Nghiên cứu danh nhân thời trung đại qua nghiên cứu trường hợp danh nhân Nguyễn Trãi (Phần 2)

Nghiên cứu danh nhân thời trung đại, trước hết cần thấy được những đặc điểm nổi bật của loại hình danh nhân này để từ đó có quan điểm và phương pháp nghiên cứu thích hợp. Bên cạnh những đặc điểm chung của danh nhân - người nổi tiếng, có công trạng với xã hội, được xã hội ghi nhận - danh nhân thời trung đại có những đặc điểm riêng.
nguyen-trai-01-16596930519681632574477-1681789148.jpg
Danh nhân Nguyễn Trãi (Ảnh: Dân Việt)

2. Nghiên cứu trường hợp danh nhân Nguyễn Trãi

Vận dụng nghiên cứu trường hợp (Case study) để nghiên cứu sâu một hiện tượng có tính chất tiêu biểu, điển hình cho nhiều trường hợp khác, để qua “điểm” thấy “diện” và ngược lại “diện” được khái quát từ “điểm” là cách làm khoa học.

Chọn nghiên cứu trường hợp Nguyễn Trãi là chọn hiện tượng tiêu biểu, điển hình cho danh nhân thời trung đại.

Nguyễn Trãi mang đặc điểm của danh nhân thời trung đại khi ông là người có tài năng về nhiều mặt. Điều cần nhấn mạnh ở Nguyễn Trãi là nhiều tài năng kiệt xuất hội tụ trong một thiên tài.

2.1. Nguyễn Trãi là thiên tài hội tụ nhiều tài năng

Từ phương diện lịch sử xã hội, Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất. Bình Ngô đại cáo là bản tuyên ngôn về nhân nghĩa, về độc lập dân tộc đồng thời là tiếng nói khẳng định sự hợp pháp của chính thể vương triều Lê sau khi đại thắng quân Minh xâm lược. Trong phần cuối bài Đại cáo, Nguyên Trãi thể hiện tư tưởng duy tân đất nước: Sự thay đổi nhưng thực chất là sự phục hưng (bĩ rồi lại thái, hối rồi lại minh) là nguyên nhân, là điều kiện để thiết lập sự vững bền.Ngược lại, sự vững bên trên cơ sở đổi mới là sự vững bên trong phát triển. Quân trung từ mệnh tập thể hiện cả tầm nhìn chiến lược và sự vận dụng chiến thuật trong đấu tranh quân sự và ngoại giao của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mà người thực hiện, viết lên thành văn bản là Nguyễn Trãi. Ở Quân trung từ mệnh tập, mỗi bức thư là một khâu, một mắt xích trong cuộc luận chiến kéo dài giữa ta và giặc; cái trước chuẩn bị cho cái sau, cái sau thể hiện và phát huy cái trước, phối hợp giữa “đánh” và “đàm” để cuối cùng đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Ở bình diện tư tưởng, triết học, Nguyễn Trãi là người am hiểu sâu sắc cả Nho giáo, Phật giáo và Lão - Trang. Trên tất cả, ở Nguyễn Trãi có sự kết hợp giữa tư tưởng “nhân giả vô địch” tích cực của Nho giáo với truyền thống yếu nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.

Ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, là nhà thơ trữ tình sâu sắc, sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm, cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật. Ông giỏi về âm nhạc (từng được vua Lê Thái Tông giao cho việc sửa định nhã nhạc của triều đình), giỏi về địa lí (từng soạn Dư địa chí trình bày về vị trí địa lý, hình thế sông núi, lịch sử, thổ nhưỡng, đặc sản, một số nghề thủ công truyền thống và tập quán của cư dân các đơn vị hành chính), giỏi về lịch sử (từng soạn Lam Sơn thực lục ghi lại một cách súc tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Nguyễn Trãi còn là nhà giáo dục mà nền tảng triết lí và nội dung giáo dục của ông là sự kết hợp giữa đạo lí Nho gia với đạo lí dân tộc.

Cũng cần nói thêm, Nguyễn Trãi là danh nhân tiêu biểu cho những tài năng trong quá khứ ở phương diện anh hùng và bi kịch: anh hùng và bi kịch đều ở mức tột cùng. Đặc điểm này như lưu ý nhà khoa học một điều: nghiên cứu về Nguyễn Trãi là phải tới chiều sâu tận cùng của vấn đề, tránh sự phiến diện, nửa vời.

2.2. Nguyễn Trãi có vị trí và đóng góp to lớn với dân tộc, mang tầm vóc quốc tế của một vĩ nhân

Một thiên tài hội tụ nhiều tài năng kiệt xuất như vậy, tất nhiên đóng góp của Nguyễn Trãi là rất lớn đối với dân tộc và mang tầm vó quốc tế.

Đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc, Nguyễn Trãi có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Minh. Tư tưởng chiến tranh nhân dân “lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức” và đường lối chiến lược “tâm công” đánh bằng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã góp phần đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tới thắng lợi huy hoàng - thắng lợi trọn vẹn nhất và ít đổ xương máu nhất cho sinh linh hai nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thủ tiêu hoàn toàn ách đô hộ của giặc Minh, mở đường đi lên cho lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai trong lịch sử dân tộc. Ở bản tuyên ngôn này, ý thức về dân tộc đạt tới đỉnh cao nhất trong thời trung đại Việt Nam. Một ý thức về dân tộc vừa toàn diện và sâu sắc. Toàn diện bởi lẽ nếu ý thức về dân tộc trong Nam quốc sơ hà được xác định chủ yếu trên hai là lãnh thổ (Định phận tại thiên thư) và chủ quyền (Nam đế cư) thì đến Bình Ngô đại cáo, dân tộc được xác định trên năm yếu tố. Hai yếu tố tiếp tục được khẳng định là lãnh thổ (Núi sông bờ cõi đã chia) và chủ quyền (các đế nhất phương), đồng thời ba yếu tố nữa được bổ sung: văn hiến (Vốn xưng nền văn hiến đã lâu), phong tục (Phong tục Bắc Nam cũng khác), lịch sử (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập). Ý thức về dân tộc sâu sắc bởi vì Nguyễn Trãi đã thấy được “văn hiến” là yếu tố cơ bản, là hạt nhân để xác định dân tộc và khẳng định vị thế của dân tộc. Sự khẳng định, đề cao nền văn hiến dân tộc không chỉ thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mà còn được nhấn mạnh trong Quân trung từ mệnh tập: “Nước Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Linh mà có tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài thức đời nào cũng có” (Thư dụ thành Bắc Giang) (1) Ý thức về dân tộc trong Bình Ngô đại cáo với năm yếu tố tạo thành hệ thống, có thể xem đó là học thuyết về dân tộc. Với chúng ta ngày nay học thuyết ấy rất gần gũi và còn giá trị thời sự, đồng thời mang tầm vóc quốc tế.

Đối với sự phát triển của văn học dân tộc, Nguyễn Trãi là người đầu tiên có một quan điểm văn học mang tính hệ thống, nhất quán, khá hoàn chỉnh và tiên bộ. Trong hệ thống quan điểm văn học của Nguyễn Trãi có quan điểm về chức năng văn học, bản chất xã hội và bản chất thẩm mĩ của văn học, mối quan hệ giữa văn chương với đời sống, quan niệm về người sáng tác... Nội dung quan điểm văn học của Nguyễn Trãi có yếu tố Nho giáo, có yếu tố dân tộc và thời đại, về cơ bản mang tính cách tân. Quan điểm văn học của Nguyễn Trãi đánh dấu bước phát triển văn học Việt Nam: người viết bước đầu tự giác về lí luận và lí luận sẽ tác động tới sáng tác. Với Nguyễn Trãi, văn học dân tộc xuất hiện kiểu tác giả - thi sĩ, bên cạnh kiểu học Việt Nam đã có nhà văn chính luận, chứ không như trước kia mới chỉ có tác giả - nhà nho, tác giả - thiền sư đã có từ trước đó. Cũng với Nguyễn Trãi, văn phẩm văn học chính luận. Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, là “người viết văn, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” (Lê Quý Đôn). Ở lĩnh vực thơ ca, Nguyễn Trãi là nhà “khai sơn phá thạch”, người đặt nền móng xây dựng một thể thơ mới cho văn học dân tộc: thơ Nôm Đường luật, đặc biệt là thơ Nôm Đường luật lục ngôn xen thất ngôn. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có vị trí là “tác phẩm mở đầu nền văn học cổ điển Việt Nam” (Xuân Diệu) (2).

2.3. Phương pháp nghiên cứu danh nhân Nguyễn Trãi

Phương pháp nghiên cứu về Nguyễn Trãi vừa xuất phát và phù hợp với trường hợp Nguyễn Trãi, vừa có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu danh nhân thời trung đại nói chung.

2.3.1. Đặt tác giả và tác phẩm trong một hệ quy chiếu

Như trên đã nói, danh nhân thời trung đại có tài năng về nhiều mặt, riêng Nguyễn Trãi là một thiên tài hội tụ nhiều tài năng kiệt xuất. Vì vậy cần nghiên cứu tác phẩm, tác giả Nguyễn Trãi trong một hệ quy chiếu mới hiểu được, dù chưa thể nói là hiểu hết con người và sáng tác của một danh nhân tầm cỡ vĩ nhân.

Để hiểu, để phân tích Bình Ngô đại cáo cần đặt áng “thiên cổ hùng văn” này trong hệ quy chiếu của những tri thức về lịch sử (sử dân tộc, sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sử Trung Hoa), về tư tưởng, văn hóa (tư tưởng Nho giáo về nhân nghĩa, thân dân, truyền thống yêu nước, nhân đạo, văn hiến của dân tộc), về văn học (những đặc trưng của thể cáo về mục đích chức năng, về nội dung, về lời văn), v.v...Ngay đến một chữ, một từ cũng có khi phải huy động kiến thức của nhiều ngành. Ví dụ như từ “đế” trong câu “Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương”. Phải hiểu “đế” khác “vương” như thế nào về vị trí, về quyền lực (“đế” là vua thiên tử, duy nhất, toàn quyền, còn “vương” là vua chư hầu, có nhiều và phụ thuộc vào đế) mới thấy được ý thức độc lập về chủ quyền và niềm tự hào dân tộc của Nguyễn Trãi cao tới mức nào. Lại nữa, phải thấy được sự tiếp nối tư tưởng “đế” từ “Nam đế cư” ở Nam quốc sơn hà đến “các đế nhất phương” trong Bình Ngô đại cáo mới thấy được sự phát triển của ý thức độc lập dân tộc từ bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất sang bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai.

2.3.2. Nghiên cứu đến tận cùng những vấn đề đặt ra từ tác phẩm

Nghiên cứu tác phẩm của một con người mà anh hùng và bi kịch đều ở mức tột cùng như Nguyễn Trãi thì cần phải nghiên cứu đến tận cùng điểm “mút” của vấn đề, tránh sự hời hợt, nửa vời. Ví dụ câu thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi trong bài Văn hứng (Hứng buổi chiều), có thể đã từng bị ghi nhầm một chữ, dẫn đến đọc sai, hiểu chưa thật đúng về Nguyễn Trãi, chưa thấy hết tầm vóc nhân loại của bậc vĩ nhân. Câu thơ có thể bị ghi nhầm: Kim cổ vô cùng giang mạc mạc / Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu (Xưa nay thời gian không cùng, sông rộng bát ngát / Anh hùng mang mối hận (như) lá rụng veo veo). Với tri thức về phép đối trong thơ Đường luật, ta không khó nhận ra: “vô cùng” đối với “hữu hận” là không chuẩn, là chưa đúng. Phải chăng đã có sự ghi nhầm chữ “hạn” thành chữ “hận” vì hai chữ này gần giống nhau về tự dạng. Chỉ khác một chữ thôi - “hạn” thay cho “hận” mà hợp cả về đối và nghĩa: “vô cùng” đối với “hữu hạn”, người anh hùng Nguyễn Trãi không chỉ mang nỗi hận cá nhân, dù nỗi hận ấy tiêu biểu cho nhiều tài năng trong quá khứ lịch sử. Nỗi hận của Nguyễn Trãi thành nỗi đau về sự hữu hạn của con người trước sự vô cùng, vô tận của thiên nhiên: Kim cổ vô cùng giang mạc mạc / Anh hùng hữu hạn diệp tiêu tiêu. Thiên nhiên là thực thể vô cảm thì vĩnh hằng, con người là một thực thể hữu cảm và đầy khát vọng thì lại hữu hạn. Nỗi đau trước trước nghịch cảnh éo le này là nỗi đau mang giá trị nhân bản, là nỗi đau nằm trong tâm thức nhân loại từ cổ đến kim.

(Còn tiếp)


(1) Những dẫn chứng văn thơ của Nguyễn Trãi được lấy từ Nguyễn Trãi toàn tập (Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Văn Tân dịch và chú giải), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976

(2) Xuân Diệu: Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thơ cổ điển Việt Nam, trong Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980

GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)