Phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc

Về phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân gắn với đấu tranh phi vũ trang, có thể thấy hoạt động chiến đấu vũ trang là hoạt động đặc trưng khi đất nước xảy ra chiến tranh, song để hoạt động này đạt hiệu quả ngay thời kỳ đầu chiến tranh thì những tiền đề thiết yếu phải được chuẩn bị đầy đủ qua phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân từ thời bình. Phương thức vận hành hoạt động vũ trang bao gồm hoạt động tác chiến và hoạt động phục vụ, bảo đảm chiến đấu.
image001-1695135554.jpg
Dân quân tải đạn, phục vụ chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu.

Tổ chức toàn dân đánh giặc là đặc trưng cơ bản nhất trong phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đó là phương thức hoạt động phối hợp nhiều lực lượng, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt; kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp chiến đấu với đấu tranh của các lực lượng, tổ chức, đoàn thể quần chúng nhân dân để bảo vệ các khu vực, mục tiêu trọng yếu của khu vực phòng thủ. Trong đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh, việc tổ chức cho toàn dân đánh giặc được tiến hành rất đa dạng:

Hình thức trận chiến đấu là những trận đánh tiến công hoặc phòng ngự do nhân dân cùng với bộ đội, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng,... tiến hành, kết hợp với hoạt động của các lực lượng khác để tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ địa bàn.

Trận chiến đấu nhỏ lẻ là những trận đánh do từng đơn vị nhỏ của lực lượng vũ trang cùng nhân dân thực hiện, diễn ra trên địa bàn hẹp, mục tiêu nhỏ được chọn lựa vừa sức song được tiến hành ở khắp các thôn, xóm, làng bản, phố, phường, cơ sở sản xuất,... nên có thể sát thương, tiêu hao địch rộng rãi, tạo điều kiện, thời cơ cho các trận chiến đấu tập trung.

Trận chiến đấu tập trung là trận đánh do các đơn vị cấp cơ sở của lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân tiến hành, được tổ chức ở địa bàn trọng điểm, khi có thời cơ, nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch để giữ vững hoặc khôi phục trận địa, tạo điều kiện cho hoạt động rộng khắp và các hoạt động đấu tranh trên các lĩnh vực khác của địa phương.

Hình thức đợt hoạt động là tổng hợp các trận chiến đấu nhỏ lẻ và tập trung kết hợp với các hoạt động đấu tranh, do lực lượng chung của từng khu vực phòng thủ tiến hành, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, được điều hành theo một ý định, kế hoạch thống nhất. Đợt hoạt động thường diễn ra trong một thời gian, không gian nhất định, đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự chỉ đạo quân sự của cấp chiến dịch, nhằm thực hiện một số nhiệm vụ mang tính hướng đích do địa phương hoặc cấp trên đề ra. Đợt hoạt động thường diễn ra ở các khu vực địa bàn trọng điểm. 

66-giai-phong-quang-tri-1-1695135740.jpg
Bộ đội kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất Thành cổ Quảng Trị (năm 1972). Ảnh: TTXVN.

Hoạt động tác chiến bảo vệ khu vực mục tiêu trọng yếu của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương thường vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu dựa vào hệ thống làng xã chiến đấu, điểm tựa, cụm điểm tựa làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch có trọng điểm với tiến công địch rộng khắp để bảo vệ khu vực, mục tiêu. Hoạt động bảo vệ khu vực, mục tiêu trọng yếu thường diễn ra quyết liệt, kết hợp nhiều lực lượng, vận dụng tổng hợp nhiều hình thức, phương pháp, biện pháp chiến đấu và đấu tranh. Các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, dự kiến nhiều phương án, nhiều tình huống; tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm chu đáo.

Hoạt động tác chiến rộng khắp là hoạt động của lực lượng tại chỗ, trong thế trận của khu vực phòng thủ địa phương đã được chủ động chuẩn bị trước một bước từ thời bình, do dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, công an và đông đảo nhân dân tham gia. Đó là phương thức đánh địch bằng các loại vũ khí cả thô sơ và tương đối hiện đại; đánh địch mọi lúc, mọi nơi; mọi quy mô; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu, lấy đánh nhỏ lẻ là phổ biến. Tác chiến rộng khắp nhằm ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, căng kéo, kìm chân, phân tán địch ra nhiều hướng khu vực; tạo điều kiện cho các trận đánh tập trung, đồng thời giữ vững và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân địa phương.

Hoạt động tác chiến bám trụ là phương pháp hoạt động đặc trưng của chiến tranh nhân dân địa phương dựa trên thế trận đã được chuẩn bị trước từ thời bình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu kết hợp với các hoạt động đấu tranh để trụ bám đánh địch, bảo vệ mục tiêu, địa bàn. Đây là cơ sở để phát huy sức mạnh của các lực lượng tại chỗ, giữ vững thế trận phòng thủ, giữ dân và giành dân, ngăn chặn, kìm giữ, chia cắt, tạo và giữ thế xen kẽ với địch, làm thất bại thủ đoạn đánh nhanh, thắng nhanh của địch.

Hoạt động tác chiến bám trụ do nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ tiến hành dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Do vậy, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo, toàn diện cả tư tưởng, tổ chức, các mặt bảo đảm, tổ chức lãnh đạo, chỉ huy để tác chiến dài ngày.

Hoạt động tác chiến trong lòng địch và sau lưng địch diễn ra ở những địa bàn tạm thời bị địch chiếm đóng, nhằm giữ dân, giành dân; kìm chân, căng kéo, phân tán, làm giảm tốc độ tiến công của địch, giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân của ta, góp phần dồn đẩy địch vào thế bị động, mất ổn định, sa lầy. Lực lượng hoạt động tác chiến trong lòng địch và sau lưng địch là lực lượng tổng hợp do lực lượng vũ trang làm nòng cốt, song thường bị phân tán, trụ lại trong làng xã, căn cứ chiến đấu.

screenshot-1-1695136013.png
Bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân 1975. Ảnh tư liệu.

Cách thức tác chiến chủ yếu là tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, tìm sơ hở của địch để tổ chức các trận đánh nhỏ, đánh hiểm, đánh bất ngờ. Tiến công quân sự được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận và các hình thức đấu tranh khác như chống địch đàn áp dân, bắt lính, lập ngụy quân, ngụy quyền,... Hoạt động tác chiến trong lòng địch và sau lưng địch có tính độc lập, tự lực cao, góp phần làm suy yếu địch, song diễn ra gay go, quyết liệt và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ thời bình và kịp thời bổ sung, điều chỉnh trong quá trình chiến tranh.

Hoạt động tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực là sự kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, giữa lực lượng toàn dân đánh giặc với các binh đoàn chủ lực, để tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực phải dựa vào kế hoạch phòng thủ của địa phương và quyết tâm chiến đấu, kế hoạch tác chiến của bộ đội chủ lực, lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội chủ lực làm trung tâm, đồng thời đạt được mục đích, yêu cầu tác chiến của địa phương.

Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương phải chủ động chuẩn bị mọi mặt theo kế hoạch thống nhất để nâng cao hiệu suất chiến đấu của cả bộ đội chủ lực và lực lượng địa phương, đồng thời tạo hiệu quả đặc biệt của tác chiến hiệp đồng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến