Lao động Mỹ 'hắt hủi' công việc tay chân, giấc mộng 'made in USA' của Trump tan vỡ?

Tổng thống Trump cam kết đưa ngành sản xuất trở lại nước Mỹ, nhưng thực tế người lao động nước này đang tỏ ra không mấy mặn mà công việc chân tay nặng nhọc.

Sáu giờ sáng mỗi ngày trong tuần, một nhóm công nhân rắn rỏi, đi ủng mũi thép, có mặt tại nhà máy nhỏ của Quaker City Castings, ở tiểu bang Ohio. Họ bắt đầu ngày mới bằng việc đúc khuôn cát, đổ kim loại nóng chảy và mài giũa các sản phẩm bằng gang, thép.

Đây là những công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà dân văn phòng chưa từng nếm trải. Tuyển được người đã khó, giữ chân họ còn khó hơn. Giới chức Washington hiện đang ca ngợi loại công việc này như biểu tượng của “giấc mơ Mỹ”, nhưng trong thực tế, không nhiều người Mỹ chịu đựng được việc phải lao động chân tay.

“Không ít người bảo với tôi rằng họ sẽ không bao giờ làm việc ở chỗ này – vì nó quá cực nhọc,” Zachary Puchajda, 25 tuổi, chia sẻ. Anh đến với nghề đúc kim loại khi một người bạn đang làm tại Quaker City rủ vào làm cùng.

Trớ trêu thay, loại hình lao động vất vả này chính là điều Tổng thống Trump hình dung tới khi kêu gọi khôi phục nước Mỹ thành cường quốc sản xuất.

Thực tế, nhờ chính sách thuế quan của ông Trump, một số doanh nghiệp đã chuyển sang đặt hàng trong nước thay vì nhập khẩu, giúp tăng đơn hàng cho nhiều nhà máy quy mô vừa và nhỏ.

Nhưng theo Bộ Lao động Mỹ, gần nửa triệu vị trí trong ngành sản xuất vẫn chưa có người làm. Trong khảo sát mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, gần 50% doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là tuyển dụng và giữ chân lao động.

8240ba07-4ba4-4014-90b3-5f3659a1f84d-1747824549.jpg
Công nhân đúc kim loại vận hành đèn hàn

Mức lương trung bình trong ngành sản xuất Mỹ hiện thấp hơn 7,8% so với mặt bằng, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động. Trong khi đó, năm 1980, mức lương của công nhân còn cao hơn mức chung 3,8%. Sự thoái trào của công đoàn cũng khiến ngành kém hấp dẫn hơn trong mắt người lao động.

“Ngành sản xuất còn gặp thêm trở ngại là định kiến – nhiều người vẫn cho rằng làm nhà máy là bẩn thỉu, nguy hiểm,” chuyên gia kinh tế Susan Houseman từ Viện Upjohn nhận định. “Chưa kể nhiều người vẫn chưa quên ký ức đen tối của làn sóng sa thải hàng loạt khi các nhà máy đóng cửa và chuyển ra nước ngoài trong thập niên 1990–2000. Điều đó khiến họ nghi ngờ sự ổn định lâu dài của nghề.”

Theo bà Carolyn Lee – Chủ tịch Viện Sản xuất Mỹ, tình trạng thiếu hụt lao động khiến các nhà máy không thể tăng công suất nhanh chóng. “Không thể cứ dựng lên một nhà máy rồi hy vọng lao động sẽ tự đổ về,” bà nói.

Theo bà, ngành này cần thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các chính sách hấp dẫn hơn – chẳng hạn cho phép làm việc linh hoạt về giờ giấc, điều vốn từng chỉ thấy ở giới văn phòng nhưng nay đã được nhiều lao động phổ thông đòi hỏi.

7071a10c-95e9-41a9-bc55-8fb2abc2d2e0-1747824648.jpg
Quaker City Castings chủ yếu tuyển dụng qua giới thiệu truyền miệng, song cũng kết hợp đăng tuyển trên mạng.

Ông Dave Lordi – Chủ tịch Quaker City Castings – cho biết doanh nghiệp từng ghi nhận mức tăng đơn hàng 25% sau khi chính sách thuế quan được áp dụng. Nếu xu hướng này trở lại, công ty sẽ buộc phải mở thêm ca làm việc thứ hai.

Tuy nhiên, tuyển được người đã khó, giữ người còn khó hơn. Rất nhiều lao động nghỉ việc chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng, chuyển sang những công việc nhẹ nhàng hơn hoặc được trả cao hơn.

Quaker City đã tăng lương trung bình 30% kể từ sau đại dịch Covid-19, nhưng theo ông Joseph Korff – chủ sở hữu công ty – “trong 20 người mới tuyển, thường chỉ 2–3 người ở lại lâu dài.”

Puchajda từng làm việc tại một sân golf gần đó, nhưng chuyển sang Quaker City vì lương cao hơn 2 USD/giờ. Anh cho biết mình thừa hưởng tinh thần làm việc chăm chỉ từ người cha làm nghề xây dựng.

Tuy nhiên, Puchajda cho rằng mình là trường hợp ngoại lệ trong thế hệ trẻ. “Vấn đề lớn nhất với nhiều bạn trẻ hiện nay là quá nhiều thứ đến với họ quá dễ dàng,” anh nói.

Quaker City cũng gặp khó trong việc tìm người có tay nghề phù hợp. Nhiều vị trí yêu cầu kỹ năng chuyên môn mà chỉ có thể học được trong quá trình làm việc. Một số công đoạn, như thiết kế khuôn gỗ đúng kích cỡ theo bản vẽ kỹ thuật, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật và tay nghề tinh xảo.

Công nhân tại đây làm việc gần kim loại nóng chảy tới hơn 1.600 độ C, thường xuyên phải di chuyển thiết bị nặng. Để bảo vệ bản thân, họ được trang bị mũ cứng, mặt nạ chống bụi và mặt nạ phòng độc.

4dd1593c-6ab5-462d-b030-ab62cd053dcc-1747824756.jpg
Cynthia Johler đảm nhận công đoạn đúc khuôn.

“Tôi thấy nhiều người bỏ việc chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần,” Cynthia Johler, 36 tuổi, công nhân chuyên đúc khuôn và là một trong số ít phụ nữ tại nhà máy, chia sẻ. Cô được đồng nghiệp gọi vui là “Góa phụ đen” vì đã trụ lại tới 3 năm.

Năm ngoái, Johler bị gãy chân do một khuôn nhựa nặng rơi trúng. Cô phải bó nẹp và đi ủng chỉnh hình suốt hai tháng. May mắn, chi phí y tế và tiền lương trong thời gian nghỉ được chương trình bồi thường lao động bang chi trả – khoản mà doanh nghiệp vẫn đều đặn đóng góp.

Tại các trường trung học quanh khu vực từng tự hào với ngành luyện kim, một số giáo viên và học sinh cho biết giới trẻ đang cởi mở hơn với nghề kỹ thuật.

Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng hấp dẫn như nhau. Theo cố vấn học đường Mike Agnew tại Trường Trung học Beaver Local, “Nhiều em chọn những ngành dễ hình dung như hàn xì, xây dựng – những việc các em từng thấy ngoài đời hoặc có người quen làm.”

Quaker City chủ yếu tuyển dụng qua giới thiệu, kết hợp với các kênh đăng tuyển trực tuyến. Họ là một trong số nhiều nhà máy trong khu vực, bên cạnh các xưởng cơ khí, nhà máy linh kiện ô tô và cơ sở sản xuất thiết bị vệ sinh.

Dù nguồn việc không thiếu, nhưng việc làm tại nhà máy vẫn khó thu hút lao động địa phương. Jacob Weibush, 25 tuổi, từng làm việc tại nhà máy nhựa khi còn đi học nhưng sau đó bỏ việc vì lương thấp, không có chế độ cho lao động tạm thời và đòi hỏi thể lực quá lớn. “Đứng cả ngày, đến tối là chân tôi đau nhức,” anh kể.

3b41d6ee-50d1-43ab-8ff7-f8232de90718-1747824879.jpg
Công nhân tại Quaker City phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm việc gần kim loại nóng chảy

Giờ đây, anh làm tại garage ô tô của bạn, làm việc từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối, với mức lương 15 USD/giờ, và dự định gắn bó lâu dài.

Cũng như vậy, Stephen Page – học sinh lớp 11 tại Trường West Branch – cho biết anh muốn trở thành thợ điện, vì cho rằng nghề này linh hoạt hơn và không phải bị “giam” trong nhà máy suốt cả ngày.

“Tôi cứ tưởng tượng cảnh đứng trên dây chuyền như trong phim hoạt hình – thứ gì cũng chạy ngang qua, còn mình thì cứ đóng dấu liên tục,” Page nói.

Hoàng Nguyễn (Theo Wall Street Journal)