Phần 2: Các yếu tố chủ quan
Dự báo những nhân tố chủ quan có sức ảnh hưởng đối với việc phát hiện và tận dụng tài năng là một bước quan trọng đối với một tổ chức, nơi con người nắm giữ vai trò trọng yếu. Để thấu hiểu sâu hơn về cách tổ chức có thể nắm giữ và phát triển những khả năng tiềm ẩn, chúng ta cần phân tích từng khía cạnh của những yếu tố này. Những yếu tố này bao gồm các mặt tinh thần và văn hóa tổ chức, được điều hành bởi sự ảnh hưởng của lãnh đạo, và được thể hiện qua cách mà tổ chức ứng xử với việc phát triển nhân tài. Tính tinh thần trong tổ chức, ví dụ như sự đoàn kết, tôn trọng và khả năng thúc đẩy sự sáng tạo, có thể khám phá qua việc phân tích các yếu tố tinh thần. Sự lãnh đạo đúng nghĩa có khả năng thúc đẩy sự phát triển và định hình nền văn hóa của tổ chức. Cuối cùng, cách mà tổ chức ứng xử với việc phát hiện và phát triển tài năng có thể phản ánh sự ưu tiên của họ đối với việc xây dựng và thúc đẩy tài năng trong tổ chức. Việc nắm bắt và hiểu rõ những yếu tố này cũng như cách chúng tương tác trong môi trường làm việc của tổ chức sẽ giúp thúc đẩy sự thành công trong quản lý nhân tài và giúp tổ chức đạt được mục tiêu của mình một cách hiệu quả và bền vững.
Thứ nhất, người tài có môi trường và nhiều cơ hội để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, qua đó thể hiện và khẳng định năng lực của bản thân
Mỗi người đều có nhu cầu phát triển bản thân, vì thế, cơ hội tham gia vào đào tạo, huấn luyện hữu ích luôn được người lao động đánh giá cao. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, chúng ta cần tạo môi trường để họ học tập, học thường xuyên, học suốt đời, không ngừng trau dồi kỹ năng, thường xuyên bổ túc, cập nhật kiến thức, chủ động theo kịp sự đổi mới, phát triển của khoa học công nghệ.
Có thể nói, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, đi theo con đường này, một mặt có thể tránh được sự áp đặt của các nước có nền công nghiệp phát triển, nhưng mặt khác cũng cần sáng tạo những bước đi, cách làm vừa nhanh chóng, vững chắc, vừa đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, đội ngũ nhân tài không chỉ cần nâng cao về trình độ, kiến thức mà còn phải gắn bó với nhân dân, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; không ngừng lao động sáng tạo và rèn luyện cả về chuyên môn, thể lực lẫn phẩm chất đạo đức.
Thứ hai, ý thức trách nhiệm của nhân tài đối với sự phát triển đất nước
Trong thời gian tới, đất nước ta sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn, đòi hỏi phải không ngừng phát huy ý thức trách nhiệm, ý chí của mọi người dân, đặc biệt là đội ngũ nhân tài - những người có khả năng đem tri thức và khả năng sáng tạo của mình góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ hơn. Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay đòi hỏi việc phát huy cao độ vai trò và ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhân tài.
Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương và mỗi cá nhân cần phải nhận thức đầy đủ các cơ sở khoa học, cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và yêu cầu thực tiễn của đất nước; các nhân tố khách quan, chủ quan tác động đến nhân tài và công tác xây dựng đội ngũ nhân tài; và những yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài, phát triển mạnh cả về số lượng, nâng cao về chất lượng; đặc biệt, cần phát huy tầm quan trọng, tiềm năng, nhiệt huyết của nhân tài trên mọi lĩnh vực; góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, tầm nhìn, phương pháp và cách thức phát huy tiềm năng của nhân tài của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp
Cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn tốt, có trách nhiệm cao với công việc được giao, có khả năng xây dựng khối đoàn kết để phát huy sức mạnh tập thể... Đó là mục tiêu và cũng là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân đối với đội ngũ này trong thời gian tới. Đạo đức cách mạng là phẩm chất quan trọng của người cách mạng, thể hiện qua tình cảm, niềm tin, lý tưởng, ý chí, nhiệt tình cách mạng,… đây là những nhân tố bên trong thôi thúc cán bộ không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, trong đó có việc học tập, rèn luyện, bồi dưỡng tư duy chiến lược. Đảng và Nhà nước cần xây dựng được đội ngũ có tâm huyết vì nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; các quyết định của của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, đó là cơ sở vô cùng quan trọng để hình thành tư duy chiến lược của quốc gia. Cán bộ, lãnh đạo các cấp cần phải xây dựng được phương pháp, xác định được tiêu chí chính xác đối với nhân tài trong cơ quan, đơn vị mình chẳng hạn như: Tiêu chí tuyển dụng là tổng hợp những kiến thức, kỹ năng, hành vi để có thể hoàn thành tốt một công việc cụ thể trong một môi trường cụ thể.
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẽ tham mưu, xây dựng để đưa ra các cơ chế, chính sách phát hiện, đãi ngộ tốt đối với nhân tài. Trong tương lai, không chỉ môi trường nhà nước, mà các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài cũng cần ứng dụng và đưa ra những biện pháp, cách thức tích cực, hiệu quả để phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong chính sách thu hút nhân tài của doanh nghiệp, một trong những yếu tố cần quan tâm nhất đó chính là việc trả lương cho nhân viên như thế nào là xứng đáng và phù hợp với điều kiện của công ty. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt không chỉ về thị trường mà còn về nguồn lực chất lượng trong những năm tới, nhà tuyển dụng buộc phải xây dựng một chính sách lương, thưởng hấp dẫn dựa trên hiệu quả công việc. Bằng cách này, ứng viên tiềm năng sẽ cảm thấy mức lương họ nhận được là thỏa đáng với năng lực và họ có thể nhận được nhiều hơn nữa nếu làm việc tốt.
Thứ tư, nhân tài s chủ động hơn trong học tập, trau dồi kiến thức và khẳng định được vị trí, chỗ đứng của bản thân
Bước sang thời kỳ hội nhập gắn với phát triển nền kinh tế tri thức trong xu thế khoa học, công nghệ đang phát triển như vũ bão trên thế giới, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và toàn diện thì yêu cầu đặt ra đối với trình độ kiến thức của nhân tài trên mọi lĩnh vực sẽ ngày càng cao. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước ta đang đào tạo và sản sinh ra nguồn nhân tài cho đất nước. Với chủ trương, chính sách của nhà nước, nhất là triển khai thực hiện nhiều chiến lược, đa phần nhân tài được đào tạo qua nhà trường và qua quá trình rèn luyện ngoài thực tiễn xã hội. Môi trường xã hội ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tri thức, năng lực, nhân cách và quan trọng hơn cả hình thành nên bản lĩnh, kinh nghiệm và khả năng khẳng định bản thân của nhân tài. Nhân tài thường chủ động tìm kiếm cơ hội để khẳng định vị trí và chỗ đứng của mình, phát huy được những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế vươn lên ngang tầm với trình độ trí tuệ của nhân loại. Nhân tài sẽ có nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu chuyên môn để nâng cao trình độ về mọi mặt, qua đó khẳng định được vị trí, chỗ đứng của mình trong tương lai.
Trong thời gian tới nhân tài sẽ chủ động, mạnh mẽ, quyết đoán, năng động, sẵn sàng đương đầu với thử thách và từ đó sẽ bộc lộ tố chất và năng lực của bản thân. Qua đó, các nhà hoạch định chiến lược, các cơ quan về tổ chức, xây dựng đội ngũ, cơ quan tuyển dụng nhân lực sẽ có nhiều điều kiện, cơ hội để phát hiện và tuyển lựa thay vì “đốt đuốc dò đường” tìm người tài giữa biển người mênh mông.
Kết luận
Việc các yếu tố tác động đến việc phát hiện và trọng dụng nhân tài trong các cơ quan hành chính nhà nước là một quá trình quan trọng để nắm bắt xu hướng và sự thay đổi trong nguồn nhân lực. Các yếu tố tác động như sự thay đổi công nghệ, chính sách và quy định, nhu cầu và ưu tiên của xã hội và sự biến đổi trong môi trường làm việc... Dựa trên các yếu tố này, các cơ quan hành chính nhà nước có thể đưa ra chiến lược để phát hiện và trọng dụng nhân tài. Cơ quan nhà nước cần tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân tài như đảm bảo công bằng trong tuyển dụng, cung cấp cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp, tạo ra những điều kiện làm việc tích cực và đổi mới.