Nỗi lo mất việc của người lương cao tại Mỹ

Nhiều người Mỹ từng nhảy việc trong giai đoạn khan hiếm nhân tài đang nhận ra mức thu nhập hiện tại của họ đã trở nên quá cao so với thực tế thị trường lao động.

Tất cả người lao động đều tin rằng họ xứng đáng với mức lương đang nhận. Thế nhưng, với nhiều nhân sự Mỹ từng được săn đón trong "cuộc chiến nhân tài" giai đoạn hậu Covid, mức thu nhập cao ngất ngày ấy nay lại trở thành gánh nặng khiến họ nơm nớp lo bị sa thải.

Lương cao, rủi ro lớn

Theo khảo sát mới nhất của Korn Ferry, gần 2/3 người lao động Mỹ cho biết họ đang được trả ngang hoặc cao hơn giá trị kỹ năng thực tế của mình. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp bắt đầu siết chặt ngân sách, những gói lương hậu hĩnh trong quá khứ đang trở thành điểm yếu.

“Nhiều khách hàng của chúng tôi hiện không còn chiêu mộ ồ ạt mà theo dõi rất kỹ các đề xuất lương bổng,” ông Ron Seifert, đối tác cấp cao tại Korn Ferry, nhận định.

6ce672c2-058a-49cf-a112-2d661fad1586-1747301899.jpg
Những "ngôi sao" của thị trường lao động hậu đại dịch Mỹ phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì chính mức lương từng là niềm tự hào.

Thực tế, không ít nhân sự từng "nhảy việc" liên tục trong giai đoạn 2021–2022 để tăng thu nhập. Nhưng hiện tại, họ lo sợ nếu phải tìm việc mới, sẽ không thể duy trì mức lương cũ. Đặc biệt, những người đã xây dựng cuộc sống dựa trên thu nhập cao như mua nhà hay chi tiêu xa xỉ càng cảm nhận rõ áp lực.

Một kỹ sư thực tế ảo từng tăng gấp ba thu nhập khi về Meta tiết lộ, anh nghi ngờ chính mức lương cao đã khiến mình trở thành mục tiêu trong đợt sa thải gần đây. Một nữ quản lý bán hàng khác cho biết, sếp cô từng bóng gió rằng mức lương của cô “vượt khung” trước khi cho nghỉ việc.

Andy Challenger, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Challenger, Gray & Christmas nhận xét: “Những gói lương vượt xa thị trường luôn là một trong các tiêu chí bị cân nhắc khi doanh nghiệp quyết định cắt giảm nhân sự.”

Cơ hội không còn dễ dàng

Trong giai đoạn đỉnh cao của cuộc khủng hoảng nhân sự hậu đại dịch, Jacob Timm - kỹ sư phần mềm tại Minnesota, từng được các nhà tuyển dụng săn đón liên tục trên LinkedIn. Thu nhập của anh đã tăng tới 70% chỉ sau hai lần chuyển việc trong sáu tháng.

Tuy nhiên, mọi thứ đã khác. Hiện anh chỉ thỉnh thoảng được liên hệ và thừa nhận: "Nếu bị sa thải, tôi sẽ rất khó tìm được công việc có mức lương tương tự." Gia đình anh đã phải tăng quỹ dự phòng từ 3–6 tháng sinh hoạt phí lên 9 tháng để phòng rủi ro.

ZipRecruiter cho biết, chỉ 60% người lao động đổi việc gần đây được tăng lương, giảm mạnh so với mức 73% vào cuối năm ngoái. Năm 2022, gần một nửa số người chuyển việc được tăng lương ít nhất 11%.

Page Sheldon, một kế toán tại Colorado, từng tăng thu nhập thêm 47% chỉ sau một năm nhờ nhu cầu nhân lực kế toán tăng vọt. Nhưng hiện nay, theo anh, nếu đổi việc chỉ có thể kỳ vọng mức lương giữ nguyên hoặc giảm và chính sách làm việc từ xa cũng bị siết chặt.

Joseph Magnuson, làm việc trong ngành quỹ đầu tư tư nhân tại Texas, từng đạt mức tăng lương 60% khi đổi việc năm 2021. Anh cho biết, những người tiếp tục “săn” mức lương cao hơn hiện nay lại là những người đang đối mặt nguy cơ bị sa thải. “Khối lượng giao dịch sụt giảm, lợi nhuận dự báo thấp hơn, mức lương thị trường cũng bắt đầu điều chỉnh,” Magnuson nói.

Tâm lý người lao động hiện rất khác biệt. Một số người thừa nhận họ từng biết rằng mức lương cao chỉ là hệ quả nhất thời của giai đoạn thị trường lao động hỗn loạn. Do đó, họ đã sớm có chiến lược tài chính thận trọng.

Ngược lại, có người tin rằng mức lương đó sẽ còn tiếp tục tăng mãi mãi. Đối với họ, thực tế thị trường hiện nay là một cú sốc. Lời khuyên của các chuyên gia: hãy luôn chuẩn bị cho tình huống đồng lương "trở lại mặt đất".

Hoàng Nguyễn (Theo Wall Street Journal)