Phong cảnh núi rừng và câu chuyện tâm linh tại Đền Chúa Cà Phê

Du lịch tâm linh ở nước ta đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Hiện cả nước có hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, trong đó hơn một nửa là nơi có thể khai thác mô hình du lịch tâm linh. Nếu như du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới gắn liền với hoạt động tôn giáo thì ở nước ta, du lịch tâm linh thường có mục đích hướng về cội nguồn, về lịch sử thờ cúng.
anh-cung-tho-chua-ca-phe-nguon-anh-tinnguongvietcom-1691373646.png
Cung thờ Chúa Cà Phê - Nguồn ảnh tinnguongviet.com

Đền thờ Chúa Cà Phê ở nơi rừng non cao thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chúa Bà là một trong những vị chúa Bói linh thiêng. Trong dân gian có lưu truyền rằng trước đây, khi người Pháp mang cây Cà Phê đến trồng, cà phê thì không lên mà công nhân lại liên tục ốm đau, bệnh tật, tai họa liên miên. Lo sợ không biết vì sao, công nhân đã đến một miếu vô danh ngay trong rừng trồng cà phê để khấn xin và được như ý muốn. 

Hơn 30 năm trong nom, quản lý đền, bà Tạ Thị Qùy, hơn 60 tuổi cảm nhận rõ sự linh thiêng của ngôi đền này: “Từ trước bà tôi cũng góp công xây dựng và ra đây quản lý thì nó chỉ 5m2 thôi, lúc đó chỉ là cái miếu thôi. Sau đó bà tôi cũng đi xin lộc vun đắp và cũng tu chí vào đền. Đến bây giờ chúng tôi cũng thế. Sáng ngày ra thì đứa con gái và cô nó tập trung quét dọn, người thì "lên hương khói", người thì "chuông mộ". 

Chúa Cà Phê là bà chúa bói người Nùng. Tương truyền, chúa bà là người linh thiêng và có nhiều quyền phép nhất trong các vị Chúa Bói trên thượng ngàn. Tuy nhiên, do bà sống ẩn dật trong núi sâu, nên ít người biết đến bà. Bản văn hầu chúa Cà Phê, từ thời Lê Thái Tổ đã có tích rằng:

"Trong tích cũ Lê triều Thái tổ
Một thôn nghèo mái đỏ trên nương
Lam chiều khói tỏa màn sương
Chim kêu vượn hót ven đường hoa chen
Ngày thiêng sổ chọn một giờ
Trời sai tiên nữ cầm cờ giáng sinh
Đêm thanh giờ tý hiện ra điện tiền
Khắp một vùng yên lặng màn đêm
Sao sa sáng tỏ ở bên thềm
Chợt nghe giáng hạ tiên nàng thánh linh”…

anh-rat-nhieu-thanh-dong-hau-gia-chua-ca-phe-trong-cac-van-hau-1691373646.png
Rất nhiều Thanh đồng hầu giá Chúa Cà Phê trong các vấn hầu

Theo những bản văn trong khóa lễ hầu đồng, chúa Cà Phê là tiên nữ được ông trời sai giáng hạ thế. Vào một đêm yên tĩnh tại thôn nghèo trên nương, chúa hạ xuống điện tiền làm sáng tỏ cả một vùng. Từ đó, chúa ở lại trần thế, cứu giúp dân lành, giải hạn tai ương. 

Sự linh thiêng ấy đã vang danh khắp miền nên hàng năm, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, chị Hứa Thị Liên, thành viên Ban Quản lý đền tiếp nhiều du khách thập phương: “Danh bà chúa Cà Phê là từ nơi đất này, đó là từ xa xưa rồi. Có ngôi miếu, ngôi đền  thờ ở đây thì dân người ta rất phụng thờ. Dân ở dưới xuôi lên đây kêu, cầu, tấu đối cũng thấy mát mẻ rồi lại lên tiếp. Cũng có nhiều người là thanh đồng lên đây sắp lễ, cắm hoa để hầu đồng. Ở đây là đền gốc, chứ không phải đền thờ vọng như ở những nơi khác”, chị Liên chia sẻ

Trải qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được vẻ đẹp trang nghiêm và cổ kính. Hằng năm, đền chúa Cà Phê đón hàng trăm khách hành hương đến chiêm bái. Dịp đông nhất là vào ngày chính tiệc của Chúa Bà, đó là ngày 06/02 âm lịch. 

Chị Hứa Thị Liên, từ tỉnh Hưng Yên đến lễ Chúa Bà với tấm lòng thành kính. Đồ lễ không cầu kỳ, không nhất thiết phải "mâm cao cỗ đầy", chỉ cần bông hoa, gói kẹo, trầu cau,.. nhưng khi bước vào đền chị đã cảm thấy an yên: “Về với đền chúa bà ở đây thì trước đền là một cửa sông lớn, rất là tịnh. Khung cảnh nơi đây thanh tịnh, sạch, đẹp. Càng ngày thì đền càng khang trang hơn. Năm ngoái đến đây thì còn đơn sơ hơn nhưng năm nay đền chúa được mở rộng hơn. Tôi đến đây lễ với tấm lòng thành và một ít lễ như trầu cau,…”, chị Liên cho biết. 

anh-rat-nhieu-nguoi-dang-le-tai-den-chua-ba-ca-phe-1691373646.jpg
Rất nhiều người dâng lễ tại đền Chúa Bà Cà Phê

Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở nước ta là những ngôi chùa, tòa thánh. Đền Chúa Cà Phê có câu chuyện tâm linh gắn với niềm tin của người dân và có phong cảnh núi non hùng vỹ nên đang là địa điểm thu hút du khách, góp phần phát triển ngành du lịch tâm linh nước nhà./.

Nguyễn Hà