Nam dược thần hiệu (Phần 1)

Đinh Thảo
Y học là một phần không thể tách rời của Triết học Phương Đông. Từ thời cổ đại đến ngày nay, trên vùng đất Việt có rất nhiều loại thuốc thảo dược quý hiếm không thể có ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Thực tiễn đã chứng minh những loại được gọi là “thuốc Bắc” đều được thu hái ở Việt Nam đưa về Trung Quốc chế biến, một phần đưa ngược lại bán ở Việt Nam, việc này từ thời cổ đến nay các Thầy thuốc Việt về Đông – Nam dược đều biết rõ.

Theo sử cổ, hàng năm, nước Việt vẫn phải cống nộp người tài giỏi sang Trung Hoa, trong đó lúc nào cũng có thầy thuốc giỏi Người Việt, tiêu biểu như Danh y Tuệ Tĩnh.

Tiểu sử Danh y Tuệ Tĩnh: Ông chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh (阮伯靜), biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở đó, không rõ năm nào. Bia văn chỉ ở làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy. Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: Trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ "Nam dược thần hiệu" chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ "Hồng Nghĩa giác tư y thư" (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài "Phú thuốc Nam" 630 vị cũng bằng chữ Nôm.

than-y-tue-tinh-va-le-huu-trac-1688958976.png
Khám thờ hai vị Thần Y Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác

Y Miếu Thăng Long, khởi dựng từ thế kỷ 18, là nơi thờ phụng hai vị danh y của Việt Nam - Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác tôn vinh những giá trị sâu sắc của nền Nho Y. Y Miếu ngày nay đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Ngay những năm đầu mới lên ngôi, vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) đã cho tiến hành xây dựng Y Miếu ở phía Tây kinh thành Thăng Long, thuộc huyện Quảng Đức, để thờ tiên thánh và các vị danh y lớn. Vào năm Canh Ngọ (1750), Xuyên Hầu và Ngoạn Quận công bắt đầu dựng xây Y Miếu, nhưng còn rất sơ sài. Đến năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773), Chưởng viện Thái y Trịnh Đình Ngoạn đứng ra trông coi việc xây dựng Y Miếu với quy mô khá rộng lớn. Tấm bia của Viện Thái y hiện còn tại chùa Phổ Giác, phố Ngô Sĩ Liên (gần Y Miếu), khắc vào năm Giáp Ngọ (1774) niên hiệu Cảnh Hưng 35 có ghi lại việc chọn đất xây dựng Y Miếu. Ngày nay, tại phố Y Miếu ở Hà Nội (Y Miếu Thăng Long dựng từ thời Lê) vẫn còn bút tích ghi về công đức Y học Tổ tiên Người Việt như sau (trích lược tài liệu khuyết danh viết về Y Miếu Thăng Long):

醫廟 Y MIẾU

Câu đối trên cột hoa biểu:

1.1 衛 闡 丹丸千古粵
Vệ xiển đan hoàn thiên cổ Việt
(Giữ gìn và nói rõ viên thuốc Việt hàng nghìn năm xưa)

1.2 祀隆樽俎億年香
Tự long đôn trở ức niên hương
(Tế tự long trọng với mâm cỗ thơm hương mãi mãi)

2.1 道有君神唐虞三代上
Đạo hữu quân thần Đường Ngu tam đại thượng
(Y đạo có vua và thần từ thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn tam đại xưa)

2.2 功回造化丁黎五世間
Công hồi tạo hóa Đinh Lê ngũ thế gian
(Công lao hồi phục y đạo giữa năm đời Đinh tới Lê)

3.1 製神藥功高太嶺
Chế thần dược công cao thái lĩnh
(Chế thần dược công cao như đỉnh núi Thái Sơn)

3.2 救生靈福滿河沙
Cứu sinh linh phúc mãn hà sa
(Cứu sinh linh phúc đầy như cát sông)

4.1 壽世千年膽景岳
Thọ thế thiên niên đam Cảnh Nhạc
(Sống mãi thọ cao đam mê như lương y Cảnh Nhạc)

4.2 回春百草向丹溪
Hồi xuân bách thảo hướng Đan Khê
(Trẻ mãi nhờ cây cỏ như lương y Đan Khê)
Hoành phi ban thờ tiền:
德若山
Đức nhược sơn
(Đức cao như núi)
心如水
Tâm như thủy
(Tâm trong như nước)

Ban thờ tiền có hai tượng đồng Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông

Câu đối ban thờ tiền:

5.1 道本先天用妙陰陽醫是易
Đạo bản tiên thiên dụng diệu âm dương y thị dịch
(Y đạo vốn dựa vào Tiên thiên bát quái khéo dùng âm dương chữa bệnh bằng dịch lý)

5.2 功高良相傳來部陳藥由
Công cao lương tướng truyền lai bộ trần dược do
(Công lao như tướng hiền truyền lại bộ thuốc nguyên bản)

6.1 醫宗心領包括天下活方妙藥
Y tông tâm lĩnh bao khoát thiên hạ hoạt phương diệu dược
(Sách y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông là phương thuốc sống diệu kì bao khoát thiên hạ)

6.2 良師要昰尊崇上古玄德仁心
Lương sư yếu thật tôn sùng thượng cổ huyền đức nhân tâm
(Thấy thuốc phải thật tôn sùng nghiêm ngặt đức nhân tâm từ thượng cổ truyền )

Chú: Chữ Thật trong câu đối viết bằng chữ Thượng上 trên chữ Nhật日, tôi đọc trên xuống dưới là Thượng 上 Nhật 日 thiết Thật (giống như tôi đọc chữ Nam 男 nghĩa là đàn ông theo trên xuống dưới là Điền 田 Lực 力 thiết Đực), biểu ý thì Thượng Nhật là Trên Trời, trên trời thi luôn luôn thật, vì Qui Luật Vũ Trụ chẳng hề lươn lẹo với bất kì ai. Nhưng tra tự điển Hán Việt không thấy có chữ trên mà chỉ có chữ Thị 昰 giải thích là chữ dùng cho tên người, chữ này gồm Viết 曰trên Chính 正 dưới, đọc trên xuống là Viết Chính, biểu ý là Nói (chữ Viết曰) Đúng (chữ Chính正), nói đúng thì tức là Thật, như tiếng Việt có từ Sự Thật, nên tôi dùng luôn chữ này thay cho chữ mà tự điển không có, nó đọc là Thị 昰là do đã lướt nhấn “Thật Chi 之!” = Thị 昰. Xin thức giả chỉ giáo.

(Còn nữa)

PV