Những điều ít biết về hoạt động phục vụ chiến đấu trong chiến tranh (phần 3 và hết)

Trong trạng thái thời chiến, là trạng thái xảy ra khi ở một hay nhiều khu vực hoặc cả nước, tình hình an ninh chính trị bị đe dọa nghiêm trọng; địch tiến hành cấm vận, bao vây, phong tỏa đường biển, đường không, lấn chiếm biên giới, biển, đảo, tập kích hỏa lực hoặc chuẩn bị tiến công xâm lược. Khi Chủ tịch nước ra Tuyên bố tình trạng chiến tranh, phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân thời bình được chuyển hóa hoàn toàn sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân.
images1203739-1-1695137843.jpg
Nhân dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Báo Nam Định.

Chuyển địa phương sang thời chiến là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của chiến tranh. Đó là quá trình chuyển trọng tâm nhiệm vụ chính trị của địa phương từ phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng thời bình sang nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương và duy trì kinh tế thời chiến. Chuyển địa phương sang thời chiến là giai đoạn địa phương phải triển khai nhiều mặt công tác trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ do toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị thực hiện.

Cấp ủy đảng từng địa phương phải căn cứ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương để ra nghị quyết lãnh đạo địa phương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến và động viên thời chiến. Trong quá trình chuyển địa phương sang thời chiến, cấp ủy đảng phải lãnh đạo xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra, nhất là tình huống địch lấn chiếm biên giới, biển đảo, gây bạo loạn lật đổ. Về hình thức, phương pháp lãnh đạo lúc này cũng cần hết sức linh hoạt để phù hợp với bối cảnh thời chiến.

Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức hội nghị bất thường quán triệt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước, Quyết định của Chính phủ; chủ trương lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp; quyết nghị điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện chuyển địa phương sang thời chiến theo đề nghị của Ủy ban nhân dân; phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát hoạt động của các tổ chức chính quyền; đồng thời động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển địa phương sang thời chiến.

Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương triển khai các bước công tác quản lý nhà nước; phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân được phân công phụ trách, tận dụng năng lực tham mưu của các cơ quan chuyên môn,... để chuyển địa phương sang thời chiến. Trong quá trình điều hành, Ủy ban nhân dân một mặt tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, mặt khác tuân thủ các chế tài bổ sung khi đất nước chuyển sang trạng thái chiến tranh.

Cơ quan quân sự các cấp căn cứ vào mệnh lệnh của cấp trên tổ chức chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương; khôi phục biên chế thời chiến cho các đơn vị, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; triển khai hệ thống sở chỉ huy, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và phương án bảo vệ mục tiêu. Đồng thời, cơ quan quân sự làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện các dự án theo chương trình công tác của Ủy ban nhân dân.

images1206267-1-1695137934.jpg
Dân quân Nghĩa Lâm chở xác máy bay Mỹ. Ảnh: Báo Nam Định.

Khối lượng công tác lớn, tình hình diễn biến rất khẩn trương và phức tạp, nên cơ quan quân sự phải đề cao trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các phương pháp tham mưu để nâng cao hiệu suất công tác. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền theo lĩnh vực công tác, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước triển khai các mặt công tác ngành để nhanh chóng chuyển địa phương sang thời chiến và thực hiện động viên thời chiến.

Để phòng, tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực, trước hết, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân vẽ ý thức cảnh giác, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ của phòng, tránh, đánh trả nhằm hạn chế được những tổn thất, thiệt hại do địch gây ra, góp phần đánh thắng biện pháp tác chiến của địch. Đồng thời, phải kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng tránh, sơ tán; xây dựng công sự hầm, hào, ngụy trang, giữ bí mật; chỉ đạo kiện toàn hệ thống quan sát, thông báo báo động, hệ thống phòng thủ dân sự, hệ thống hỏa lực phòng không ở địa phương để phòng, tránh, đánh trả có hiệu quả, nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định tình hình địa phương.

Lực lượng vũ trang địa phương là nòng cốt trong phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả, do vậy cần thực hiện tốt các biện pháp trinh sát, quan sát, thông báo báo động, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, giữ vững tinh thần, ý chí quyết tâm của nhân dân và lực lượng vũ trang. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào kế hoạch phòng, tránh, sơ tán của địa phương để chủ động triển khai tuyên truyền vận động nhân dân và tích cực xây dựng công sự, hầm hào, làm tốt công tác ngụy trang, giữ bí mật; đồng thời triển khai phương án tác chiến tự bảo vệ cơ quan, phối hợp cùng các lực lượng của địa phương khắc phục hậu quả, tham gia vận chuyển, cứu chữa thương binh và nhân dân.

Phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả địch tiến công hỏa lực là công việc rất phức tạp, diễn ra trên diện rộng ngay từ thời kỳ đầu và suốt quá trình chiến tranh. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về con người, tổ chức và trang bị, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ phận ngay từ trong thời bình. Đặc biệt là đối với công tác phòng không nhân dân. Từ thời bình đã cần chủ động, tích cực kiện toàn hệ thống phòng không nhân dân; chăm lo xây dựng lực lượng phòng không của dân quân tự vệ. Khi chiến tranh xảy ra, từng cấp phải kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng không nhân dân, kế hoạch phòng thủ dân sự từ cơ sở, huyện, thị đến tỉnh, thành phố.

images1205553-1-1695137966.jpg
Tự vệ HTX dệt 19 tháng 5 tham gia những trận đánh máy bay Mỹ. Ảnh: Báo Nam Định.

Đánh địch tiến công nhằm giữ vững khu vực phòng thủ là một nhiệm vụ quân sự trực tiếp của các địa phương trong thời kỳ đầu chiến tranh. Khi tiến công vào khu vực phòng thủ, địch có thể đồng thời hoặc lần lượt tiến công bằng đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không hoặc tiến công đường bộ; có thể đánh chiếm các huyện phía trước, sau đó phát triển đánh chiếm mục tiêu trọng yếu, cũng có thể ngay từ đầu đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu ở các địa phương nằm sâu trong nội địa theo phương pháp tiến công vượt điểm.

Do vậy, cấp ủy và chính quyền các địa phương phải thường xuyên nắm chắc, bám sát tình hình nhằm định ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương, cần chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai hoạt động đấu tranh phối hợp; huy động sức mạnh tổng hợp của địa phương triển khai công tác phục vụ và bảo đảm chiến đấu; chỉ đạo công tác động viên thời chiến và bảo đảm an ninh chính trị, dập tắt các cuộc bạo loạn ở địa phương.

Các lực lượng vũ trang địa phương, căn cứ vào ý định tác chiến của quân khu và Bộ Quốc phòng, cũng như chủ trương của cấp ủy và chính quyền, thường xuyên bám sát, nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời điều chỉnh quyết tâm chiến đấu, làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Các hoạt động tác chiến được thực hành kiên quyết và rộng khắp đánh bại lực lượng địch đổ bộ đường biển, đường không, tiến công đường bộ, vu hồi đường sông... nhằm giữ vững khu vực phòng thủ then chốt. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chủ trương của cấp ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân, kế hoạch tác chiến của cơ quan quân sự, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch công tác, điều chỉnh lực lượng, triển khai bảo đảm cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, đồng thời tham gia các hoạt động đấu tranh khác như phối hợp dập tắt bạo loạn, bảo vệ hậu phương, khắc phục hậu quả, sẵn sàng tăng cường chi viện nơi khó khăn,...

Việc phối hợp tác chiến cùng bộ đội chủ lực đang triển khai và hoạt động tác chiến trên địa bàn cần được tiến hành chu đáo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch, bảo vệ địa bàn. Đó là sự phối hợp tác chiến giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Sự phối hợp giữa lực lượng của khu vực phòng thủ với bộ đội chủ lực bảo vệ Tổ quốc diễn ra ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh.

Cấp ủy đảng và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân và trực tiếp tham gia phối hợp đấu tranh chính trị, binh địch vận, tham gia các mặt công tác bảo đảm, phục vụ tác chiến như: làm đường, bảo đảm cơ động; xây dựng công trình, công sự; vận chuyển, bảo đảm lương thực, thực phẩm, vật chất cho bộ đội chủ lực tác chiến trên địa bàn. Địa phương còn phải tích cực tham gia giải quyết hậu quả trên chiến trường; cứu chữa, vận chuyển thương binh; đồng thời đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống cho lực lượng vũ trang và nhân dân chiến đấu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến