Một số hình thức chiến tranh mới có thể xảy ra trên thế giới (Phần 1)

Theo nhận định của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong một vài thập kỷ tới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng... Và, tất cả các hình thức xung đột vũ trang, chiến tranh trên thế giới nếu xảy ra rất có thể cuốn nhiều nước vào vòng xoáy của nó, trong đó không loại trừ nước ta.
screenshot-1-1709740266.png
Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Ảnh: TTXVN

Chiến tranh biên giới

Là cuộc chiến tranh diễn ra ở khu vực biên giới giữa các nước có chung biên giới quốc gia, nhằm những mục tiêu chính trị nhất định. Nguyên nhân chiến tranh biên giới thường do chính sách bành trướng mà một hoặc một số nước theo đuổi và thường được phát triển từ các cuộc xung đột biên giới quy mô lớn, kéo dài.

Chiến tranh biên giới có thể chuyển thành chiến tranh quy mô lớn nếu các bên tham chiến không tự kiềm chế và giải quyết bằng thương lượng. Sau chiến tranh lạnh, chiến tranh biên giới có xu hướng gia tăng, được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động lợi dụng nhằm gây mất ổn định giữa các nước và khu vực, hoặc nhằm ngụy tạo nguyên cớ gây chiến tranh xâm lược.

Chiến tranh trên biển

Là cuộc chiến tranh diễn ra trên chiến trường biển, đảo và đại dương, được lực lượng hải quân tiến hành độc lập hoặc có hiệp đồng với các lực lượng khác theo một ý định và kế hoạch tác chiến thống nhất nhằm mục đích chính trị, quân sự, kinh tế nhất định.

Trong chiến tranh trên biển, quy luật mạnh được, yếu thua phát huy tác dụng tuyệt đối. Việc xây dựng lực lượng hải quân đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, đảo, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế đang là sự quan tâm lớn của các quốc gia ven biển.

Chiến tranh trên không

Là cuộc chiến tranh hiện đại diễn ra trên vùng trời, chủ yếu do các nước đế quốc tiến hành nhằm khuất phục, thôn tính các nước đã giành được độc lập, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, và thường sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu. Bên bị tiến công thường sử dụng các lực lượng phòng không, không quân tiến hành độc lập hoặc phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang và phi vũ trang khác để tiêu diệt những phương tiện tiến công đường không của đối phương nhằm bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài... Chiến tranh trên không diễn ra nhanh, thời gian ngắn, không gian rộng, tính bất ngờ và ác liệt cao.

1280px-f-105-dodging-sa-2-over-vietnam-1709740389.jpg
Tên lửa SA75 của bộ đội phòng không Việt Nam đang đánh chặn một chiếc F-105 trên bầu trời miền Bắc. Ảnh: Wikipedia

Chiến tranh bạo loạn lật đổ kết hợp với can thiệp quân sự từ bên ngoài hoặc chiến tranh xâm lược quy mô lớn

Là cuộc chiến tranh diễn ra nhằm chống lại một quốc gia có những tư tưởng và hành động đối địch với lợi ích của các nước đế quốc, được tiến hành bởi các thế lực bạo loạn ly khai trong nội địa dưới sự dung dưỡng, kích động và hỗ trợ về cố vấn quân sự, tài chính và vũ khí, trang bị kỹ thuật... từ bên ngoài.

Việc tiến hành bạo loạn chính trị có vũ trang phát triển thành bạo loạn lật đổ thường gắn với sự chi viện hỏa lực trực tiếp của lực lượng can thiệp hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm tiến công quân đội của chính phủ đương nhiệm, tiến tới khuất phục, thôn tính quốc gia độc lập và dựng chính phủ mới chịu sự chi phối của kẻ can thiệp.

Chiến tranh khủng bố quốc tế mang màu sắc tôn giáo

Trong lịch sử thế giới cũng đã từng có những cuộc chiến tranh lớn liên quan đến lợi ích tôn giáo, thiên kiến tôn giáo, ý thức hệ tôn giáo... được gọi là “Thánh chiến”, “Thập tự chinh” Song, các cuộc chiến tranh ấy thường do các nhà nước gánh vác với lý do “nghĩa vụ tôn giáo”, nhất là với các quốc gia có sự câu kết chặt chẽ giữa thế quyền với thần quyền. Tuy nhiên, gần đây trên thế giới xuất hiện những động thái khủng bố quốc tế mang màu sắc tôn giáo cực đoan và khó lường hơn rất nhiều.

Sau khi cuộc chiến chống khủng bố tại Ápganixtan kết thúc, Osama Bin Laden bị tiêu diệt, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không những không bị dập tắt mà lại càng nảy nở và trở nên cực đoan hơn. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hiện nay mà ngọn cờ tập hợp là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được tổ chức dựa trên lòng trung thành tuyệt đối với một ý thức hệ mù quáng và lòng thù hận chống lại những người khác, kể cả người Hồi giáo.

Một số nhà nghiên cứu thậm chí đã ví họ với chủ nghĩa phát xít trước đây khi tôn thờ sự phân biệt đối xử sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo... Điều nguy hiểm của kiểu chiến tranh phi truyền thống này trước hết là ở tinh thần “tử vì đạo” của lực lượng vũ trang tham chiến mà nòng cốt là các phần tử Hồi giáo cực đoan từ lực lượng vũ trang đánh thuê Al Queda. Thủ đoạn khủng bố hết sức tàn bạo gây hoảng loạn trong dân chúng. Thêm vào đó là nguy cơ mà tất cả các quốc gia, các tổ chức xã hội, thậm chí cá nhân, đều có thể là mục tiêu bị tấn công.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến