Trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Ðể thu hút được nhân tài, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa quy định của Luật Thủ đô 2012 và có những điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, hiệu quả hơn.
nhan-tai-1699936978.jpg
Thành phố Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2023. (Ảnh Phạm Hùng)

Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định "Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài". Trên cơ sở này, HÐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HÐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó, thành phố quy định một số chính sách ưu đãi như sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận. Người được tiếp nhận cũng phải cam kết làm việc cho thành phố bảy năm nếu hưởng mức hỗ trợ. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Theo Sở Nội vụ, từ năm 2014 đến 2018, thành phố đã tuyển dụng được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học; từ năm 2017 đến nay, đã tuyển dụng được 32 bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II và tuyển dụng được 77 vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp. Trong quá trình công tác tại các cơ quan của thành phố, có chín công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài và năm công chức xin thôi việc. Mặt khác, tiêu chí để tuyển dụng, thu hút nhân tài của thành phố chủ yếu mới chỉ thông qua bằng cấp như tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, các chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội hiện mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, cho nên chưa đủ sức hấp dẫn. Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế, số lượng người được tuyển dụng nói chung còn ít. Kinh phí hỗ trợ còn thấp, lại không có thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác, vì vậy, chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân...

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế". Ðể cụ thể hóa yêu cầu này, Ðiều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung hai khoản mới: Khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Ðối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HÐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ðại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Tháp) nhấn mạnh: "Thành phố Hà Nội cần có những chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách của mình. Ðiều quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác, để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển". Nhiều ý kiến cũng kiến nghị, để quy định có tính khả thi hơn, cần trao quyền cho HÐND thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau... Có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.