Khi đã coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thì cần cẩn trọng khi hình sự hóa các quan hệ dân sự?

Đinh Thảo
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 10/10/2023 rất có ý nghĩa khi chỉ ít ngày sau, chúng ta kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10. Bởi vậy, nó không chỉ mang tính chỉ đạo, định hướng rất kịp thời và thiết cho khu vực doanh nghiệp mà còn là sự khích lệ, động viên các doanh nhân tự tin đi tới. Điều mà tôi chú ý trong nghị quyết 41 nói trên, đó là Đảng ta cũng có đề cập việc cần tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế nói riêng, dân sự nói chung... Trong bài viết dưới đây, tôi chỉ xin đề cập riêng đến việc chúng ta nên xử lý ra sao với kinh tế tư nhân. 

Chúng ta đều biết, từ Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân (KTTN) được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công. “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP... Để đạt được những mục tiêu xa hơn, chúng ta cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho họ làm ăn.

Trong thực tế, sau gần 40 năm Đổi mới, vậy mà chúng ta mới chỉ có gần 900.000 doanh nghiệp (con số mới nhất), đạt tỷ lệ 9 doanh nghiệp/1.000 dân. Như vậy là rất thấp so với khu vực và quốc tế, cũng như đòi hỏi của đất nước hiện nay. Với doanh nghiệp tư nhân thì đương nhiên, trong số 900.000 doanh nghiệp kia, nó chiếm tỷ lệ khá lớn, chắc chắn cũng sẽ trên 90% .

Theo Vietnam Report và VietNamNet công bố, doanh nghiệp tư nhân nằm trong khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân đối với các yếu tố của quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm các doanh nghiệp trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư.

ttxvn-doanh-nhan-1697517818.jpg
Lễ Vinh danh "10 doanh nhân truyền cảm hứng năm 2023" tại TP.HCM (Ảnh: TTXVN)

Các thống kê tương đối gần đây thì cho thấy, hiện doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động (nay thì thấy nói con số 900.000), sử dụng khoảng 85% tổng số lao động cả nước. Đây là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần khắc phục hậu quả của đại dịch và suy thoái kinh tế mà còn là kênh chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...(VNN đăng ngày 9/5/2023).

Đồng thời qua số liệu đó cũng gián tiếp cảnh báo một điều, nếu KTTN mà "hắt hơi xổ mũi" thì nền kinh tế nước nhà sẽ không tránh khỏi lao đao...

Tuy nhiên, theo những gì chúng ta biết thì hiện nay, KTTN đang gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn hiện nhiều hơn là thuận lợi bởi thứ gọi là "thuận lợi" như ta hiểu thì đó gần như mới chỉ còn là chủ trương, là quan điểm, là đường lối... Còn khó khăn thì đó là thực tiễn, là hiển hiện. Nhiều thứ khó khăn đó có thề bắt nguồn từ hậu COVID-19, từ cách chúng ta đang xử lý các sai phạm của bộ máy công quyền có liên quan đến hoạt động kinh tế, trong đó có KTTN.

Nguyên nhân thì nhiều nhưng có những thứ dễ thấy. Đó là bộ máy chính quyền đang chùng xuống vì luôn trong tâm thế sợ sai trong làm việc .

Sợ vì nếu làm sẽ dễ sai, sẽ gặp rủi ro nhiều hơn là không làm. Kiểu như, nếu nhà nước tiếp tục tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tư nhân (DNTN) như trước kia thì biết đâu có ngày sẽ có ngày bị vi phạm kỷ luật...

Mà nếu thực sự như vậy thì e rằng kinh tế nước nhà trong dăm, mười năm tới và xa hơn nữa sẽ khó phát triển đúng như kế hoạch đã vạch ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Tức là sẽ ảnh hưởng nặng đến chiến lược phát triển kinh tế nước nước nhà theo từng mục tiêu ở thời điểm 2030 hoặc 2045...

Trong thời gian gần đây, một số DNTN "bị sờ gáy" ít nhiều có tác động đến tâm lý nhiều người. Tất nhiên, nếu họ có sai phạm nghiêm trọng thì không lẽ lại cho qua khi chúng ta đang kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng ,tiêu cực rất quyết liệt theo chủ trương của Đảng đề ra: Xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Vấn đề ở chỗ, một số DNTN hiện nay họ như ngồi trên đống lửa vì luôn sợ bị thanh tra, bị đưa sang các cơ quan tố tụng điều tra và có thể vướng vòng lao lý. Mà đã thanh tra, điều tra này nọ thì ắt rồi sẽ có chuyện. Rất khó tránh chuyện không vi phạm gì. Bởi không sai thứ này thì cũng là sai thứ kia. Nó khó tránh vô cùng khi mà cơ chế hoạt động của bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay thực sự còn có những lỗ hổng trong một thời gian dài. Rồi một số "công bộc" của dân có thể họ đã lách luật để giúp các doanh nghiệp có được dự án này, chế độ kia hầu có lợi mà người thua thiệt chính là nhà nước .

Vậy vấn đề của chúng ta là nhanh chóng bịt ngay các lỗ hổng đó lại, càng nhanh càng tốt, càng kín kẽ càng tốt mà có lẽ không nên cứ hình sự hoá tất cả? Tôi e rằng nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước ta ở tầm chiến lược.

Nên chăng, theo tôi, khi đã có những dấu hiệu tiêu cực thì nên xử lý các quan chức nhà nước. Cần xử họ thật nghiêm khắc để răn đe nhưng liệu có nên thanh tra, xác minh những chuyễn đã cách nay 15-20 năm thì nên cân nhắc.

Nếu DN họ bị đổ vỡ, phá sản do vướng vòng lao lý thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, người lao động có thể mất việc làm. Từ đó doanh nghiệp sẽ vỡ nợ, đổ bể...

Với doanh nghiệp, theo tôi thì tuỳ mức độ nặng nhẹ mà xem xét trước khi quyết định xử lý mức độ nào cho mềm dẻo. Nếu như nó thật nghiêm trọng thì có lẽ sẽ bàn thêm và tất nhiên nếu cần vẫn làm. Song, nếu như chỉ là nghiêm trọng vừa phải thì nên chăng chỉ cần xử các cán bộ thực thi công vụ, còn DNTN thì chỉ yêu cầu trả lại tiền cho nhà nước ở mức hai bên thấy có thể được.

Chúng ta không nên xới lên tất cả những vụ việc cũ mà họ đã thực hiện. Những dự án nào đã qua trên 10 về trước thì nên như thế. Nếu không vậy thì rồi có ngày cả nền kinh tế, dù nhà nước hay tư nhân cũng sẽ thiệt hại, ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn.

Như vậy, theo tôi thì chúng ta nên khu biệt hẹp lại đối tượng bị xử lý bởi kinh tế đất nước hậu COVID-19 đang thực sự khó khăn.

Các doanh nghiệp, cả nhà nước cũng như tư nhân trong vài ba năm qua gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng khi nhà nước kêu gọi họ hỗ trợ tài chính, từ khắc phục thiên tai đến dịch hoạ như vừa qua, họ đóng góp rất lớn...

Thử hỏi trong đại dịch vừa rồi, các doanh nghiệp đã góp sức cùng nhà nước rất rất nhiều, đâu hề ít, đặc biệt là DNTN. Có biết bao doanh nhiệp họ đóng cả chục tỷ, cả trăm tỷ, ngàn tỷ cho Quỹ Vaccine của Bộ tài chính mà đâu nề hà gì! Cần bệnh viện dã chiến ư? Cần mua máy trợ thở ư? Và rất nhiều vật dụng y tế mà ngành y nước nhà không đủ đáp ứng, họ cũng không tiếc tiền bỏ ra, không so đo tính toán dù chính họ cũng vay nợ không nhỏ. Trong khi nhà nước thì ra lời kêu gọi, không lẽ thờ ơ được sao?

Những chuyện như thế, họ cũng chi số tiền đến hàng trăm,hàng nghìn tỷ đồng gọi là" xã hội hoá" chứ không hề ít. Xã hội cần biết điều này và chúng ta nên biết ơn họ.

Tôi nghe nói, có những doanh nghiệp thời điểm đó còn không có tiền trả lương cho nhân viên, thế nhưng họ vẫn đóng góp một khi được nhà nước đề nghị họ. Chúng ta nên chia sẻ cùng họ lúc này.

Trong lịch sử đấu tranh cứu nước và giành độc lập dân tộc từ thế kỉ trước, vai trò của giới tư sản dân tộc yêu nước cũng có nhiều doanh nhân rất tiêu biểu, đáng kính trọng.

Họ hy sinh cực nhiều của cải để giúp đất nước thoát khỏi binh đao, loạn lạc mà điển hình nhất có lẽ là các gia đình doanh nhân như ông bà Trịnh Văn Bộ,như ông bà Đỗ Đình Thiện mà tôi từng tìm hiểu và thấy họ thật sự trân quý rất mực.

Năm 1990, để phục vụ viết bài nhân 45 năm đất nước giành độc lập trên báo Thanh Niên, người viết bài này đã được gặp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (chồng là cụ Trịnh Văn Bô). Cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô cho biết, trong số 5.147 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Bác Hồ là ông Nguyễn Lương Bằng đến nhà 2 cụ nhận rồi đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng của chính quyền Tưởng Giới Thạch (sang Việt Nam mang danh nghĩa thực hiện "sứ mệnh" giải giáp quân Nhật bị thất trận trong chiến tranh thế giới thứ hai) 500 lượng , cho tướng Lư Hán 300 lượng, cho tướng Tiêu Văn 200 lượng. Mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là "chỉ để mong hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng- quân Tưởng Giới Thạch và quân ta khi dân vừa qua nạn đói và chết đến kinh hoàng " - nói như cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại .

Tôi có hỏi: “Sao bà không biết gì về Cộng sản trước đó mà lại tin tưởng Cách mạng đến mức giao cả một lượng tài sản rất lớn như thế giúp đất nước?”, cụ Hoàng Thị Minh Hồ có bảo tôi rằng: "đây cũng là do cụ Hồ đã có lời với vợ chồng tôi", mà ông bà lại rất tin cụ Hồ Chí Minh với những gì ông bà biết về nhân vật Nguyễn Ái Quốc đôi chút trước lúc cụ Hồ / Nguyễn Ái Quốc và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhận lời bí mật đến nhà ông bà sống, làm việc trước ngày Chính phủ lâm thời tuyên bố nước nhà giành Độc lập. Thứ nữa, nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất thế chứ mất nữa thì cũng không nên tính toán. "Dân tộc mình bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi...", cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ thanh thản giải thích.

Tôi còn nghe cụ kể, Bác Hồ có hứa khi nào hoà bình, kinh tế đất nước khấm khá hơn, Chính phủ sẽ trả lại gia đình số vàng đã đưa cho ông Nguyễn Lương Bằng đi hối lộ quân Tàu Tưởng để mưu cầu việc đại sự mà tôi kể ở trên.

vo-chong-dn-trinh-van-bo-1697517325.jpg
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô (Ảnh: Internet)

Trường hợp gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô hiến tặng 5.147 lượng vàng trong thời gian đất nước vừa giành độc lập 1945 cũng như thời kỳ toàn quốc kháng chiến (1946-1954) nếu như so với giá trị tiền như hiện nay thì có lẽ cũng chỉ tương đương trên 300 tỷ đồng. Song cần phải hiểu rằng số tiền này là cực lớn so với ngân khố quốc gia cũng như gia sản của một gia đình chỉ có buôn vải lụa.

Nó còn ý nghĩa là ở chỗ gần như gia đình bà Trịnh Văn Bô đã hiến cho cách mạng xong thì cũng xem như gia sản của họ cũng không còn bao nhiêu ngoài số bạc nén tương đương 1.400 kg được ông bà chôn xuống giếng ngay trong sân tại số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội (ngôi nhà mà chính Bác Hồ trú ngụ trước nhày 2/9/1945 để viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Do ông bà tin tưởng vào gia nhân và họ cũng trung thành tuyệt đối với hai cụ cho nên sau khi họ lấp giếng chôn số bạc đó bên dưới, họ cũng bí mật không tố giác chính quyền thực dân để lấy thưởng.

Tiếc rằng, sau năm 1954, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô dùng toàn bộ số bạc nói trên đầu tư cùng nhà nước (gọi là công tư hợp doanh) để cùng xây dựng một nhà máy sản xuất gạch có tên Nhà máy gạch Nam Thắng. Tiếc rằng nó đã bị phá sản do năm 1964, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Thế cho nên kinh tế không phát triển. Cũng do kinh tế ảm đạm, lại đang chiến tranh như vậy cho nên dù có sản xuất gạch thì cũng không bán nổi cho ai. Ngày đó rất ít ai dám xây dựng nhà, công trình nhà xưởng...

Vậy là gia sản của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cũng dần bị cuốn bay, không hề còn gì đáng giá.

Tôi nói chi tiết này để chúng ta hiểu thêm rằng, đã một thời DNTN họ từng một lòng một dạ vì nước và nếu như Tổ quốc thực sự cần thì họ ứng xử ra sao.

Trở lại chuyện hôm nay. Nên chăng, nếu họ có sai phạm mà đã xa cả chục năm trước thì sau khi thanh tra xong có lẽ cũng nên cảnh cáo họ, không nên hình sự hoá những chuyện đã diễn ra quá lâu. Nếu chỉ là vấn đề tài chính thì nên truy thuy một phần kiểu như phạt để nghiêm minh hơn, bớt tổn thất cho ngân sách...

Không khí làm ăn từ đó cũng sẽ khác, họ bớt lo lắng và hy vọng từ đó sẽ đem về nhiều hiệu quả kinh tế (đóng góp ngân sách nhiều hơn) cho nhà nước. Chúng ta càng làm căng, không khí xã hội sẽ có cảm giác ngột ngạt, lo lắng . Khi đó, đương nhiên họ sẽ không thể toàn tâm toàn ý xây dựng và phát triển doanh nghiệp của họ. Mà đã vậy tức là nguồn thu ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng theo, khó có thể đạt được những mục tiêu kinh tế như Đại hội XIII đã đề ra.

Quốc Phong