Nghiên cứu danh nhân thời trung đại qua nghiên cứu trường hợp danh nhân Nguyễn Trãi

Đinh Thảo
Nghiên cứu danh nhân thời trung đại, trước hết cần thấy được những đặc điểm nổi bật của loại hình danh nhân này để từ đó có quan điểm và phương pháp nghiên cứu thích hợp. Bên cạnh những đặc điểm chung của danh nhân - người nổi tiếng, có công trạng với xã hội, được xã hội ghi nhận - danh nhân thời trung đại có những đặc điểm riêng.
nguyen-trai-1681441812.jpg
Tượng đài thi hào Nguyễn Trãi (Ảnh: CAND)

1. Những đặc điểm nổi bật của danh nhân thời trung đại

Thứ nhất, danh nhân thời trung đại có tài năng về nhiều mặt

Dẫn đến đặc điểm này có nhiều nguyên nhân như thời trung đại việc phân chia các ngành khoa học chưa chuyên sâu đến mức chuyên ngành (rộng hoặc hẹp) như thời hiện đại. Do vậy, một người am tường lĩnh vực này thì đồng thời cũng am hiểu nhiều lĩnh vực khác. Lại nữa, người tài theo quan niệm xưa phải là người uyên bác “trên thông thiên văn, dưới tường địa lí”, “văn võ song toàn”. Người tài, khi được trọng dụng, có thể cùng một lúc đảm nhận nhiều công việc khác nhau.

Nhìn vào lịch sử trung đại Việt Nam, chúng ta thấy nhiều danh nhân - có người ở tầm vĩ nhân đều là những người có tài năng về nhiều mặt. Xin nêu một số danh nhân tiêu biểu. Trần Nhân Tông với tài năng xuất chúng “ba trong một”: vị hoàng đế, thiền sư, nhà thơ, ở phương diện nào cũng tột cùng, đỉnh điểm. Trần Hưng Đạo là danh tướng văn võ song toàn, “học vấn tỏ ra ở bài hịch” (Ngô Sĩ Liên). Lê Thánh Tông là vị hoàng đế - thi nhân. Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự hội tụ nhiều “nhà” trong một: nhà chính trị, nhà hiền triết, nhà giáo, nhà thơ. Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa được thế giới vinh danh. Lê Hữu Trác vừa là thầy thuốc, vừa là nhà văn. Ngô Thì Nhậm là nhà ngoại giao, nhà triết học uyên áo về Phật học, nhà thơ, nhà văn chính luận nổi tiếng. Nguyễn Đình Chiểu là thầy thuốc, thầy giáo đồng thời là nhà thơ lớn, v.v...

Thứ hai, danh nhân thời trung đại có nhiều đóng góp đối với dân tộc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Là người có tài năng về nhiều mặt nên danh nhân thời trung đại có những đóng góp to lớn đối với dân tộc trên nhiều phương diện.

Trần Nhân Tông với cương vị hoàng đế đã hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng đội quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh nhất lúc bây giờ, bảo vệ và mở mang bờ cõi, xây dựng quốc gia Đại Việt cường thịnh. Ở cương vị thiền sư, ông là đệ nhất tổ, sáng lập thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc Phật giáo Việt Nam. Trong lĩnh vực văn chương, Trần Nhân Tông thuộc số những tác gia văn học lớn nhất thời Trần, là một trong những người đầu tiên sử dụng chữ Nôm trong sáng của Trần Nhân Tông có hai trường đoạn lớn, trường đoạn thứ nhất là trường đoạn tác, góp công lao to lớn khơi mở dòng văn học tiếng Việt. Cuộc đời và sự nghiệp làm vua, ở trường đoạn này, Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, một đồng minh quân, một anh hùng dân tộc lãnh đạo nhân dân Đại Việt hai lần đánh thắng quân xâm lượng Mông Nguyên; trường đoạn thứ hai ông là một nhà tu hành đặc đạo. Hành trình tu hành, đắc đạo, thuyết pháp, độ tăng, xây dựng tông phái, an nhiên hoá Phật của vua Trần Nhân Tông mô phỏng hành trình tu hành thành Phật của đức Thích Ca Mâu ni, trong hành trình đó, Yên Tử là nơi Điều Ngự tu hành, thuyết pháp, độ tăng; Ngọa Vân là điểm kết thúc trọn vẹn hành trình tu hành, thành Phật, ẩn chứa phía sau hành trình tu hành thành Phật của vua Trần Nhân Tông chính là quá trình Việt hoá Phật giáo, thông qua đó thể hiện tư tưởng, tạo dựng nên những nét riêng biệt của Phật giáo Đại Việt. Ở ông hội tụ giá trị nhân bản với những giá trị: Nhân, Trí, Dũng và Từ Bi.

Trần Quốc Tuấn là nhà quân sự đại tài, đóng góp vào kho tàng quân sự nước nhà cuốn Binh thư yếu lược nổi tiếng. Với bài Dụ chư tì tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ) giới thiệu và khích lệ tướng sĩ học tập Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn đã để lại kho tàng văn học dân tộc áng văn chính luận kiệt xuất. Lê Thánh Tông là vị hoàng đế anh minh đã đưa chế độ phong kiến Việt Nam phát triển tới đỉnh cao cực thịnh và thời đại Hồng Đức là thời đại hoàng kim nhất trong lịch sử nước ta thời trung đại. Ở cương vị Tao Đàn nguyên súy, Lê Thánh Tông được xem là người đầu tiên sáng lập, tổ chức hình thức hội thơ Việt Nam, là người sáng tác cả thơ và văn, cả chữ Hán và chữ Nôm với những thành tựu rực rỡ. Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa một lần làm quan tướng nắm binh quyền nhưng ảnh hưởng chính trị của ông không những hết sức lớn đối với triều đình nhà Mạc mà còn tác động tới vương triều Lê - Trịnh, tác động tới nhà Nguyễn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, tạo nên những biến chuyển lớn của lịch sử Việt Nam. Đóng góp nổi bật của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lĩnh vực văn học là thơ triết lí và thơ thể sự, với hàng nghìn bài thơ chữ Hán, hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, với kiệt tác Truyện Kiều, đóng góp của tác giả không chỉ trong lĩnh vực văn chương khi tạo bước phát triển lớn về thể loại và ngôn ngữ văn học mà còn kết tinh, lan tỏa nền văn hóa dân tộc với triết lí nhân sinh về con người, về cuộc đời, với văn hóa ứng xử giàu giá trị nhân văn. Sự kết hợp thầy giáo - thầy thuốc, nhà yêu nước - nhà văn làm nên giá trị nhiều mặt của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: y thuật, y đức chữa bệnh cho người, đạo học, đạo lí cứu nước, cứu dân. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là đỉnh cao nhất của văn chương tuyên truyền đạo lí và văn chương yêu nước nửa cuối thế kỉ XIX. Còn có thể kể ra tên tuổi những danh nhân khác của thời trung đại có đóng góp nhiều mặt đối với dân tộc như Trần Quang Khải, Chu An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ...

Thứ ba, nhiều danh nhân thời trung đại là “người xưa của ta nay”.

Dùng cách nói “người xưa của ta nay” để khẳng định danh nhân thời trung đại là những con người của quá khứ lịch sử nhưng đang đồng hành với thời đại ngày nay. Với tư cách là một con người của lịch sử, các danh nhân và ngay cả bậc vĩ nhân cũng giới hạn bởi thời đại lịch sử. Nhưng với tư cách là danh nhân, là bậc vĩ nhân thì tư tưởng, tầm nhìn của họ nhiều khi vượt thời gian, vượt thời đại để đến cùng mai hậu. Họ đồng hành với thời đại ngày nay bằng những vấn đề đặt ra trong di sản của họ - những vấn có ý nghĩa đối với đương đại. Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn vẫn mang giá trị là những bài học dùng binh trong lĩnh lực quân sự ở thời hiện đại. Làm tan đi lớp sương mờ huyền thoại của sấm kí Trạng Trình, ta vẫn thấy những suy lí rút ra từ Kinh dịch để nắm bắt quy luật, dự đoán về tương lai là có cơ sở khoa học trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôn ngữ Truyện Kiều vẫn được sử dụng trong giáo tiếp của con người thời hiện đại, làm nên nét đẹp văn hóa, nét đẹp thẩm mĩ trong lời ăn tiếng nói của người Việt Nam, v.v...

Với những đặc điểm nổi bật của danh nhân thời trung đại như phân tích ở trên, nhà khoa học cần có quan điểm và phương pháp khoa học phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Những điều này sẽ được tiếp tục làm sáng tỏ qua nghiên cứu trường hợp danh nhân Nguyễn Trãi.

(Còn tiếp)

GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)