Suy nghĩ về trọng dụng nhân tài

Đinh Thảo
Lịch sử nước ta đã có biết bao bài học về việc lãnh đạo biết trọng dụng trí thức, hiền tài, nhờ đó mà công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước rất phát triển.

Trọng dụng nhân tài là truyền thống của dân tộc ta, nhưng hiện nay thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ có những vấn đề đáng lo ngại về chất lượng, có ảnh hưởng lớn đến tính chính danh của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói riêng.

Thực tế trên làm phát sinh nhiều băn khoăn, trăn trở cần làm rõ nội hàm rất quan trọng của chiến lược thu hút trọng dụng nhân tài.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Thế hệ ngày nay, chắc nhiều người còn nhớ Thân Nhân Trung viết bài văn bia dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi lại khoa thi Đình đầu tiên dưới thời Lê có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp”.

Theo khảo cứu của một giáo sư ngôn ngữ học về các văn bia dựng cùng năm với văn bia của Thân Nhân Trung ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì câu nói đó chính là ý chỉ của vua Lê Thánh Tông.

nt-1-1704852517.jpeg
Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko tham quan bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hải

Theo tôi hiểu, “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đó chính là khát vọng của cả dân tộc, sức sống của mỗi quốc gia. Đất nước ta từ xưa đến nay lúc nào cũng có người hiền tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng giai đoạn mà nguồn hiền tài đó được khơi dậy như thế nào. Có nghĩa là khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ lắm, trí thức sẽ nhiều.

Người có học vấn cao thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người bình thường. Lịch sử nước ta đã có biết bao bài học về việc lãnh đạo biết trọng dụng trí thức, hiền tài, nhờ đó mà công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước rất phát triển.

Bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bài thơ “Sông núi nước Nam” (tương truyền của Lý Thường Kiệt) hay bản thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là minh chứng cho sự sáng suốt của các bậc tiền nhân, biết coi trọng và sử dụng trí thức là các nhà quân sự, nhà tư tưởng chiến lược của thời đại. Trọng hiền tài mà chỉ biết bổ nhiệm người tài chứ không biết chăm lo cho hiền tài có nơi nảy nở, được bảo vệ, được lắng nghe, tôn trọng thì hiền tài mấy cũng thui chột.

Năm 1930, thời kỳ đầu của cách mạng, nhiều người, kể cả lãnh đạo lẫn quần chúng, xuất phát từ tư duy của nền kinh tế “tiểu nông” lạc hậu, nên đã ấu trĩ đề ra chính sách sai lầm coi trí thức như kẻ thù cần đả phá với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào - đào tận gốc, trốc tận rễ”.

May mắn cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuất hiện với tư duy, tầm nhìn sáng suốt, khôn ngoan nhờ tích lũy, tiếp thu và sàng lọc kinh nghiệm trong những năm tháng lăn lộn ở xứ người, đã cảm hóa, thuyết phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu từ bỏ cuộc sống nhung lụa, bất chấp hiểm nguy, vào bưng, ra chiến khu đi theo kháng chiến, tiêu biểu như Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Thọ…

Đó là những nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo niềm tin và củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong thời điểm đất nước đầy khó khăn, thử thách đó.

Bản chiến lược ở đâu trong cuộc sống?

Ở Việt Nam ngày nay người tài không ít nhưng tiếc là phần lớn trong số họ đều không muốn làm cán bộ, công chức, viên chức cho nhà nước vì nhiều lý do khác nhau, nên bao lâu nay tuy nhà nước vẫn nêu cao khẩu hiệu “thu hút, trọng dụng nhân tài”; một số tỉnh, thành phố đã thí điểm trả lương cao, còn cả chế độ cấp nhà ở, xe ô tô để thu hút người tài về làm việc nhưng kết quả rất hạn chế và “chất xám” vẫn bị “chảy máu” ra tỉnh ngoài, nước ngoài. Bài học rút ra từ thực tế này là gì?

Xã hội sẽ tiến nhanh nếu tài năng được phát huy và tài năng về mọi mặt cũng cần được phát huy trong toàn xã hội. Vì vậy, nếu đòi hỏi tài năng chỉ tập trung trong bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị sẽ vừa sai quy luật, vừa viển vông.

Tuy vậy, không thể phủ nhận cần có một tỷ lệ nhân tài phù hợp trong bộ máy công quyền để đảm bảo đủ năng lực và hiệu quả của việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách pháp luật và giám sát, quản lý việc tổ chức thực hiện.

Tỷ lệ này được đề ra tại “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” ban hành kèm theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là: Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới; năm 2026 ít nhất 2% lãnh đạo, quản lý cấp bộ là “nhân tài”.

Từ năm 2026 đến 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên là nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% -15% trở lên trong cơ quan chuyên môn nghiệp vụ.

nt-2-1704852522.jpeg
Đi đôi với việc tuyển chọn nhân tài là chính sách tiền lương sao cho xứng đáng (dù có thể chỉ tương đối) với tài năng thực sự. Ảnh: Thanh Hùng

Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm, phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học – công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050; chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Tôi chưa tìm hiểu, các cơ quan tham mưu căn cứ vào đâu để đưa ra các chỉ tiêu này, nhưng hiểu rằng, nếu đã muốn thực sự tuyển chọn được người tài, cần đưa việc tuyển chọn nhân tài, hiền tài làm quốc sách, được hỗ trợ bởi hệ thống pháp lý minh bạch, có tính nhất quán về nội dung và xuyên suốt về thời gian - tức là không phải chỉ nhất thời trong một nhiệm kỳ nào đó.

Hào kiệt thời nào cũng có

Đi đôi với việc tuyển chọn nhân tài là chính sách tiền lương sao cho xứng đáng (dù có thể chỉ tương đối) với tài năng thực sự. Lấy ví dụ: lương bác sĩ cao cấp trong bệnh viện công ở Việt Nam hiện khoảng 11,2-14,4 triệu đồng/tháng, trong khi ở bệnh viện tư cao gấp 3 lần. Để tuyển chọn được nhân tài, cần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực công và tư như cách nhiều nước tiên tiến vẫn làm.

Hơn thế nữa, cần cố gắng thu hẹp khoảng cách đãi ngộ giữa trong nước và ngoài nước để có thể tuyển chọn được số lượng hiền tài ở mức cao nhất. Như chuyên gia y tế làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu dược phẩm, sinh phẩm cần được trả lương gấp 10 lần lương bác sĩ cao cấp, tuy vẫn còn thấp hơn nước ngoài song mới có thể đủ sức thu hút được người có tâm huyết với đất nước sẵn sàng chấp nhận mức lương vừa phải nhưng đủ tạo cuộc sống thoải mái tại chính quê hương mình.

Những đãi ngộ như thế đã được thực hiện và chứng minh hiệu quả, như việc trả lương cao và tặng căn hộ cho ông Park Hang Seo, người đã đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ công lập do UBND thành lập có thể nhận mức lương 120 triệu/tháng.

Song song với lương bổng là môi trường làm việc. Hiền tài có sự tự trọng cao, cho dù được đãi ngộ về vật chất nhưng nếu bị quản lý quá chặt, can thiệp quá sâu về chính trị thì họ sẽ không muốn phục vụ. Vì thế, cần tạo môi trường làm việc dễ chịu, thoải mái, tôn trọng phẩm giá và chuyên môn, khả năng sáng tạo của họ. Tóm lại, không chỉ cần quan tâm “trải thảm đỏ” mà còn cần biết giữ chân người trên thảm đỏ.

Ngoài ra, trọng dụng nhân tài không chỉ có nghĩa là mời làm việc lâu dài trong nước với mức lương ổn định mà có thể đặt hàng chuyên gia cao cấp người Việt, gốc Việt ở nước ngoài để họ nghiên cứu cho Việt Nam theo những đề tài, dự án cụ thể với mục đích cụ thể, trong khoảng thời gian cụ thể, ví dụ như nghiên cứu về đường sắt cao tốc trong các lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, quản lý, tạo nguồn lực khoa học và công nghệ nội địa…

Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người Việt ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên là khoảng 600.000 người. Giả sử tỷ lệ nhân tài là 1 phần nghìn thì ta có 600 người và chỉ cần thu hút được 10 phần trăm trong số đó thì ta sẽ có 60 người có trình độ ở tầm vóc quốc tế trong những lĩnh vực chiến lược như chuỗi cung ứng toàn cầu, số hóa, đô thị thông minh, hệ thống tài chính kết nối, y tế chuyên sâu, công nghệ nano…

Thiết nghĩ, nguồn lực trong nước dù còn khó khăn nhưng vẫn có thể đảm bảo đầy đủ cho 60 người này để hấp dẫn họ làm việc trong những lĩnh vực mà ta còn yếu, nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho hiện tại và tương lai gần của đất nước.

Ngày nay, có thể hiểu hiền tài không chỉ là trí thức, mà là tất cả những ai có năng lực, có tâm huyết và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” thì không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, khiêm nhường mời gọi người tâm huyết để khơi nguồn hiền tài còn rất nhiều tiềm năng để làm cho đất nước hưng thịnh và hiền tài ngày một nhiều thêm.

Thế nhưng trong xã hội ngày nay, có lúc, có nơi việc thu hút nhân tài đang gặp trở ngại, do thiếu sự trân trọng bảo đảm quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của con người. Một số người ở vị trí lãnh đạo muốn mọi người nhất nhất tuân theo mệnh lệnh có sẵn.

Rất may là thực tế cuộc sống đang diễn ra đúng như cố Giáo sư Hoàng Tụy đã viết, đại ý như sau: Điều kỳ diệu là trong trí thức và trong các tầng lớp nhân dân ta, những tấm lòng yêu dân, yêu nước, những ý kiến xác đáng, những việc làm đẹp đẽ có nhiều, chỉ miễn là chịu nhìn, chịu thấy, chịu lắng nghe, đó là niềm hy vọng và niềm tin của chúng ta.

Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng dân, theo ý dân: “Dựa theo ý kiến của họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”.

Nếu một số người làm công tác cán bộ không “buôn bán quyền lực”, thực sự thấu hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh thì giới tinh hoa trí thức, kể cả trong và ngoài Đảng sẽ tương đồng nhiều với giới lãnh đạo và như vậy chắc chắn đất nước sẽ hưng thịnh, hội nhập và xã hội sẽ ổn định, phát triển vững bền.

Hiền tài và hào kiệt của đất nước ta thời nào cũng có. Vấn đề là họ được huy động và sử dụng như thế nào để có thể đóng góp được nhiều nhất cho đất nước. Chính sách chiêu hiền đãi sĩ và mở rộng dân chủ thực sự phải đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, chúng ta rất cần một chủ thuyết về công tác cán bộ.

Gieo gì, gặt nấy - Điều này tùy thuộc chủ yếu vào tâm và tầm của các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước. Suy cho cùng, sự thịnh hay suy của đất nước cũng là ở đó!