Trong thời gian tới, tình hình thế giới chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt, thách thức to lớn, tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường gây mất ổn định, bất trắc trong mối quan hệ giữa các quốc gia như: Chiến tranh, xung đột xảy ra nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia kéo theo nguy cơ đe dọa đến an ninh, an toàn, hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển trên thế giới. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”, “Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”.
Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới mặc dù còn có những thách thức, tuy nhiên, cũng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển. Xu thế cạnh tranh và hợp tác toàn cầu đòi hỏi phải lấy khoa học, kỹ thuật là động lực chủ yếu để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ sẽ mở ra triển vọng mới cho các nền kinh tế khi tham gia phân công lao động toàn cầu. Trong quá trình thay đổi đó tất yếu đòi hỏi các nước phải gia tăng nguồn lực từ bên trong, việc phát hiện, trọng dụng nhân tài được xem là yếu tố then chốt, mang tính lâu dài, bền vững cho sự phát triển. Mỗi quốc gia sẽ chọn lựa các chính sách thu hút, phát hiện nhân tài phù hợp với thực tiễn của mình, nhưng việc chú trọng đến công tác phát hiện, thu hút được đội ngũ nhân tài ở mỗi quốc gia là khác nhau. Công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng đội ngũ nhân tài được thành công, hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện, trong đó có các nhân tố tác động.
Các nhân tố khách quan
Thứ nhất, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến cuộc sống và sự phát triển của thế giới, đây là hai xu thế lớn, chi phối tiến trình phát triển của nhân loại. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn đến nhu cầu về nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức sẽ thay đổi, một số ngành nghề sẽ biến mất, thay vào đó một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Do vậy, nó tác động không nhỏ tới chất lượng nguồn nhân lực nên đòi hỏi đội ngũ này phải có trình độ, tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nền sản xuất hiện đại đặt ra. Nguồn nhân lực là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với chính sách phát triển nhân tài của mỗi đất nước, xu hướng hội nhập quốc tế sẽ là xu hướng tất yếu để mỗi quốc gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là phát triển đội ngũ nhân tài cho từng ngành, từng lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, hàm lượng chất xám cao.
Thứ hai, các vấn đề toàn cầu
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Những vấn đề toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp”. Các vấn đề toàn cầu, nhất là các vấn đề về an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đ dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các áp lực về chuyển đổi các phương thức phát triển trong tương lai sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc nâng cao năng lực và chuẩn bị nguồn lực đối phó với những biến đổi này đang đặt ra yêu cầu và thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải có định hướng và chiến lược lâu dài mà yếu tố con người ở đây được xem là yếu tố then chốt. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài về phương thức và mô hình phát triển mới như: Tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ của đội ngũ trí thức trong nước là những hạt nhân quan trọng góp phần thay đổi nền công nghiệp vẫn chưa hiện đại để thay đổi lại định hình kinh tế mới trên thế giới, góp phần thay đổi sự tác động tiêu cực của các quốc gia đối với môi trường, đứng trước yêu cầu đặt ra này, nguồn lực về nhân tài đang là yêu cầu bức thiết, có như vậy mới đảm bảo cho sự vận hành của đất nước đi đúng mục tiêu đã định.
Thứ ba, sự tác động kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước
Thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của thế giới có nhiều chuyển biến sẽ tác động không nhỏ tới tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, sự tác động kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước đối với việc thu hút và trọng dụng nhân tài là một vấn đề rất quan trọng. Nếu quốc gia có một môi trường kinh doanh ổn định, chính trị ổn định và công bằng, nền kinh tế phát triển và cung cấp cơ hội việc làm, điều này sẽ thu hút được nhân tài từ cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc có được nhân tài tốt và sử dụng hiệu quả nhân tài cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của một quốc gia. Trong lĩnh vực kinh tế, việc thu hút và tận dụng nhân tài giỏi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực chính trị và xã hội, sự thu hút và trọng dụng nhân tài cũng có thể ảnh hưởng tích cực tới việc xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và phát triển.
Thứ tư, cạnh tranh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quan trọng đối với tiến trình phát triển của đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trước xu thế toàn cầu hóa. Nền kinh tế đang phát triển và ổn định. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đây là cơ hội để mỗi công dân Việt Nam có điều kiện thực tế học tập, nghiên cứu, cống hiến và trưởng thành. Sự đổi mới mô hình phát triển nền kinh tế ở Việt Nam là chuyển từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế vận hành đầy đủ đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Thứ năm, thành tựu đạt được từ công cuộc đổi mới đất nước
Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã triển khai tích cực và năng động đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trên thế giới, “đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào nước ta”.
Để đạt được những thành tựu của công cuộc đổi mới như trên đều xuất phát từ những chính sách phát triển trọng điểm của Đảng và Nhà nước ta. Yếu tố con người, yếu tố nhân tài trong mỗi lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng ngay từ khi bắt đầu xây dựng đất nước, và sau gần 40 năm đổi mới đất nước, nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật, giúp đất nước từ một nước kém phát triển vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, khẳng định được chỗ đứng và vị thế nhất định trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thời gian tới, những thành tựu đạt được từ công cuộc đổi mới của đất nước dự báo sẽ tác động tới việc phát hiện và trọng dụng nhân tài của nước ta từ các góc độ cụ thể sau: 1) Tăng cơ hội phát hiện nhân tài: Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước sẽ tạo ra môi trường thuận lợi và mới mẻ cho việc phát hiện và trọng dụng nhân tài. Cơ hội khẳng định bản thân cùng với các dự án phát triển và công việc sáng tạo sẽ mở ra cánh cửa cho sự nổi bật của các nhân tài; 2) Tăng nhận thức: Sự phát triển và đổi mới đất nước thu hút sự chú ý và quan tâm từ nhiều phía hơn như từ cơ quan, đơn vị thu hút nhân tài, từ bản thân nhân tài hay những cơ sở tổ chức tư nhân cũng rất cần nhân tài đã được đào tạo bài bản...; 3) Sự cạnh tranh để khẳng định bản thân từ chính nhân tài. Điều này thúc đẩy sự tiến bộ và nỗ lực cá nhân để trở thành những nhân tài xuất sắc.
Trong tiến trình lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta luôn “đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Quan điểm này là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Nhân tài đóng vai trò quan trọng trong việc tìm tòi, sáng tạo những ý tưởng mới, những con đường mới, những chiến lược, chủ trương mới nhằm cải tạo thực tiễn theo hướng cách mạng, cải cách và đổi mới, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 và trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 của nước ta. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng tiếp thu các tinh hoa công nghệ của nhân loại, phát huy cao nhất nguồn lực trí tuệ của toàn dân tộc, trong đó xây dựng, phát triển nguồn nhân tài sẽ tiếp tục là yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải coi là trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Với chủ trương: “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”.
Thứ sáu, chính sách thu hút nhân tài là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài tác động tới việc xây dựng và phát triển nguồn lực nhân tài của nước ta
Hằng năm, có khoảng “300 - 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.
Qua mỗi chặng đường phát triển của đất nước, xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, nhất quán quan điểm: “Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Cũng chính từ quan điểm, đường lối đúng đắn đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tranh thủ được trí tuệ, nguồn lực của đội ngũ trí thức, nhân tài ở nước ngoài vào thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra trong công cuộc đổi mới, phát triển và xây dựng đất nước.
Thời gian qua, thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của đất nước đã minh chứng các chuyên gia, tri thức, nhà khoa học, nhân tài đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã đóng góp tích cực cả về trí lực, vật lực cho đất nước, giúp đất nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiến trình phát triển, cụ thể: “Bốn chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021, trực tiếp tham gia vào quá trình tham mưu, tư vấn chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, công nghệ xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cao năng suất, chất lượng”…
Chính sách thu hút nhân tài là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng triệt để trong giai đoạn đại dịch Covid 19 diễn ra trên toàn cầu. Các chuyên gia trí thức, nhà khoa học nước ngoài đã kết nối, vận động các cơ quan chính quyền sở tại hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin cho Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng kết nối để tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của nước ta, qua đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu cho các cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, đội ngũ y tế, chuyên gia trong nước cũng có cơ hội tiếp xúc trao đổi kinh nghiệm y tế, cứu chữa người bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng được học tập, tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài. Có thể nói, sự đóng góp của bộ phận kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài là chuyên gia, trí thức, nhà khoa học trong thời gian qua đã khẳng định tình yêu nước sâu sắc và tinh thần nhiệt huyết cháy bỏng luôn khát khao cống hiến trí tuệ, tài năng cho quê hương, đất nước. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thu hút đội ngũ tri thức, nhân tài đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài về cống hiến tài năng để xây dựng một nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh từng bước hướng tới hùng cường.
Thứ bảy, tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị, truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của dân tộc, quê hương và gia đình, trong đó có truyền thống quý trọng hiền tài
Các giá trị truyền thống của dân tộc về trọng dụng và tuyển chọn nhân tài đã có từ rất lâu gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chính nhờ làm tốt công tác phát hiện, tuyển lựa, đào người tài xây dựng, giữ gìn hoà bình cho quê hương đất nước mà dân tộc ta đã có rất nhiều vị tướng, quan văn có tài năng được lưu danh trên thế giới. Các yếu tố về lịch sử, văn hoá và dân tộc có thể tác động đáng kể đến việc lựa chọn nhân tài trong tương lai. Ở một mức độ nào đó, lịch sử quốc gia có thể ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng của người dân trong một quốc gia. Văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành giá trị đạo đức và các tiêu chuẩn chung về công việc và sự chuyên nghiệp. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến cách mà người ta lựa chọn nhân tài trong tương lai. Người ta có thể quan tâm đến việc tìm kiếm nhân tài có kiến thức và hiểu biết về lịch sử, văn hoá và dân tộc của một quốc gia. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng, đánh giá và phát triển nhân tài, đồng thời tạo điều kiện để các cá nhân có thể mang lại những đóng góp tích cực đối với quốc gia, dân tộc.
Có thể khẳng định, vai trò của cộng đồng xã hội (dân tộc, dòng họ, quê hương) và gia đình, cơ quan đối với việc giáo dục, phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, giới thiệu nguồn nhân tài. Tiếp tục giữ vị trí quan trọng là yếu tố nền tảng tạo ra nguồn lực dồi dào, mạnh mẽ về nhân tài, chính thông qua các kênh này mà nguồn nhân tài trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được phát hiện ngay từ cơ sở. Đảng ta chỉ rõ: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”; “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”. Như vậy, truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình tiếp tục là nhân tố trực tiếp tác động đến việc hiếu học, trọng dụng nhân tài trong mỗi quê hương, mỗi gia đình.
Thứ tám, tác động của giáo dục và đào tạo đối với việc phát hiện và trọng dụng nhân tài.
Yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách con người đó là sự tổng hòa của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, đây là điều kiện tiên quyết cho việc phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài. Giáo dục luôn là một nhân tố quan trọng, xuyên suốt chi phối đến sự hình thành nhân cách con người; chính nền giáo dục tốt sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho nhân cách con người phát triển. Trong thời gian tới, yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách con người đó là sự tổng hòa của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Đảng và Nhà nước ta chú trọng, quan tâm và coi là “quốc sách hàng đầu” và coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Cho đến nay, tỷ lệ đi học chung của cấp Tiểu học là 100%, cấp Trung học cơ sở 92,8% và Trung học phổ thông là 72,3% .
Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu, nơi nào có nền giáo dục phát triển, biết kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, thì tác động rất lớn tới sự phát triển nhân tài cho các quá trình kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ngược lại, sự phát triển của hệ thống giáo dục - đào tạo kế thừa một cách không chọn lọc, áp đặt, giáo điều, không có tính hệ thống thì ở đấy sẽ kìm hãm sự phát triển, nhân tài, làm cho quốc gia đó trở nên trì trệ, đồng thời công tác phát hiện và trọng dụng nhân tài sẽ không được coi trọng.
Trong thời gian tới, giáo dục tiếp tục là một nhân tố quan trọng, xuyên suốt chi phối đến việc hình thành nhân cách con người Việt Nam; chính nền giáo dục tốt sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho nhân tài phát triển. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và coi là “quốc sách hàng đầu” và coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển đất nước và mọi mặt trong tương lai.
Thứ chín, sự phát triển mạnh m của khoa học - công nghệ, truyền thông tác động sâu sắc, đa chiều đến việc phát hiện và thu hút nhân tài
Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã nhận thức rất rõ về sự tác động của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của tri thức nhân loại đóng góp vào tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Phải phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ”.
Hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tiếp tục chịu sự tác động của những bất đồng, phức tạp trên toàn cầu. Sự cạnh tranh này diễn ra hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh, quốc phòng… Ẩn sâu bên trong đó là các cuộc cạnh tranh chiến lược, như cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhân tạo, về công nghệ cao quốc gia sở hữu trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao sẽ nắm được vận mệnh của sự phát triển; các quốc gia tiếp tục chi phối và “cầm chịch” các thể chế phát triển và “luật chơi” trên thế giới. Các quốc gia nhỏ và đang phát triển thì đó là khả năng vươn lên, không bị tụt hậu, không bị lệ thuộc, thụ động trong quá trình phát triển.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức này. Định hướng chiến lược của Việt Nam là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ giúp đổi mới mô hình tăng trưởng sang phát triển kinh tế tập trung, theo chiều sâu, đáp ứng chuyển đổi kinh tế theo hướng hiện đại… Chính những định hướng, chính sách mới này đã tác động tới việc phát hiện và trọng dụng nhân tài. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối diện với một dải thách thức và cơ hội phức tạp trong việc phát hiện và trọng dụng nhân tài. Có những yếu tố khách quan như sự lan rộng của quá trình toàn cầu hóa và sự đột phá cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã làm thay đổi cách thức hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều này tạo ra sự tác động không nhỏ đến khả năng phát hiện và trọng dụng nhân tài. Những vấn đề về an ninh, cạnh tranh về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trở nên ngày càng gay gắt và ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam không phải là ngoại lệ và việc xây dựng một đội ngũ nhân lực có trình độ cao và năng lực tay nghề đáp ứng được yêu cầu mới của nền kinh tế và xã hội là một thách thức rất lớn.
Cùng với những vấn đề kinh tế, thì các yếu tố chính trị và xã hội cũng đang ảnh hưởng đến việc phát hiện và trọng dụng nhân tài. Sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước cũng như tác động của các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống đều đặt áp lực lên nền kinh tế Việt Nam và đòi hỏi một định hướng, chiến lược rõ ràng về nhân tố con người. Chính sách và pháp luật của Nhà nước cùng với đường lối và chủ trương của Đảng cũng đang được đặt ra trong tình hình mới. Việc đảm bảo phát hiện và trọng dụng nhân tài là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế mà còn đối với sự ổn định chính trị và xã hội.
Những giá trị truyền thống cũng như nền lịch sử lâu đời của dân tộc, quê hương, và gia đình vẫn đang được giữ gìn và coi trọng, là nơi bảo tồn và phát hiện nhân tài. Điều này thể hiện sự nhất quán và sâu sắc trong việc coi trọng yếu tố con người và nhân tài trong xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam hiện đang có cơ hội để xây dựng chiến lược và chính sách đúng hướng để tận dụng tối đa nguồn lực nhân tài và đối mặt với những thách thức cũng như cơ hội mà biến đổi toàn cầu mang lại. Tuy sẽ cần sự đoàn kết và quyết tâm, nhưng bằng cách tận dụng tốt những tài năng có sẵn và thu hút thêm nguồn nhân tài, Việt Nam, sẽ có thể đứng vững trong cuộc đua phát triển đất nước giàu mạnh hướng tới hùng cường. (Còn tiếp)