Ông Trump tự tay làm xói mòn uy tín đồng USD – Euro sẽ lên ngôi?

Những chính sách thương mại bất ổn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm lung lay niềm tin toàn cầu vào đồng USD, mở ra cơ hội lịch sử cho đồng euro.

Bằng những màn áp thuế bất ngờ, các đòn công kích vào thể chế thương mại quốc tế và cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Tổng thống Donald Trump – kể từ khi nhậm chức – đã từng bước phá vỡ niềm tin toàn cầu vào nước Mỹ. Nhưng không chỉ vậy. Ông còn đang làm suy yếu vị thế của đồng USD – đồng tiền giữ vai trò 'bá chủ' trong hệ thống tài chính thế giới suốt nhiều thập kỷ qua.

Từ sau Thế chiến II, đồng USD đã trở thành trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu, là đơn vị quy chiếu để xử lý mọi giao dịch xuyên biên giới.

Ngay cả sau khi hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods sụp đổ vào năm 1973, và Mỹ đình chỉ quyền chuyển đổi USD thành vàng, đồng USD vẫn duy trì vị thế đồng tiền toàn cầu – phần lớn nhờ thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Quốc vương Saudi Arabia Faisal. Theo đó, Saudi Arabia cam kết chỉ giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD để đổi lấy bảo đảm an ninh quân sự từ Mỹ.

photo1657696546350-165769654732235998415-1747737911.webp
Thị trường thế giới đang dần mất niềm tin vào đồng USD

Chính cơ chế này đảm bảo nhu cầu lớn đối với đồng USD cho đến tận ngày nay. Nhờ đó – và chỉ nhờ đó – nền kinh tế lớn nhất thế giới mới có thể tài trợ cho các mức thâm hụt ngân sách và thương mại khổng lồ của mình. Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ khắp nơi, và “xuất khẩu” những tờ giấy in hình đồng USD – dưới dạng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ. Nếu là một quốc gia khác, các khoản thâm hụt kép như vậy đã đủ để đẩy họ vào nguy cơ vỡ nợ.

Tuy nhiên, chính sự tin tưởng chưa từng đứt đoạn vào nước Mỹ – và theo đó là vào đồng USD – đang bị Tổng thống Donald Trump làm xói mòn. Ông đang áp thuế lên gần như toàn bộ các quốc gia, làm suy yếu các thể chế tài chính và thương mại toàn cầu vốn do Mỹ dẫn dắt như IMF, Ngân hàng Thế giới và WTO. Ông cũng công khai công kích Fed – định chế quyền lực bậc nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu – cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ giá trị của đồng USD.

Mỹ tự đánh mất vị thế siêu cường

Phản ứng của thị trường tài chính trước đường lối này giống như một ví dụ điển hình trong sách giáo khoa: niềm tin bị xói mòn kéo theo sự mất giá của đồng USD và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Trong những tuần gần đây, USD đã mất gần 15% giá trị so với euro, trong khi lãi suất điều hành của Mỹ hiện cao gấp đôi khu vực đồng euro.

Với khoản nợ công gần 37.000 tỷ USD – tương đương 125% GDP – riêng tiền trả lãi nợ mỗi tháng đã tiêu tốn gần 85 tỷ USD ngân sách liên bang. Tính bình quân, mỗi công dân Mỹ đang phải gánh gần 10 USD/ngày chỉ để trả lãi vay. Chi phí trả nợ của chính phủ Mỹ thậm chí còn vượt cả ngân sách quốc phòng.

Song song đó, việc USD mất giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, kéo theo nguy cơ lạm phát gia tăng. Điều này cũng khiến Fed khó lòng hạ lãi suất để kích thích kinh tế. Trong khi đó, các loại thuế nhập khẩu do Trump áp đặt hoặc đe dọa áp đặt tiếp tục gây sức ép lên giá cả hàng hóa.

Chính bởi sự phớt lờ các nguyên lý kinh tế, ông Trump đang có nguy cơ phá bỏ chính nền tảng từng làm nên vị thế cường quốc kinh tế hàng đầu của Mỹ – vị thế của một “Économie dominante” không có đối thủ.

Thời cơ của châu Âu?

Không ai tỉnh táo lại mong muốn một cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, hay thậm chí là sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, việc nước Mỹ tự nguyện từ bỏ vai trò bá chủ tiền tệ của mình cũng mở ra cơ hội cho phần còn lại của thế giới – đặc biệt là Trung Quốc và nhất là châu Âu.

Dù vậy, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc khó có khả năng thay thế USD, bởi Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ tỷ giá nhằm ngăn ngừa đầu cơ tiền tệ. Bất chấp việc Trung Quốc đã mở rộng giao dịch bằng nhân dân tệ với các đối tác như Nga, Pakistan hay Iran, đồng tiền này vẫn khó trở thành đồng tiền toàn cầu. Lo ngại chính đáng từ các nhà đầu tư về sự can thiệp chính trị khiến đồng nhân dân tệ chưa thể giành được lòng tin quốc tế.

Hoàng Nguyễn (Tổng hợp)