Người đàn ông bắt tre nứa “Biến hình”

Thời gian qua, anh Võ Tấn Tân được mời tham gia rất nhiều các chương trình du lịch, giới thiệu về các sản phẩm thuần Việt đến du khách và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, anh Tân còn nhận được rất nhiều lời mời từ chủ các nhà hàng, quán cà phê, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... đưa tre vào thiết kế nội thất, ngoại thất, sản phẩm trang trí và thi công công trình. Anh Tân tiết lộ hiện tại mỗi năm tại xưởng anh cho ra lò khoảng 50 sản phẩm mới và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.

Khi đã qua đôi tay khéo léo và những ý tưởng khác lạ của người đàn ông Phố Hội này, bỗng dưng những thân tre nứa, hay những lá dừa xù xì thô kệch bỗng trở nên biến ảo lạ thường. Tất cả đều mang một hồn Việt trong tre nứa được bạn bè 5 châu vô cùng kinh ngạc và thích thú.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-1-1646811058.jpg
Anh Võ Tấn Tân miệt mài với những sản phẩm từ tre nứa của mình.

Khi tre nứa trở mình
Nhiều người đến đây đã giật mình kinh ngạc, còn những du khách quốc tế thì trầm trồ thán phục trước “kỹ nghệ” độc đáo của chàng kỹ sư Võ Tấn Tân (sn 1978, trú thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam), bởi qua bàn tay tài hoa và những sáng tạo và sự miệt mài không nghừng nghỉ, những tre trúc tưởng chừng gai góc xù xì bỗng trở nên yếu mềm, mỏng manh và thành vật dụng hữu ích.
Khởi nguồn từ những sáng tạo độc đáo với xe đạp tre, rồi xe điện tre được rất nhiều người yêu thích, anh Tân đã biến những tre nữa, thân trúc hay lá dừa vốn rất nhiều ở xứ này thành sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng hiện đại nhưng gắn chặt với thiên nhiên. Trong xưởng của mình những ngày cuối năm, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng những đơn hàng vẫn dồn dập, những dòng người vào tham quan và tự học nghề vẫn nườm nượp. Anh Tân miệt mài bên một chú cá koi chuẩn bị giao cho khách, vừa miệt mài vừa tâm sự. Thực ra, anh đến với nghề cũng bởi một sự tình cờ, anh tốt nghiệp đại học ngành Điện tử viễn thông sau đó có gần 10 năm gắn bó với nghề kỹ sư điện tử. Rồi run rủi thế nào, người cha anh với nghề làm nhà bằng tre ngót hơn nửa cuộc đời đã cuốn anh theo niềm đam mê với tre nứa ấy.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-10-1646811094.jpg
Anh Võ Tấn Tân miệt mài với những sản phẩm từ tre nứa của mình.

Cách đây 20 năm, xã Cẩm Thanh (TP Hội An) này nhà cửa phần lớn đều làm từ tre và lợp lá dừa, rất gần gũi với thiên nhiên. Tre quanh nhà, tre trong làng, lá dừa nước thì đầy những vùng xung quanh. Anh thấy cha mình làm nghề, và anh cũng miệt mài tìm tòi bằng tất cả đam mê và niềm yêu thích với tre nứa xứ xở. Anh cùng cha làm ra những chiếc xe đạp tre, những chiếc xe điện tre...bán rất được cho những công ty du lịch, những hãng lữ hành, những điểm tham quan vui chơi giải trí vì sự độc đáo và tính sáng tạo trong sản phẩm. Người ta biết đến cha con anh bằng sản phẩm xe đạp tre từ cách đây hơn 10 năm. Nhưng điều làm nên tất cả với anh không chỉ dừng lại ở xe đạp tre như thế. Anh mày mò, sáng tạo, thử nhiệm làm những sản phẩm mỹ nghệ, sản phẩm tiêu dùng bình thường như bát đũa, vật phẩm trang trí trong nhà hay ngoài trời, ngay cả những chiếc điện thoại bàn, cầu thang, con chuồn chuồn, bàn, ghế, giường, xe đạp, cốc uống nước, ống hút...

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-6-1646811133.jpg
Ngôi nhà của anh Tân được làm từ tre nứa thân thiện với môi trường.

Trong xưởng của anh, la liệt những sản phẩm từ to tới nhỏ, từ những vật dụng trang trí tới những vật dụng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày được làm ra. Ngay cả ngôi nhà 2 tầng anh ở, cũng là xưởng sản xuất, và cũng là một điểm tham quan không thể thiếu trong các tuyến điểm du lịch tại Hội An này. Và tất cả, đều làm bằng tre nứa, lá dừa...là những nguyên liệu có sẵn tại vùng này. Vào đây, mọi người thực sự choáng ngợp bởi “thế giới tre trúc” vô cùng độc đáo, khác biệt, lạ lẫm mang đậm hồn cốt người Việt. Từ những bộ bàn ghế bằng tre, những khung nhà vách tường, mái lá, những vật dụng của đời sống sinh hoạt hằng ngày từ tre nứa khiến nhiều người như tìm về được nguồn cội, tìm về được với những gì thân thương nhất của làng quê Việt với lũy tre làng, con trâu, cái cày, đồng ruộng.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-7-1646811176.jpg
Ngôi nhà của anh Tân được làm từ tre nứa thân thiện với môi trường.

Anh Tân bộc bạch, để có được những sáng tạo độc đáo và “không đụng hàng” này, anh đã phải thử nghiệm rất nhiều, thất bại cũng không ít. Anh thẳng thắn bộc bạch: “Trong nhà có vật dụng gì là tôi đều nghiên cứu chế lại bằng tre cho kỳ được. Từ bộ ấm chén, bát đĩa đến cái giường hay bàn ghế tôi làm được hết. Ý tưởng là vậy nhưng tôi cũng nhiều phen “trầy vi tróc vảy” mới chế được các vật dụng chỉn chu như hôm nay. Những sản phẩm đầu tiên không những có hình dáng thô kệch mà còn rất... yếu đuối, dùng làm cảnh là chủ yếu chứ không mong sử dụng được vì hễ gặp chấn động mạnh là các chi tiết lại rơi ra. Nghề làm thủ công mỹ nghệ cần nhất là ý tưởng, phải có nét riêng, phải tạo ra càng nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo thì mới tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Nếu làm nghề này mà không có đam mê, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận là... thua ngay từ đầu”. Anh Tân cho biết, để cho ra một sản phẩm tốt thì tre phải được ngâm dưới bùn khoảng 6 tháng. Sau đó, luộc trong 5 ngày, rồi phơi thật khô mới đem ra chế tác. Anh Tân giải thích rằng phải làm các công đoạn kỹ càng và cẩn thận như vậy thì sản phẩm làm từ tre mới không bị hôi, mốc và mọt, đạt chất lượng tốt.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-4-1646811201.jpg
Nhiều sản phẩm từ tre nứa của anh Tân và những thợ thủ công tại làng khiến nhiều người thích thú.

Với tình yêu dành cho tre nứa, anh Tân đã mày mò nghiên cứu, dần khắc phục được các nhược điểm của sản phẩm từ loại cây này, nhất là sự đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã. Anh đã sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại, đủ sức cạnh tranh với những mặt hàng thủ công khác. Đến nay, phần lớn các vật dụng trong gia đình anh đều làm từ tre, không chỉ gây ấn tượng độc đáo mà còn mang đến một không gian sống mát mẻ và sinh hoạt tiện dụng.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-5-1646811238.jpg
Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm từ tre nứa.

Sức sống mới cho tre Việt
Nhiều năm với tre nứa, với những thăng trầm của sản phẩm, với cả những vui buồn của nghề, anh đã hiểu rằng để tồn tại và phát triển kinh tế gắn liền với văn hóa và bản sắc dân tộc trong từng sản phẩm, thì không thể làm đại khái, qua loa. Mà phải thổi vào đó cái tâm, cái hồn cốt của làng mình, của dân tộc mình. Anh bảo mong muốn lớn nhất của anh bây giờ không phải là làm kinh tế, mà thực sự muốn quảng bá cho sản phẩm từ tre của Việt Nam ra với bạn bè thế giới. “Đa số các nước phương Tây họ không có tre hoặc rất ít tre và người ta cũng chưa hiểu lắm từ tre. Trong khi đó tre là một loài cây gắn bó mật thiết với đời sống người dân Việt hàng ngàn năm qua. Muốn đưa đến với bạn bè quốc tế cần phải có chất lượng và sự độc đáo. Và các sản phẩm từ tre Việt Nam không chỉ ở đây, mà tất cả các làng nghề trên cả nước cũng cần giữ được bản sắc, nhưng phải tiện dụng và độc đáo”, anh Tân chia sẻ.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-2-1646811263.jpg
Nhiều người nước ngoài tìm đến đây để tự làm các sản phẩm cho mình.

Qua bàn tay anh và những ý tưởng của anh, những thân tre gai góc đã lột xác thành một tác phẩm nghệ thuật và đầy tính thực tế nhưng lại rất hữu dụng. Anh Tân bộc bạch rằng thay vì những vật dụng bằng nhựa hoặc kim loại thì mọi người sẽ nghĩ đến tre chẳng hạn. Lúc đó, các sản phẩm từ tre sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường. Và từ những tâm tư đó, anh đã hình thành nên một “làng nghề” ngay trong khuôn viên nho nhỏ của gia đình mình, nơi mà những người thợ thủ công của xã Cẩm Thanh ngày ngày có mặt để thỏa sức sáng tạo và thực hiện những ý tưởng với tre nứa, lá dừa. Hằng ngày, các thợ thủ công lành nghề tại đây đã tạo ra hơn 200 thiết kế truyền thống độc đáo, từ đồ nội thất, đồ chơi, đến đồ gia dụng và đồ trang trí theo mô hình phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-3-1646811299.jpg
Nhiều người nước ngoài tìm đến đây để tự làm các sản phẩm cho mình.

Trong xưởng của anh Tân, có rất nhiều người thợ thủ công lành nghề như ông Phạm Biên (65 tuổi), anh Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi), anh Nguyễn Xuân Trinh (37 tuổi), trong đó có nhiều người vì mưu sinh có thời điểm không theo nghề. Nhưng từ khi du lịch cộng đồng, du lịch xanh thân thiện với môi trường và những sản phẩm độc đáo của Cẩm Thanh được nhiều du khách quốc tế biết đến và đặt hàng, mọi người đã trở lại với nghề và cũng hồi sinh kỹ năng nghề của mình. Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Nghề giúp dân làng bảo tồn văn hóa, nếp sống và có thu nhập ổn định. Các sản phẩm làm thủ công ở đây hầu hết được sản xuất theo đơn đặt hàng, có giá cao gấp 5 lần so với các sản phẩm tương đương được sản xuất hàng loạt.“Giá cao hơn của các sản phẩm làm bằng tay là do sự đổi mới và kỹ năng của những người thợ thủ công!”

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-8-1646811331.jpg
Nhiều sản phẩm từ tre nứa của anh Tân và những thợ thủ công tại làng khiến nhiều người thích thú.

Anh Tân chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra sản phẩm bằng tay thay vì dựa vào sản xuất hàng loạt thông qua máy móc. Các thợ thủ công của chúng tôi thiết kế các mẫu mới mỗi ngày. Xưởng của chúng tôi không làm nhái các mặt hàng giống nhau, thay vào đó tạo ra các sản phẩm độc đáo mô tả làng quê và Hội An như những điểm đến khó quên. Các thiết kế và sáng tạo tiên tiến của chúng tôi đều được làm bằng tay, chúng tôi chỉ sử dụng các công cụ cơ khí để làm mịn thành phẩm. Các sản phẩm được thiết kế với mục tiêu tái chế và tiêu dùng thân thiện với môi trường, và Hội An đã và đang quảng bá đây là địa điểm không có rác thải đầu tiên trên cả nước, điều này được rất nhiều du khách quốc tế đến đây đánh giá cao. Đó là điều tốt mà tôi luôn khuyến khích, truyền cảm hứng để các bạn làm ra càng nhiều sản phẩm nhằm cung cấp cho nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó cũng là cách mình giới thiệu với du khách về công dụng của tre - trúc bao đời gắn bó mật thiết trong đời sống, văn hóa người Việt”.

nguoi-dan-ong-bat-tre-nua-bien-hinh-9-1646811377.jpg
Nhiều sản phẩm từ tre nứa của anh Tân và những thợ thủ công tại làng khiến nhiều người thích thú.

Trong xưởng của anh, có rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan, thử làm sản phẩm hằng ngày. Trầm trồ trước những sản phẩm độc đáo từ tre nứa này, chị Maya, du khách đến từ Israel cảm thấy vô cùng thú vị cho biết: “Đó là một loại hình nghệ thuật được làm bằng tay và từ trái tim. Mỗi sản phẩm làm bằng tay, theo định nghĩa, là duy nhất và vô cùng độc đáo!”. chị Maya khi có thể tự tay làm chiếc cốc uống nước bằng tre. Ở đất nước của chị không có tre nên những sản phẩm làm bằng tre như thế này thật kỳ lạ và đẹp mắt. Hay đôi vợ chồng trẻ người Mỹ Garrett Spahr và Jennie Spahr. Họ mới cưới nhau và tổ chức chuyến du lịch tại Hội An. Qua thông tin trên mạng, cặp đôi tìm đến với Võ Tấn Tân để vừa tham quan, vừa học cách tạo ra những sản phẩm từ tre - trúc.
Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao TP Hội An cho hay cây tre vốn là hình ảnh quen thuộc đã ăn sâu bén rễ trong đời sống người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Người Việt xưa sống trong căn nhà tre, dùng vật dụng và công cụ lao động từ tre, vì thế cây tre trở thành một biểu tượng đặc biệt. Không chỉ có vậy, những sản phẩm từ tre cực kỳ thân thiện với môi trường, rất phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch xanh của phố cổ Hội An hiện nay. Ông Hưng nhận định đây là một sản phẩm du lịch rất có triển vọng, giúp đa dạng hóa du lịch Hội An.
Yêu tre, nặng tình với nghề truyền thống của ông cha, những người con phố Hội như anh Võ Tấn Tân hay những người thợ thủ công ở xã Cẩm Thanh này đang ngày ngày miệt mài mang lại sức sống cho cây tre, cây dừa nước, song hành với đời sống hiện đại tạo nên một không gian sống xanh ở một Hội An thanh bình, mến khách, và những sản phẩm thuần Việt nơi đây đã theo bạn bè quốc tế đi khắp 5 châu, góp phần quảng bá lối sống, con người, tình cảm của nước Việt đậm đà mà chân chất.

Tiêu Dao