Điều ít biết về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Năm 2024 tới là sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), người được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Nhân dịp này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc đề nghị phối hợp trình UNESCO vinh danh đại danh y.
le-huu-trac-1646230742.jpg
Lê Hữu Trác

Cuộc đời và gia thế của Lê Hữu Trác

Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ). Theo Hải Dương phong vật chí, ông có tên gọi khác là Lê Hữu Huân, nhưng đến nay, người đời vẫn quen thuộc gọi ông với cái tên Hải Thượng Lãn Ông.

Lê Hữu Trác là người con út trong gia đình có 7 anh em, vì vậy, người trong gia đình thường gọi ông là Cậu Chiêu Bảy. Gia đình ông vốn nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, cả 6 người anh của ông đều thi đỗ khoa cử, tiến sĩ. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, thuở trẻ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, được nhà vua phong chức Ngự sử, tước Bá. Chú là Lê Hữu Kiều cũng là Đại triều thần của nhà Lê.

Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sách sử nên được cha cho lên Kinh kỳ theo học. Tại đây ông nổi tiếng với trí tuệ hơn người thi đậu liền Tam trường. Ông còn cùng các bạn học lập hội “Thi xã” bên Hồ Tây để hằng ngày đối thơ, xướng họa.

Tính cách ông hào sảng, thích giao du nên không chỉ được bạn đồng niên mà cả chúa Trịnh cũng hết lòng yêu quý. Tuy nhiên, không lâu sau đó vào năm ông 19 tuổi, cha ông mất (năm 1739) nên phải về nhà chịu tang, vừa lo kế nghiệp gia đình vừa lo hậu sự cho cha. 

Một năm sau đó (tức 1740), giữa thời buổi loạn lạc, Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn tranh giành quyền lực, muôn dân lầm than, bạo loạn xảy ra khắp nơi ông đã quyết định gác lại sách vở, luyện tập võ thuật và binh thư, xung phong vào quân ngũ. Chỉ ít lâu sau, ông nhanh chóng nhận ra đây không phải là lẽ sống mà mình theo đuổi nên dù đã được đề bạt nhiều lần, ông kiên quyết từ chối.

Cho tới năm 1746, sau khi người anh cả mất tại quê mẹ là huyện Hương Sơn (nay là Hà Tĩnh) ông đã viện cớ xin rời khỏi quân ngũ về chăm mẹ già và các cháu nhỏ mồ côi.

Danh hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”

Cũng trong năm 1946, bước ngoặt của cuộc đời danh y Lê Hữu Trác xảy đến khi ông mắc trận ốm nặng. Dù đã được người nhà săn sóc và đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng đến 2, 3 năm vẫn không có tiến triển.

Sau đó có người mách, ông nhờ người đưa tới nơi của thầy thuốc tên Trần Độc ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An). Trần Độc vốn thi đỗ cử nhân, xong từ chối vinh hoa chốn quan trường để về quê chữa bệnh. Tiếng lành đồn xa nên ông được rất nhiều người trong vùng tín nhiệm.

Trong thời gian hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông thường đọc "Phùng thị cẩm nang" và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông.

Vốn là người thông minh học rộng, Lê Hữu Trác mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.

Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu "Hải Thượng Lãn Ông". Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn ông" nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.

hai-thuong-lan-ong-6706-1-e1586075471416-1646230743.jpg
Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là "ông già lười ở Hải Thượng"

Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn "từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách", vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi khắp vùng Hoan Châu.

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. 

Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời Trung đại Việt Nam và các cuốn như “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự” không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Sau khi Lãn Ông mất, ông được người dân lập đền thờ. Năm 1985, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2016, Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lương Đàm