Sinh viên Việt giới thiệu công nghệ nướng cà phê bằng nước

Nhóm sinh viên ngành Môi trường thuộc Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM đã nghiên cứu và phát triển công nghệ thủy nướng cà phê, một phương pháp độc đáo, hứa hẹn mang đến sự khác biệt cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
sinh-vien-sang-tao-ca-phe-nuong-bang-nuoc-9883-1725762395.jpg
Nhóm sinh viên với sản phẩm cà phê thủy nướng. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Một giấc mơ lớn về cà phê Việt Nam

Nguyễn Trọng Bảo, sinh viên ngành Môi trường của Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM, cùng nhóm nghiên cứu của mình đã đặt mục tiêu lớn: nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam. Bảo chia sẻ rằng, khi nhắc đến cà phê, đa số mọi người thường nghĩ ngay đến phương pháp rang xay truyền thống, nơi hạt cà phê tiếp xúc với nhiệt độ cao, dẫn đến việc mất đi một số hương vị và dưỡng chất quan trọng. Nhóm của Bảo đã tìm ra giải pháp bằng cách áp dụng phương pháp thủy nướng, giúp bảo toàn các chất có lợi trong cà phê như polyphenol, flavonoid, caffein và acid chlorogenic - những hợp chất có giá trị đối với sức khỏe và giúp cà phê có hương vị độc đáo hơn.

Bảo cũng cho biết, nhóm đã sử dụng hạt cà phê Robusta từ Đắk Lắk làm nguyên liệu để nghiên cứu. Đây là loại cà phê nổi tiếng của Việt Nam, nhưng hiện chưa có nhiều sản phẩm thượng hạng có thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. "Chúng em mong muốn góp phần nâng tầm cà phê Việt bằng công nghệ, mang lại một sản phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa giữ được hương vị nguyên bản,” Bảo chia sẻ.

Công nghệ thủy nướng

Theo ThS Lê Tấn Nhân Từ, nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass, phương pháp thủy nướng là một sáng tạo hoàn toàn mới, đem lại hương vị đặc biệt cho cà phê. Nhóm đã sử dụng thiết bị thủy nhiệt, đặt hạt cà phê vào trong môi trường nhiệt độ từ 120 đến 220 độ C trong khoảng thời gian từ 30 đến 120 phút. Phương pháp này không chỉ giúp quá trình truyền nhiệt đều mà còn nâng cao hiệu suất trích ly, tạo ra một lượng cà phê thơm ngon và đậm đà hơn.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass, nhận định nước cà phê thu được từ phương pháp thủy nướng được các chuyên gia đánh giá cao về hương vị. Ông cho rằng, với phương pháp này, hạt cà phê được chế biến trong môi trường kín và áp suất lớn, giúp giữ nguyên dưỡng chất và tránh mất mùi hương. Đây có thể là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam không chỉ là cường quốc trồng cà phê mà còn có công nghệ chế biến đặc biệt, mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thương hiệu After 1224

Sản phẩm cà phê thủy nướng của nhóm được đặt tên là "After 1224". Bảo giải thích rằng, nhiều thương hiệu cà phê trên thế giới thường sử dụng cụm từ "since" (từ năm nào đó) để tạo ấn tượng về lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, nhóm mong muốn tạo ra sự khác biệt, với thông điệp "Khác biệt từ nguyên bản". After 1224 là đại diện cho sự mới mẻ và chân thực, với cam kết về chất lượng cà phê vượt trội.

Mặc dù đã đạt được những thành công ban đầu, nhóm vẫn đối mặt với một số thách thức khi chuyển giao công nghệ vào thực tiễn. Hiện tại, thiết bị thủy nướng mà nhóm tự chế chỉ cho phép sản xuất một lượng nhỏ cà phê, khoảng 250 đến 500ml mỗi lần. Nhóm đang lên kế hoạch phát triển quy mô sản xuất lớn hơn, đồng thời mở các chuỗi cửa hàng cà phê sử dụng công nghệ này để mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng.

Lương Đàm (TH)