ái Quốc, Tản Đà chỉ làm thơ như sự phô diễn những trạng thái tâm hơn bình thường của con người, Thơ Tản Đà như chính tiếng nói của cuộc sống bình thường cất lên. Nếu mục tiêu là đi tìm những giá trị ở nội dung tư tưởng, và lấy tư tưởng yêu nước là chủ yếu, thậm chí là duy nhất, thể tất phải đặt Tản Đà xuống bậc dưới, thậm chí bị gạt ra ngoài, hoặc bị quy là lạc hậu. Nhưng như vậy ta đã quên cái sứ mệnh làm thơ của một người chỉ chọn nghề thi sĩ, vào cái thời văn thơ đang chuyển thành một thứ hàng hóa xã hội, đã là một nhu cầu của công chúng đông đảo, đã được đưa ra thị trường 

Còn trời, còn đất, còn non nước 

Còn có văn chương bán phố phường. 

Đã đành bán thơ, Tần Đà vẫn nghèo kiết, và cái lo lớn của Tản Đà là “lo văn ế”, nhưng điều đó không liên quan gì đến việc thơ Tản Đà vẫn được tiêu thụ, vẫn được quần chúng đón đợi, được cả một thế hệ người viết đương thời, và đến sau, suy tôn là “nguyên súy của Tao đàn” Vì sao rất nhiều bài thơ, câu thơ của Tản Đà vẫn cứ vượt thời gian mà làm tổ trong lòng biết bao thế hệ bạn đọc cho đến hôm nay? 

Không kể Thề non nước tuyệt tác với nhiều tầng cảm xúc, suy tưởng, như được chưng cất từ dư vang cả một thời:

Non cao những ngóng cùng trông 

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Biết bao trạng huống cảm xúc của đời thường cũng đã vào thơ văn Tản Đà Buồn man mác như hóa thân vào ca dao, như chính ca dao: 

Ai đi đường ấy làm chi 

Nước thì độc nước, buôn thì khó buôn 

Đêm đêm chớp bể mưa nguồn 

Ai đi ai để cái buồn cho ta 

Đến cái sầu da diết muốn thoát lên tiên, “muốn là thằng Cuội”, của nhà thơ: 

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi 

Trần thế em nay chán nửa rồi 

bai-van-phan-tich-bai-tho-muon-lam-thang-cuoi-cua-tan-da-so-2-1016765-1722439522.jpg
Minh họa bài thơ Muốn là thằng Cuội. Ảnh: Internet

Từ cái chí của con người trong một cơn phẫn chí: 

Kiếp sau xin chớ làm người 

Làm con chim nhạn tung trời mà bay 

Đến một sự xuôi tay buông thả: 

Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi 

Tinh rồi lại muốn mộng mà chơi 

Mà vẫn lạc quan, không cam thất bại: 

Bạc đánh còn tiền, thua cóc sợ 

Đời chưa đáng chán chị em ơi 

Nhưng cho dẫu có lên trời, hoặc chu du vào bao cõi mộng, thơ Tản Đà vẫn không bứng chúng ta ra khỏi đời thực. Thơ Tản Đà mê mà lại rất tỉnh trong những cảm nhận “thế sự” về “thần tiền”, “khóc tết”, về cảnh buôn văn bán chữ, và những lận đận hoặc túng quẫn của sự mưu sinh: 

Con theo cạnh nách mếu môi sò 

Nợ réo ầm tai không miệng hến 

Bao nhiêu củi nước mới thành văn. 

Được bán văn ra chết mấy lần

Ông chủ nhà in in đã đắt 

Lại ông hàng sách mấy mươi phân 

Nghe cứ như là chuyện hôm nay. 

Vậy là, dẫu Tản Đà chỉ làm thơ, chứ không làm thơ ca cách mạng, càng chưa làm cách mạng, nhưng thơ Tản Đà đã là một nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm quần chúng. Thơ Tản Đà đã sinh ra từ nguồn sống tinh thần của dân tộc và trở lại tưới nhuần cho nguồn sống ấy và làm giàu cho nó. Để cho thơ làm được điều ấy, để cho thơ được công chúng đón nhận, nhà thơ không thể là người đứng ra ngoài những vui buồn, khao khát của nhân dân, hơn thế, nhà thơ phải là người sống hết mình trong những vui buồn, khao khát đó.

Kiểm điểm lại cuộc đời ở tuổi 50, nhân “tiễn ông Công lên trời”, Tản Đà ngùi ngẫm cho sự nghiệp: 

Khi làm chủ báo lúc viết mướn Hai chục năm dư cảnh khốn cùng Trần gian thước đất cũng không có Bút sắt chẳng hơn gì bút lông Ngày xuân như ngựa đầu xanh bạc Chán cả giang hồ hết cả ngông Qua hết đồng này năm chục tuổi Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng Văn chương quẩn mãi cùng thân thế Sự nghiệp mong gì với núi sông! 

thumb-660-11-lang156-1-1722439522.jpg
Phần mộ Tản Đà. Ảnh: Báo Công an Nhân dân

Nhưng sự thật đã diễn ra không như cách Tản Đà nghĩ. Chắc chắn thời gian rồi sẽ còn tiếp tục cuộc sàng lọc nghiêm khắc của nó. Vận dụng lời khuyên của các nhà kinh điển, đánh giá các hoạt động lịch sử không phải trên những gì họ không mang lại, mà là trên những cái mới mà họ đã mang lại so với các bậc tiền bối, với mốc lịch sử 1939 này, trên con số chẵn của độ lùi một thế kỷ - năm sinh, và nửa thế kỷ - năm mất, chúng ta hy vọng đạt một chất lượng mới trên con đường nhận thức lại Tản Đà, và qua Tản Đà - như một sứ giả tiên phong, mà nhận lại con đường phát triển của văn học Việt Nam, nhận lại gương mặt văn học dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, trong bối cảnh dồn dập những biến chuyển của cách mạng và những gấp khúc của lịch sử, trong sự mở rộng những mối giao lưu quốc tế, và trong xu thế mới của thời đại.

GS. Phong Lê