Lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)

Đinh Thảo
Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Hằng Phương có những vinh hạnh được sớm gặp, làm một số việc dưới sự chỉ bảo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà thơ Hằng Phương (Lê Hằng Phương – Đường Hằng Phương Nữ sỹ) được gặp Người vào Tết Nguyên Đán năm 1946 đã được Nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi lại trong quyển Hồi ký Những năm tháng ấy, xin trích dẫn nguyên văn như sau:

“Cách đó vài hôm, anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) bảo tôi: “Cụ Hồ có hỏi tôi về người biếu cam, tôi nói - là Chị cháu”. Rồi anh bảo: “Như vậy, chị nên gặp Cụ”.

Ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc ta, ai có áo đẹp nhất, mới nhất đều mang ra mặc.

Cũng như mọi người, mồng một Tết Bính Tuất (1946), Hằng Phương vấn tóc trần như mọi ngày, mặc áo lụa tím dài thêu kim tuyến, quần xa tanh trắng, đi giầy nhung đỏ do cô thêu lấy trên mũi giầy con phượng bằng kim tuyến, khoác áo măng tô đen, cổ áo bằng lông thú như tấm ảnh của cô trong Thi Nhân Việt Nam.Cô cầm một bông cúc trắng to và một cành tùng, mua từ hôm trước và lên Bắc Bộ phủ. Đem tùng cúc lên chúc tết Cụ Hồ. Hằng Phương có ý dựa vào điều “Cúc tùng vẫn tiết”, ví người anh hùng có khí tiết, chịu đựng gió sương mà vẫn cứng cáp như cây tùng, cây cúc.

hang-phuong-nu-sy-1688013593.png
Ảnh Hằng Phương Nữ sỹ 1932

Trở về nhà, Hằng Phương kể cho tôi nghe như sau:

“Đến cửa phòng khách ở Bắc Bộ phủ thì Hồ Chủ Tịch đang ở bên phòng bên đi ra. Đồng chí tiếp khách nói với Người: “Người biếu cam,…”. Đồng chí ấy nói nhỏ nhưng ở nơi yên tĩnh, tôi cũng nghe thấy.

Người đi vào phòng khách, giơ tay ra hiệu cho tôi vào. Người đi trước, tôi và đồng chí tiếp khách đi theo sau.

Thấy tôi đứng, Chủ Tịch giơ hai tay vẫy xuống bảo tôi ngồi xuống ghế. Tôi bỏ cái ví xuống ghế, hai tay cầm bông cúc và cành tùng tiến lên dâng người và nói:

- Cháu là Hằng Phương, năm mới cháu lển chúc Cụ mạnh khỏe sống lâu với non sông đất nước, lãnh đạo cách mạng thắng lợi.

Cụ vui vẻ cầm bông cúc và cành tùng cắm vào cái bình ở bàn, giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế. Nghe tôi nói giọng miền Nam, Cụ hỏi giọng sang sảng như tiếng chuông:

- Chị ở miền Nam mới ra à?

- Thưa Cụ, quê cháu ở Quảng Nam, chồng cháu là người ngoài này.

Cụ nói :

- Dao trước, chị gửi tôi bài thơ và gói cam, nhưng chị không vào gặp, lại không ghi địa chỉ, nên tôi mới phải đăng báo.

Tôi thưa :

- Cháu đã được đọc bài thơ Cụ trả lời. Thật vinh dự cho cháu vô cùng, một vinh dự lớn nhất đời cháu.

Cụ ‘Hừ’ một tiếng như ông bác đối với cháu và nói :

- Phong kiến thế ! Đưa thơ thì phải vào gặp.

Tôi thưa :

- Cháu sợ mất thì giờ của Cụ.

Cụ gọi lấy nước uống. Đồng chí tiếp khách rót nước đã nguội, Cụ liền bảo :

- Lấy nước khác, lấy nước khác !

Tôi vội cầm chén nước uống hết và nói :

- Thưa Cụ, cháu đã uống rồi !

Ý nghĩ của tôi là : “Được uống nước của Hồ Chủ Tịch ban cho dù là nước nguội cũng quý”. Tôi đứng dậy, nói :

- Hôm nay, cháu lên chúc Tết Cụ, được thấy Cụ hồng hào hơn ngày Cụ đọc tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba đình và ngày Cụ đến khai mạc triển lãm Văn hóa, cháu rất lấy làm mừng.

Người nói một cách bình dị:

- Ấy là tôi ở miền rừng núi lâu ngày nên bị ngã nước.

Thấy tôi đứng dậy, Cụ ra hiệu bảo tôi ngồi xuống. Tôi vâng lời Người. Người hỏi :

- Thế hôm nay lên chúc tết tôi, chị có thơ không ?

Tôi thưa :

- Cháu chưa nghĩ được câu nào.

Người bảo :

- Từ rày, hễ có thơ thì gửi cho tôi xem.

Tôi kính đáp :

- Cháu xin vâng lời Cụ dặn

Người lại hỏi :

- Thế chị làm gì mà có cam Thanh cho tôi ?

Tôi thưa :

- Cháu vào bán hàng ở Thanh Hóa.

Cụ nhìn xuống đôi giầy ở chân tôi và hỏi :

- Đi buôn à ?

Tôi thưa :

- Cháu đem ít văn phòng phẩm vào bán để giúp thêm cho gia đình.

Cụ lại hỏi :

- Thế anh ấy làm gì ?

Tôi nói :

- Thưa Cụ, chồng cháu viết văn. Dạo này đường sá khó đi, sách bán không chạy nên nhà xuất bản không lấy sách nữa. Ngay những khi họ lấy sách người viết cũng chẳng được là bao. Rồi sách mình bầy đẹp đẽ trong cửa hàng của họ, người viết sách qua đường, nhìn tác phẩm của mình, cũng hững hờ chàng Tiêu vậy.

Nghe tôi nói thế, Người cười bảo :

- Chị về nói với anh chị em nhà văn biết từ rày có Cách mạng người viết văn sẽ không bị bóc lột nữa. Rồi sẽ có chế độ nhuận bút giải quyết thích đáng quyền lợi của văn nghệ sỹ.

Tôi thầm nghĩ ngày tết chắc còn nhiều khách muốn vào yết kiến Người nên tôi nhấp nhổm định đứng dậy. Người biết ý vẫy tay bảo hãy ngồi xuống và Người hỏi tôi :

- Thế chị có mấy cháu ?

- Thưa Cụ, cháu có sáu cháu, chúng còn nhỏ cả.

Người cười và bảo :

- Rồi chị sẽ có một chục.

Người gọi lấy kẹo, người tiếp khách đem ra một hộp kẹo rất đẹp đặt trên bàn. Người cầm hộp kẹo đưa tôi và dặn :

- Chị đem về chia cho các cháu, nói quà tết của Cụ Hồ.

Tôi đứng dậy, hai tay đón lấy hộp kẹo Người cho cảm tạ người và cúi chào xin phép Người ra về.

Người giơ tay bắt tay và dặn lại :

- Từ rày có thơ thì gửi cho tôi xem.

Tôi kính đáp :

- Cháu xin nhớ lời Cụ.

hang-phuong-nu-sy-2-1688013785.png
Ảnh Hằng Phương Nữ sỹ 1942

Mấy tháng sau, Hằng Phương có đan bốn chiếc áo sợi cộc tay. Ở trong cổ mỗi chiếc áo, phía trong, Hằng Phương có đính bốn câu thơ ngũ ngôn và gửi áo đến Bộ Quốc Phòng, yêu cầu gửi cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Hằng Phương có chép bốn bài thơ gửi lên Hồ Chủ Tịch để Người xem như lời Người dặn. Người đã bảo đưa bốn bài thơ cho báo đăng. Tôi cũng không nhớ thơ và không nhớ báo nào. Tất cả bản thảo và sổ tay của chúng tôi đều bỏ lại nhà, khóa trái cửa lại và ra đi kháng chiến (19/12/1946). Nhà của chúng tôi bị giặc Pháp đốt phá trong thời Hà Nội bị tạm chiếm.

nha-tho-le-hang-phuong-1688013944.png
Ảnh Nhà thơ Lê Hằng Phương in trong sách thơ Hương Xuân năm 1943. Nhà văn Vũ Ngọc Phan có ghi Nhà thơ Hằng Phương mặc giống như vậy khi đến chúc Tết Chủ Tịch Hồ Chí Minh năm Bính Tuất 1947 tại Bắc bộ phủ, Hà Nội

Bao nhiêu sách của chúng tôi – tất cả hơn 2,000 cuốn không kể tài liệu viết tay – Các cố đạo Dòng Chúa cứu thế ở Nam Đồng lấy đi mất cả. Năm 1955, tôi có nhờ ông Ngô Tử Hạ giới thiệu gặp ông Cố Đại phụ trách tu viện. Tìm khắp các phòng còn được 13 quyển (Trong này có 3 quyển Kinh Dịch do anh Ngô Tất Tố tặng tôi. Sách của tôi có đóng dấu và chữ ký). Họ nói các trường Đạo đã đưa sách vào Nam mất.

Hằng Phương đã có mấy câu thơ về nơi chúng tôi ở cũ khi chúng tôi mới ở Việt Bắc về:

“Từ núi rừng chiến thắng,
Về thăm lại vườn xưa
Giặc đốt nhà chạy rụi,
Trơ nền cũ nắng mưa”

Bài thơ “Vui ngày kỷ niệm” trang 66 được in trong tập Hương Đất Nước của Nhà thơ Hằng Phương do Nhà xuất bản Văn học 1976 phát hành.

(Còn nữa)

Vũ Ngọc Phương