Đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động
Phát biểu đề dẫn với chủ đề “Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước”, Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Theo đó, trong số 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp. “Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ thời cơ dân số vàng để bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng chỉ rõ.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của dịch bệnh. “Do vậy, tới đây, việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột rất quan trọng để thích ứng trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, đồng thời đi vào tăng trưởng vào chiều sâu, bền vững”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Về giải pháp, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài 1 - 2 năm nữa chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.
Đối với trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn; tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.
Hỗ trợ tiền cho người dân để kích cầu tiêu dùng
Phát biểu tại tọa đàm, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, người dân, người lao động chịu tác động lớn nhất do dịch COVID-19 lại là đối tượng khó tiếp cận đến các gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Ông Jonathan Pincus phân tích, cầu nội địa đang rất thấp. Nếu có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn, để người dân có thể chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì doanh nghiệp sẽ nhận ngay được tác động tích cực.
Cách thức hỗ trợ tiền mặt cho người dân đã được nhiều Chính phủ thực hiện, đặc biệt dành cho đối tượng mất việc làm, mất thu nhập thường xuyên, đang phải tiêu dùng bằng nguồn tiết kiệm. Nếu có tiền hỗ trợ, đây sẽ là đối tượng đưa ngay tiền vào tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như giáo dục, thực phẩm, hàng tiêu dùng...
Từ đó, cầu nội địa sẽ cải thiện ngay trong đầu năm 2022, tác động đến các cung khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm 2022, khi cầu nội đia được cải thiện, thúc đẩy nguồn cung, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuy nhiên, chuyên gia UNDP cũng nhấn mạnh, ngân sách sẽ phải chi tiền, chứ không chỉ trông vào hệ thống quỹ bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội như hiện nay.
Hỗ trợ đầu tư xây nhà ở xã hội khu công nghiệp
Là địa phương chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lần thứ tư, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đã chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý vấn đề lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, giải pháp hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Dẫn chứng các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mức cao, ông Thịnh chỉ rõ, cùng với khôi phục và phát triển sản xuất trong đó các vấn đề về lao động đã được tỉnh giải quyết linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả với tinh thần tiến công không ngừng nghỉ ngay cả khi dịch bệnh phức tạp. Ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và hỗ trợ kịp thời về nguồn lực của Trung ương, sự sẻ chia của các tỉnh bạn và nhân dân cả nước, cấp ủy, chính quyền đã thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động; mọi ý kiến của doanh nghiệp và người lao động được lắng nghe, kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân trong phòng, chống dịch. Minh chứng là để bảo đảm hậu cần cho 70.000 lao động ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang, tỉnh đã huy động hơn 2.000 tấn gạo, hàng triệu quả trứng... từ sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân cả nước.
Bài học kinh nghiệm tiếp theo là thông tin về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất của tỉnh thông suốt, mạch lạc, có lộ trình rõ ràng, hạn chế việc thay đổi đột ngột và luôn tính đến yếu tố chi phí của doanh nghiệp, người lao động trong việc việc chấp hành, tuân thủ các quy định do chính quyền đề ra ở mức thấp nhất.
Nhấn mạnh lao động tại các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước song người lao động chưa có được chỗ ở tốt, đa số ở trong các nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, môi trường, sức khỏe, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp. Bởi cản trở lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng như người lao động vay, hiện chỉ trông chờ vào nguồn cấp từ ngân sách nên rất khó khăn.
Ông Thịnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét hai giải pháp. Đầu tiên là tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp và nâng cao chất lượng công trình, chất lượng hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành. Nguồn tiền gửi của quỹ là từ các doanh nghiệp sử dụng lao động (với yêu cầu bắt buộc) và nguồn gửi từ người lao động (có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội - khuyến khích, không bắt buộc).
Theo ông Thịnh, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu thuê, mua quỹ nhà ở xã hội hoặc xây dựng ký túc xá cho công nhân mình ở nhưng pháp luật chưa cho phép. “Đây là nhu cầu hết sức chính đáng và hợp lý, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi Luật Nhà ở và bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thuê, mua lại hoặc tự xây ký túc xá cho công nhân”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.