Từ chiến thắng của Đồng khởi, phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến công địch. Để đưa cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới, Đảng ta chủ trương chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng; tăng cường sự chỉ đạo của Trung ương đối với cách mạng miền Nam; theo dõi sát từng bước phát triển của phong trào đấu tranh của nhân dân và những diễn biến, động thái mới trong âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Ngay từ đầu năm 1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dự kiến về sự xuất hiện tình hình mới, đồng thời làm rõ tính chất quyết liệt, giằng co phức tạp giữa ta và địch để giành quyền làm chủ ở thôn xã. Đối với địch, ta nhận định thời kỳ ổn định tạm thời của chúng đã qua, thời kỳ khủng hoảng liên tiếp dẫn đến suy sụp đã bắt đầu, và cũng chính vì thế mà chúng buộc phải tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt” chống lại nhân dân ta để cứu nguy cho chế độ Diệm.
Về phía ta, đấu tranh vũ trang đã phát triển với quy mô ngày càng lớn, đồng thời phối hợp với đấu tranh chính trị để tạo nên thế phát triển mới của phong trào. Thắng lợi của Đồng khởi cho thấy sức mạnh nổi dậy của nhân dân. Lực lượng và tinh thần đấu tranh của quần chúng cách mạng đã lên cao. Các tầng lớp nhân dân (trừ bọn địa chủ gian ác, bọn tư sản mại bản phản động) đều phấn khởi, hướng về cách mạng.
Thái độ của các lực lượng xã hội khác có chuyển biến ngày càng thuận lợi hơn cho việc tập hợp thêm lực lượng mới chống đế quốc Mỹ, mở rộng thêm Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam. Tuy nhiên, phong trào phát triển giữa các vùng vẫn chưa đều; lực lượng vũ trang chưa lớn mạnh; cán bộ còn thiếu; Mặt trận Dân tộc mới ra đời còn đang trong quá trình tập hợp, thu hút lực lượng; công tác binh vận còn yếu,...
Sự phân tích sắc bén, đúng đắn và toàn diện tình hình đó cho phép Đảng ta khẳng định phải nhanh chóng chuyển hướng từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Vận dụng và phát triển sáng tạo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng trong điều kiện mới, ngày 31 tháng 1 năm 1961, Nghị quyết của Bộ Chính trị về chỉ đạo cách mạng miền Nam đã đề ra phương hướng đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược.
Nghị quyết chỉ rõ: Phương hướng chiến lược của cách mạng miền Nam là phát triển theo con đường tiến lên tổng khởi nghĩa với những đặc điểm mới. Đó là quá trình địch khủng hoảng tan rã, lực lượng cách mạng tiếp tục phát triển, các hình thức chính quyền cách mạng sẽ xuất hiện, thời cơ cho một cuộc tổng tiến công bằng lực lượng vũ trang kết hợp với nổi dậy của nhân dân giành quyền làm chủ hoàn toàn sẽ xuất hiện.
Mỹ có thể sẽ đưa quân vào miền Nam với một quy mô nhất định, cho nên chúng ta cần theo dõi và nắm chắc để đối phó chủ động kịp thời. Nghị quyết còn chỉ rõ: Do tương quan lực lượng đã thay đổi, nên trong quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng cần nắm vững phương châm đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh quân sự lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị, quân sự, ở cả ba vùng miền núi, đồng bằng, đô thị.
Yêu cầu mới về xây dựng lực lượng chính trị và phát động quần chúng xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng căn cứ địa, đẩy mạnh công tác binh vận, thống nhất cơ quan chỉ đạo các cấp, tăng cường công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên,... không chỉ là công tác cần thiết trước mắt, mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài, mang tính quyết định mọi thắng lợi của cách mạng miền Nam. Trong các vấn đề nói trên, vấn đề xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhằm tiếp tục đẩy mạnh mọi hình thức đấu tranh để đẩy lùi từng bước, tiến lên đánh đổ hoàn toàn địch được coi là công tác quan trọng và khẩn cấp bậc nhất.