2.3.3. Đặt tác giả, tác phẩm trong bối cảnh thời đại và trong bối cảnh tương lai
Là một con người của lịch sử, Nguyễn Trãi phản ánh những vấn đề của thời đại mình đồng thời lí giải vấn đề ở đỉnh cao của thời đại. Là một thiên tài, Nguyễn Trãi vượt thời gian với những vấn đề đặt ra ở tương lai.
Nguyễn Trãi trong bối cảnh thời đại tác giả
Đặt tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong thời đại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhà nghiên cứu sẽ lí giải được tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược, hay nói như ông Phạm Văn Đồng: “Triết lí nhân nghĩa của nguyễn trãi chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến dân”. Câu văn mở đầu Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” nêu lên nguyên lí nhân nghĩa, tuyên ngôn về nhân nghĩa, nhưng đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thì nhân nghĩa lại gắn liền với yêu nước chống xâm lược. Bởi lẽ, người dân mà Nguyễn Trãi nói tới là người dân mất nước. Do đó muốn “yên dân”, muốn người dân an hưởng thái bình thì trước hết phải lấy lại đất nước cho họ. Lấy lại đất nước cho người dân mất nước là lòng yêu nước, thương dân. Kẻ tàn bạo mà tác giả nói tới là giặc Minh xâm lược. Vì vậy “trừ bạo” là trừ diệt kẻ xâm lăng. Chống lại kẻ đi xâm lược là hành động yêu nước. Phạm trù nhân nghĩa của Nho giáo, từ thời Khổng - Mạnh chủ yếu là nói về mối quan hệ giữa người với người, ít nói về mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc, dù đã có nói về mối quan hệ giữa bang (nước) lớn với bang (nước) nhỏ. Phạm trù nhân nghĩa, với Nguyễn Trãi không chỉ được nhìn nhận trong mối quan hệ giữa người với người mà còn được nhìn nhận từ mối quan hệ dân tộc với dân tộc. Ở thư trả lời Phương Chính, Nguyễn Trãi viết: “Nước người nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kì thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta (...) Nhân nghĩa mà như thế ư?” (Quân trung từ mệnh tập, bức thư số 8). Như vậy có thể thấy, quan niệm của Nguyễn Trãi: một dân tộc đi xâm lược dân tộc khác là phi nghĩa, là không nhân nghĩa; ngược lại một dân tộc chống xâm lược bảo vệ đất nước là chính nghĩa, là nhân nghĩa. Nhân nghĩa gắn với gắn với yêu nước chống xâm lược là xuất phát từ yêu cầu thời đại lúc bấy giờ, là xuất phát từ yêu cầu của lịch sử dân tộc.
Nguyễn Trãi trong bối cảnh tương lai
Nguyễn Trãi là con người của lịch sử nhưng đang đồng hành cùng con người thời đại ngày nay, bởi tác phẩm của ông đặt ra nhiều vấn đề cơ bản, thiết yếu trong đời sống hiện đại. Nguyễn Trãi là “người xưa của ta nay” trên khá nhiều phương diện. Ở đây chỉ đề cập tới vấn đề tư tưởng thân dân và vấn đề môi trường từ góc nhìn phê bình sinh thái.
Tư tưởng thân dân là một tư tưởng lớn, rất tiến bộ trong sáng tác của Nguyễn Trãi. Tư tưởng thân dân bao hàm đầy đủ cả thương dân, trọng dân và ơn dân. Tấm lòng thương dân, tinh thần trọng dân của Nguyễn Trãi, nhiều bài nghiên cứu đã đề cập đến. Điều cần nhấn mạnh thêm là: thương dân ở Nguyễn Trãi là hướng nhiều tới những “dân đen, con đỏ”- những người vô tội, những con người nhỏ bé, những số phận đau khổ: Thương sinh tại niệm độc tiên ưu (Vì dân đen thường tâm niệm, một mình ta lo trước - Mạn hứng, Bài 2); Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ... Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng (Bình Ngô đại cáo). Trọng dân ở Nguyễn Trãi là hướng tới những người dân mạnh (dân cày li tán), người dân lệ (người tôi tớ, đi ở): Yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ tập (Bình Ngô đại cáo). Chính những người dân manh, dân lệ tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi huy hoàng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong một bản tuyên ngôn trọng đại như Bình Ngô đại cáo, những người dân manh, lệ được nói đến một cách công khai, trịnh trọng như vậy “cũng là chưa thấy xưa nay”.
Điều thật sự mới, thật sự tiến bộ ở Nguyễn Trãi là tư tưởng ơn dân. Nguyễn Trãi đã từng ơn vua, ơn xã tắc như nhiều danh nhân thân dân thời trung đại: Bát cơm xoàng nhờ ơn xã tắc (Ngôn chí - Bài 14). Nhưng chưa ai ơn dân mà ơn đến kẻ cấy cày như Nguyễn Trãi: Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày (Bảo kinh cảnh giới – Bài 19). Nguyễn Trãi đã nhìn vượt qua khâu trung gian để thấy được người đích thực cho mình lộc là kẻ cấy cày lam lũ. Nguyễn Trãi - một ông quan dưới thời quân chủ mà biết ơn đến những người dân chân lấm tay bùn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì “cũng là chưa thấy xưa nay”.
Tư tưởng thân dân kết hợp với ý thức về cộng đồng dân tộc, ngay từ thế kỉ XV những câu thơ của Nguyễn Trãi đã khơi gợi tinh thần đoàn kết dân tộc hết sức sâu sắc: Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền / Cành bắc, cành nam một cội nên (Bảo kính cảnh giới - Bài 15). Những người sinh từ bọc trăm trứng Âu Cơ gắn kết với nhau trong hai chữ “đồng bào” rất thiêng liêng mà gần gũi. Đó là sự gắn kết bền chặt như xương với thịt, như cây có cành phía bắc, có cành phía nam nhưng tất cả đều sinh ra, lớn lên từ một gốc. Câu thơ của Nguyễn Trãi làm ta nhớ tới lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta” (Thư gửi đồng bào Nam Bộ, 6 - 1946). Một tinh thần đại đoàn kết dân tộc như vậy vừa phát huy truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, vừa thấm đượm chủ nghĩa nhân văn.
Từ góc nhìn phê bình sinh thái, tác phẩm của nguyễn Trãi, về ý nghĩa khách quan, như đang đồng hành với chúng ta trong vấn đề môi trường.
Nguyễn Trãi lên án giặc Minh tham lam tàn bạo vơ vét của cải, tài nguyên nước ta: “Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc”, “Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng”, “bắt dò chim trả chốn chốn lưới chăng”, “bắt bẫy hươu đen nơi nơi cạm đặt”. Nhưng về mặt ý nghĩa khách quan những câu văn trong Bình Ngô đại cáo có thể dùng để lên án, tố cáo những kẻ lâm tặc, hải tặc thời hiện đại đang tàn phá rừng, tàn phá biển? Xuất phát từ đức hiếu sinh, Nguyễn Trãi lên án, tố cáo những kẻ “tàn hại cả côn trùng cây cỏ”, gây ra cảnh “sạch không đầm núi”. Nhưng về mặt ý nghĩa khách quan, những câu văn ấy có thể dùng để lên án, tố cáo những kẻ hủy hoại môi trường sống trong thời hiện đại?
Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên, coi thiên nhiên là láng giêng, bầu bạn: Núi láng giềng, chim bầu bạn / Mây khách khứa, nguyệt anh tam” (Thuật hứng – Bài 19), Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn (Ngôn chi - Bài 2). Yêu thiên nhiên, nâng niu vẻ đẹp thiên nhiên đến mức nhà thơ không nỡ đưa nhát chổi vì sợ làm tan vỡ bóng hoa in xuống hiên nhà: Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan (Bảo kính cảnh giới - Bài 33). Chúng ta không hiện đại hóa Nguyễn Trãi, nhưng câu thơ viết về tấm lòng của thi nhân đối với thiên nhiên: Rừng tiếc (mong) chim về ngại phát cây (Mạn thuật - Bài 6) lẽ nào lại không gợi lên vấn đề bảo vệ môi trường ?
Nghiên cứu danh nhân thời trung đại nói chung, nghiên cứu Nguyễn Trãi nói riêng cần thấy được “người xưa của ta nay” từ trong di sản. Danh nhân Nguyễn Trãi đồng hành cùng chúng ta hôm nay, cũng vì thế mà Nguyễn Trãi đang đồng hành cùng nhân loại.
Hà Nội, tháng 1 năm 2023