Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Truyền thống trọng dụng nhân tài của cha ông ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng lên tầm cao mới. Trong điều kiện hiện nay, việc phát hiện, thu hút và trọng dụng người tài là nhiệm vụ rất quan trọng và phải trở thành quốc sách. Nhân dịp 2/9, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này.
nlntv-hcm-1693701132.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt vào tháng 3/1964. Ảnh: TTXVN

Thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng tầm việc trọng dụng nhân tài của ông cha ta như thế nào?  

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói nổi tiếng trên là của vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực Đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, người vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484). Câu nói này được hiểu là: Nguyên khí thịnh, đất nước đi lên; nguyên khí suy thì đất nước trở nên hèn yếu và đi xuống.  

Việc làm này quan trọng ở chỗ, việc Hoàng đế quân chủ đánh giá người trí thức, người hiền tài như thế nào sẽ quyết định vận mệnh quốc gia. Trong khi  ở nước quân chủ, Tiến sĩ chỉ là tôi đòi, hiền tài chỉ là công cụ của Hoàng đế; thì vua Lê Thánh Tông anh minh đã có quan điểm như vậy.

Không chỉ riêng vua Lê Thánh Tông, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, truyền thống trọng dụng người tài này khái quát ở nhiều tác phẩm. Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết “Phi trí thì bất hưng”. Nghĩa là, một đất nước hưng thịnh phải có trí thức; không có trí thức, đất nước không hưng thịnh.

Những lời tuyên ngôn trên được thể hiện thành các văn bia và xuất phát từ thực tế, đất nước Việt Nam sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất chính trị cực kỳ nhiều sóng gió. Nếu không có tài trí, khó có thể tồn tại được, chưa nói đến phát triển.

Có lẽ, xuất phát từ yêu cầu ấy mà người Việt Nam từ xưa đến nay có truyền thống hiếu học và chăm học. Bởi, không chỉ bằng kinh nghiệm, bằng thói quen có thể phát triển được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu văn hóa truyền thống. Đồng thời, Người tiếp xúc văn minh phương Tây từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem nhiệt huyết của văn hóa dân tộc Việt Nam đến thế giới phương Tây, châu Âu để tìm đường cứu nước ở những bậc trí thức, người tài. 

Khi trở thành Chủ tịch một đất nước non trẻ từ năm 1945, việc đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp ngoại giao, mời trí thức tài giỏi đang du học ở nước ngoài về nước tham gia sự nghiệp kháng chiến năm 1946.  

Sau kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại diện trí thức. Đây là việc làm mà không nhiều vị lãnh tụ cách mạng trước đó làm được. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư, được xem gần như chiếu cầu hiền gửi cho trí thức. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho các cơ quan, địa phương tìm cách trọng dụng trí thức, nhân tài.  

Cách làm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn vượt xa cách nghĩ thông thường của người dân một xứ nông nghiệp. Trong chính quyền, có tư tưởng lớn lao như vậy cũng là kế thừa truyền thống trọng dụng nhân tài của dân tộc Việt Nam.  

Vậy điểm nổi bật trong cách dùng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì, thưa ông?  

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tin mới dùng, có dùng phải tin”,  không đặt vấn đề nghi ngờ, soi mói, xem xét. Khi thấy người có tấm lòng với cách mạng, có tài thì trọng dụng. Nếu chỉ ngồi mà xem xét sẽ rất khó để cho họ sẵn sàng cống hiến. Điều khác biệt ở chỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cảm quan nhìn ra được ai là người yêu nước.

Hiện nay, chúng ta cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, thưa ông?

Phát huy tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cứ sử dụng đi, thay vì yêu cầu các điều kiện như đào tạo, bồi dưỡng, nhưng không dùng. Người tài sẽ tự đến khi được trọng dụng,  không để xảy ra tình trạng “Sĩ phu ngoảnh mặt đi”, một trong những nguy cơ mà bác học Lê Quý Đôn cho là có thể dẫn tới mất nước. Khi nhân tài được trọng dụng, họ sẵn sàng giúp đất nước. Có những người đã từ bỏ những điều kiện cá nhân, cơ hội ở nước ngoài để đi theo kháng chiến, theo lời kêu gọi của Bác.  

Có lẽ, bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là: Tư tưởng lớn thể hiện qua những ý tưởng và hành động rất giản gị, gần với mọi người.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!