Không ai bắt người lao động nhận lương 7 triệu đồng
Hơn 2 tuần qua, các diễn đàn việc làm ở Việt Nam lại một lần nữa "dậy sóng" về tâm thư của nữ sinh "sốc" khi ra trường mức lương chỉ 7 triệu đồng. Đây là câu chuyện "cũ rích" nhưng cũng chưa bao giờ hết nóng mỗi khi được đề cập. Hiện, ngoài lương tối thiểu vùng thì chưa có quy định cụ thể nào về mức lương "cứng" cho sinh viên mới ra trường nên đề tài này vẫn sẽ gây nhiều tranh cãi.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, đánh giá nguồn nhân lực, bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) - cho rằng đây thực sự là vấn đề khó. Người lao động thì luôn có lý lẽ của mình và người tuyển dụng lao động cũng vậy.
"Với sinh viên mới ra trường ở TPHCM thì tính theo lương tối thiểu vùng thì mức lương thấp nhất khoảng 5 triệu đồng. Tuy vậy, không ai ép người lao động phải nhận mức lương đó cả. Mức lương là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Mình chấp nhận mức lương đó là đồng nghĩa với việc năng lực của mình chỉ tới đó thôi", bà Trúc, phân tích.
Trong quá trình làm việc, bà Trúc đã gặp hàng ngàn sinh viên mới ra trường đến tuyển dụng. Khi đến phỏng vấn, hầu hết sinh viên đều yêu cầu mức lương cao nhưng không chứng minh được năng lực, không tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Nhiều sinh viên khi vào làm việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, thậm chí hướng dẫn cả việc đánh máy vi tính.
"Nếu mình có năng lực thì hoàn toàn đưa ra mức lương cao với doanh nghiệp, có thể 10, 15 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Thậm chí, mình sẵn sàng chịu thử thách thời gian đầu, 1 tháng, 3 tháng... để thể hiện năng lực. Khi doanh nghiệp thấy được năng lực thì họ sẽ tăng lương. Khi họ không tăng lương thì mình có thể tìm môi trường khác, lương cao hơn", Trưởng phòng Việc làm, nói.
Bà Trúc cho hay, có một nghịch lý, hiện nay các trường đại học đều dạy kỹ năng mềm nhưng khả năng tiếp thu của sinh viên lại khá hạn chế. Trong khi đó, khi làm việc, doanh nghiệp đều yêu cầu sự linh hoạt, nhạy bén, khả năng tiếp nhận và cập nhật thông tin. Do nắm kỹ năng mềm chưa tốt nên nhiều sinh viên mới ra trường không thể thích ứng với môi trường làm việc.
Về quan điểm, mức lương 7 triệu đồng không đủ sống của giới trẻ, bà Trúc, cho hay, vấn đề này ở mỗi cá nhân sắp xếp. Công chức mới ra trường hiện nay mức lương cũng chỉ hơn 4 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều ngành, nghề, thấp hơn cả lao động phổ thông.
Người được trả lương 2.000 USD, người chỉ 6 triệu đồng
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, bà Hà Thị Kim Oanh (Trưởng phòng nhân sự công ty Công nghệ T.A, ở quận 7, TPHCM), nhấn mạnh: "Mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực của sinh viên, nhiều sinh viên học bạ thì toàn điểm cao nhưng thực hành lại thua học sinh cấp 3. Kiến thức nắm rất chắc nhưng khi bắt tay vào việc lại không biết làm như thế nào. Học thiết kế phần mềm nhưng khi đi làm lại chỉ giỏi chơi game".
Mỗi năm, bà Oanh phỏng vấn khoảng 150 sinh viên mới ra trường nhưng chỉ khoảng 40 người được nhận vào làm việc. Ngoài thiếu kỹ năng công việc, nhiều sinh viên còn thiếu cả kỹ năng sống, tác phong bất cần, không coi trọng việc phỏng vấn.
"Có sinh viên đến phỏng vấn nhưng không biết công ty đang hoạt động trong lĩnh vực gì, hoạt động ra sao, không giới thiệu được mình sẽ góp phần gì vào việc phát triển công ty. Những sinh viên đó, tôi gạt hồ sơ ngay hoặc chỉ nhận vào làm một số việc vặt ở công ty để đào tạo với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng. Ngược lại, một số sinh viên chỉ cần 2-3 câu hỏi là tôi nhận ngay, mức lương thử việc có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng và lương chính thức lên tới 2.000 USD", bà Oanh chia sẻ.
Cùng trao đổi về vấn đề này, bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng Giám đốc Cisco Systems Việt Limited, cho rằng, tùy mỗi ứng viên, nhân viên sẽ có mức thu nhập khác nhau. Tuy nhiên, việc tuyển dụng, đào tạo nhân viên cần coi trọng con người là trọng tâm, là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện để người lao động phát triển toàn diện và có mức thu nhập tương xứng.