Theo Global Times, mối liên kết thương mại xuyên Thái Bình Dương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được khơi thông trở lại sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt bước đột phá trong đàm phán tại Geneva, dẫn đến việc giảm mạnh các mức thuế song phương.
Thỏa thuận này không chỉ khiến các hãng tàu, máy bay, dòng tiền và đơn hàng hoạt động rầm rộ trở lại sau nhiều tuần đình trệ, mà còn cho thấy tầm quan trọng không thể thay thế của hàng hóa Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ – dù chỉ vừa trải qua giai đoạn căng thẳng thương mại gay gắt.
Bùng nổ đơn hàng từ Mỹ, giá vận chuyển tăng vọt
Sau khi hai nước đồng thuận giảm 91% mức thuế và tạm ngưng thêm 24% thuế đối ứng, các doanh nghiệp lập tức phản ứng.
Ông Vương Lợi, Tổng giám đốc công ty Shenzhen Maigijia Home Co, cho biết công ty đã nhận được 4 đơn hàng mới trị giá 300.000 USD chỉ trong ngày 13/5 – con số tương đương nửa tháng doanh thu trong điều kiện bình thường. "Tám container hàng hóa cần được gửi đi trong tuần này. Điều bất ngờ là có khách hàng Mỹ yêu cầu giao bằng đường hàng không – điều chưa từng xảy ra với mặt hàng gia dụng nặng của chúng tôi", ông nói.

Tại tỉnh Hà Nam, ông Đinh Văn Cửu – quản lý của Henan Mesyi Cosmetics Technology Co – cho biết đã lập tức đàm phán với khách Mỹ ngay sau khi tuyên bố chung được công bố. Đến tối 14/5, hơn 1.000 thùng hàng từng tồn kho đã lên đường sang Mỹ. Công ty này hiện xuất khẩu hơn 60% sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Sự gia tăng đột ngột về đơn hàng và việc giải phóng hàng tồn đã tạo ra tình trạng thiếu hụt công suất vận tải. Chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố chung, các hãng tàu quốc tế đã đồng loạt tăng giá. Theo một chuyên gia trong ngành, giá vận chuyển container 40 feet đến bờ Tây nước Mỹ trong tháng 6 đã vọt lên 6.000 USD, tăng mạnh từ mức khoảng 2.500 USD trước đó.
Ông Chung Triết Siêu, người sáng lập công ty tư vấn hậu cần One Shipping, cho biết: “Thị trường như bùng nổ chỉ sau một đêm. Đơn hàng tăng đột biến, trong khi công suất vận chuyển vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn”.
Theo số liệu Reuters dẫn lại từ công ty theo dõi container Vizion, đơn đặt vận chuyển từ Mỹ tới Trung Quốc đã tăng gần 300%, với mức trung bình 7 ngày đạt 21.530 TEU so với 5.709 TEU của tuần trước.
Hàng Trung Quốc: Không thể thay thế trong chuỗi cung ứng Mỹ
Chuyên gia Cao Lăng Vân, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: “Lượng đơn hàng tăng vọt từ doanh nghiệp Mỹ là minh chứng rõ ràng rằng chất lượng và vị thế của hàng hóa Trung Quốc vẫn không thể thay thế. Động thái giảm thuế này là lợi ích chung của cả hai bên”.
Tuy nhiên, việc các đối tác Mỹ hối thúc giao hàng gấp cũng cho thấy tâm lý lo ngại về tính ổn định của chính sách thương mại. Ông Cao cho rằng Chính phủ Mỹ cần tiếp tục các bước đi cụ thể để ổn định kỳ vọng thị trường.
Không ít doanh nghiệp Mỹ chia sẻ cảm giác "vừa mừng vừa lo". Theo Jamey Stegmaier, đồng sáng lập Stonemaier Games – một hãng trò chơi có chuỗi cung ứng phụ thuộc lớn vào Trung Quốc , mức thuế 30% rõ ràng nhẹ hơn 145% trước đó, nhưng việc chi phí vận chuyển tăng mạnh sẽ khiến giá bán lẻ leo thang”.

CEO Steve Greenspon của hãng gia dụng Honey-Can-Do International cho biết nhiều công ty Mỹ đang tranh thủ giải phóng hàng tồn từng bị giữ lại tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Không ai dám lên kế hoạch dài hạn với chỉ một cửa sổ 90 ngày. Chúng tôi không thể đầu tư nếu không biết thuế sẽ thay đổi ra sao”.
Thỏa thuận tạm thời, lệ thuộc vẫn dài hạn
Giám đốc Cảng Los Angeles, ông Gene Seroka, nhận định: “Thông báo giảm thuế là tin tích cực cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, mức thuế hiện vẫn cao hơn thời điểm đầu tháng 4”. Ông kêu gọi hai bên sớm tiến tới một thỏa thuận dài hạn nhằm tránh thêm bất ổn. Đồng thời, Mỹ cũng nên cùng các nước khác giảm các rào cản thương mại hiện hành.
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại – ông Hà Dũng Kiện – khẳng định Bắc Kinh phản đối thuế mục 232 mà Mỹ áp đặt lên ô tô, thép, nhôm và dược phẩm nhập khẩu. Ông kêu gọi Washington gỡ bỏ các rào cản này thông qua đối thoại bình đẳng và xây dựng.
Theo số liệu năm 2024, Mỹ nhập khẩu gần 440 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, với mức thâm hụt thương mại lên đến 295,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hàng đầu – trong đó có các Nobel như James Heckman và Vernon Smith – khẳng định rằng thâm hụt thương mại không phải là biểu hiện suy yếu, mà là đặc điểm của một nền kinh tế toàn cầu có tính sản xuất cao. Họ cho rằng Mỹ dùng tới hai phần ba hàng nhập khẩu làm đầu vào sản xuất nội địa.
Ông Cao kết luận: “Việc cắt giảm thuế quan phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ. Hợp tác kinh tế – thương mại Mỹ – Trung không chỉ đem lại lợi ích hai bên mà còn phản ánh kỳ vọng của cả nền kinh tế toàn cầu. Đây vẫn là mối quan hệ cùng thắng – và chưa có phương án thay thế rõ ràng”.