Mục tiêu của nền quốc phòng toàn dân theo mô hình tổng quát được cụ thể hóa như sau:
Một là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân có lực lượng ngày càng mạnh và toàn diện, thế trận ngày càng vững chắc trên phạm vi cả nước và từng địa phương, cơ sở, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn và đẩy lùi các tội phạm nguy hiểm và các tệ nạn xã hội; phấn đấu sớm xây dựng ở nước ta một nền quốc phòng vào loại mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
Hai là, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - yếu tố quy định thực chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta - không để rơi vào chế độ xã hội dân chủ, dạng trá hình của chủ nghĩa tư bản.
Ba là, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, chủ động tạo môi trường thuận lợi cho đất nước xây dựng và phát triển; phát huy vị thế của quốc gia trong khu vực và quốc tế, góp phần làm ổn định khu vực; đủ sức đấu tranh loại bỏ khả năng can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ nước ta dưới mọi hình thức, mọi danh nghĩa.
Bốn là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bạo loạn, nhất là ở các địa bàn xung yếu, các trung tâm kinh tế và văn hóa có liên quan đến đầu não của chế độ; ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để chúng gây ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, từng bước hiện đại hóa quốc phòng, kiện toàn thế trận quốc phòng toàn dân gắn liền với thế trận an ninh nhân dân và thế đối ngoại nhân dân trên toàn lãnh thổ, trước hết là các vùng xung yếu, biên giới, hải đảo.
Đến năm 2020, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đã có những bước phát triển vững chắc; mặt bằng dân trí được nâng cao; chế độ xã hội chủ nghĩa biểu hiện rõ sức mạnh về mọi mặt; vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới thực sự trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực. Mục tiêu của chiến lược quốc phòng nước ta trong giai đoạn này như sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước; đạt được thỏa thuận toàn diện với các nước có liên quan về hoạch định trên biển Đông, nhất là khu vực Trường Sa; giải quyết triệt để các tranh chấp trên tuyến biên giới đất liền; góp phần duy trì sự ổn định trên biển Đông và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, không để xảy ra xung đột.
Thứ hai, phấn đấu có nền quốc phòng toàn dân được xây dựng vào loại mạnh ở khu vực Đông Nam Á, đủ khả năng răn đe thù trong, giặc ngoài; đánh bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng liều lĩnh gây ra chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức; giữ vững ổn định, lâu dài nền hòa bình và chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Thứ ba, có hệ thống pháp luật, chính sách đầy đủ, thống nhất, đồng bộ về quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa để phát huy cao nhất sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng và quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thứ tư, hoàn thiện tổ chức Quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trên phạm vi cả nước; khẳng định được khả năng quản lý chủ quyền cả trên biển, vùng trời và khả năng ứng phó có hiệu quả với mọi bất trắc, nhất là khả năng tự bảo vệ của các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Thứ năm, các binh đoàn tác chiến chiến lược, chiến dịch, các quân, binh chủng chủ yếu như Hải quân, Phòng không - không quân, Thông tin Tác chiến điện tử phải đạt tới trình độ cơ động, triển khai ứng phó nhanh, hiệu quả cao trong việc đáp ứng nhu cầu xử lý các tình huống bảo vệ Tổ quốc.