Dấu ấn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố

Với 56 giải, trong đó có 11 giải Nhất, 13 giải Nhì... trường THCS Giảng Võ không chỉ xếp thứ nhất cấp quận còn đóng góp không nhỏ vào vị trí thứ Ba về giải Nhất toàn TP Hà Nội của Ba Đình tại kỳ thi chọn học sinh giỏi.

Thầy cô khơi gọi đam mê học tập
Với mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, trong những năm qua, cùng với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, Trường THCS Giảng Võ đã nỗ lực đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG).

Chia sẻ với phóng viên, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, kì thi chọn HSG các môn văn hóa và khoa học lớp 9 cấp thành phố năm học 2021 – 2022 vừa qua, nhà trường đã đạt 56 giải, với 11 giải Nhất, 13 giải Nhì, 23 giải Ba, 9 giải Khuyến khích. 

Với thành tích này, trường THCS Giảng Võ xếp thứ nhất về số lượng, chất lượng, tỷ lệ đạt giải tại quận Ba Đình và đóng góp không nhỏ vào vị trí xếp thứ Ba toàn thành phố Hà Nội về giải Nhất của ngành GD&ĐT quận Ba Đình.

Theo cô Yến, có được thành tích như trên, trước hết là nhờ sự tâm huyết, tận tình dạy bảo của các thầy cô giáo. Bên cạnh đó là sự cố gắng, nỗ lực của bản thân các em học sinh. Đặc biệt, sự chỉ đạo sâu sát của Cấp ủy, Chính quyền, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ cùng sự quan tâm đồng hành của các bậc phụ huynh.

“Năm học 2021 -2022 là một năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thử thách, nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trường THCS Giảng Võ cũng như các trường khu vực nội thành triển khai dạy học, bồi dưỡng HSG bằng hình thức trực tuyến để phòng dịch. Tuy nhiên, thầy cô và các em học sinh lớp 9 đã mang về một kết quả rất đáng tự hào.

Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố là lời khẳng định chân thực nhất cho chất lượng giảng dạy, sự nỗ lực bền bỉ của thầy và trò, sự đồng hành của các bậc cha mẹ học sinh trong suốt thời gian qua...”, cô Yến bày tỏ.

Có thể thấy công tác bồi dưỡng HSG được trường THCS Giảng Võ quan tâm không chỉ từ chiến lược, việc học tập bằng hình thức trực tuyến của nhà trường có hiệu quả. 

nlntv-ee85a85f553f181bf6b082588c0c1611-1651102390.jpg
Ảnh: Cô  Nguyễn Phương Thanh và các con trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội 

Cô Tô Thị Hải Yến nhấn mạnh, giáo dục đào tạo mũi nhọn của Nhà trường là một nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm và nó có tính truyền thống. "Nhiều học sinh của trường Giảng Võ được tôn vinh trong các kỳ thi HSG, được vào thẳng các trường Chuyên hoặc đỗ đến 3 trường chuyên. Đây cũng chính là một trong những điều mà tạo nên sự tín nhiệm của phụ huynh đối với nhà trường...", cô Yến thông tin. 

Nói về kết quả HSG năm nay, cô Yến bày tỏ, đó là một sự phát triển, tiến bộ vượt bậc của nhà trường. "Với 11 giải Nhất so với 3 giải Nhất của năm học 2020 -2021 - sự vươn lên mạnh mẽ này càng có ý nghĩa khi mà ở trong bối cảnh dịch bệnh. Dù học trực tuyến nhưng nhà trường vẫn xác định việc giáo dục mũi nhọn là một trong những hoạt động trọng tâm cùng với giáo dục đại trà. Qua đó, khẳng định vị thế của nhà trường trong phát triển và bồi dưỡng những học sinh có năng lực...", cô Yến nói. 

Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cũng tiết lộ, trong số 11 giải Nhất có những học sinh có thể tham gia vào nhiều đội tuyển HSG và đạt giải cao. Đơn cử, Trần Nga My - học sinh lớp 9A3 ở đội tuyển Toán sang đội tuyển Văn được giải Nhất hay Thảo Đan - lớp 9A8 giải Nhất môn Tiếng Anh đủ điều kiện để tham gia cả đội tuyển môn khoa học.

"Với HSG thì bên cạnh tư chất cũng rất cần ý thức, niềm đam mê đối với môn học. Nhiệm vụ của các thầy, các cô là khơi gợi niềm đam mê học tập đó và tạo điều kiện để cho năng lực của các bạn được phát triển...", cô Tô Thị Hải Yến nhấm mạnh.

Học sinh tự tin sân chơi lớn

Cô Nguyễn Phương Thanh – Giáo viên Ngữ văn (trường THCS Giảng Võ) phấn khởi bày tỏ, dạy và học đặc biệt ôn luyện bồi dưỡng HSG dù khó khăn, thử thách dịch bệnh nhưng đầy vinh quang, tự hào kết quả. 

Riêng đội tuyển Ngữ văn năm học 2021 -2022 có 3/5 học sinh đạt giải cấp Thành Phố. Trong đó, có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích. 

"Bên cạnh việc quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn học sinh đại trà thì nhà trường rất chú trọng công tác đào tạo HSG. Nhà trường triển khai thành lập các câu lạc bộ bồi dưỡng HSG của từng môn học từ năm học sinh lớp 7, lớp 8. Đây là sân chơi cho học sinh, đồng thời cũng tạo “nguồn” cho đội tuyển HSG lớp 9. Qua đó, giúp các em được rèn luyện sớm, có nhiều cơ hội tham gia sân chơi bộ môn nói chung và văn chương nói riêng...", cô Thanh tiết lộ.

nlntv-c51e1ee89f97e22e541b55a168ab73a5-1651102435.jpg
 Ảnh: Cô  Nguyễn Phương Thanh và các con trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội 

Nói về thành tích đạt được của đội tuyển Ngữ văn, cô Thanh khiêm tốn cho biết, đó là cả chuỗi ngày dài phấn đấu “vượt dịch” không mệt mỏi của cô và trò. Bởi năm học này, việc bồi dưỡng HSG chỉ thực hiện bởi hình thức học trực tuyến.

“Có lẽ khó khăn nhất là không thể “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tỉ mỉ, chữa bài một cách trực tiếp cho các em được nên phải chữa bài trực tuyến. Thấu hiểu điều đó, học sinh trong đội tuyển đều quyết tâm với tinh thần học tập rất cao và tự tin tại các kỳ thi…”, cô Thanh chia sẻ.

Với giải Nhất môn Ngữ văn cấp thành phố vừa đạt được, Trần Nga My - lớp 9A3 trường THCS Giảng Võ cho biết, vốn là đội tuyển Toán khi sang đội tuyển Ngữ văn với ý nghĩ theo học để có thêm kiến thức, phục vụ cho kỳ thi Chuyên vào lớp 10 chứ không nghĩ đạt giải Nhất cấp thành phố.

"Vào đội tuyển HSG Ngữ văn, em bị sốc về lượng kiến thức mà các bạn có, nhất là nền tảng về các tác phẩm văn học. Bởi vậy, em phải nỗ lực gấp nhiều lần với phương pháp học tập riêng để có được kết quả như bây giờ...", Trần Nga My chia sẻ.

Để học tốt Ngữ văn, Trần Nga My cho rằng cùng với tình yêu môn học thì phải có sự nỗ lực nhất định. 

"Khi mà mình thực sự nhiệt huyết và nỗ lực hết mình thì sẽ nhận lại được kết quả xứng đáng. Lúc học tập phải ý thức được rằng nếu mà mình ngủ bây giờ thì những bạn thi cùng mình đang học nên có nhiều đêm đang ngủ em lại bật dậy để học tiếp. Đến nay, em tự tin thi vào lớp 10 các trường Chuyên cũng như sân chơi lớn như cấp thành phố về HSG...", Trần Nga My nói.

nlntv-12753b1bb8142e9dda9eb704dfccb385-1651102341.jpg
Ảnh:Cô và trò trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

Còn em Trần Minh Hằng - lớp 9A8 (trường THCS Giảng Võ) giải Nhất môn Tiếng Anh thì cho biết, môn học cần giao tiếp nhiều nhưng vì dịch lại bị hạn chế. Bởi vậy, việc tuân thủ thời khóa biểu trên lớp và lịch on tập trực tuyến phải được thực hiện nghiêm túc mới đạt hiệu quả cao. 

"Cùng với khai thác tài liệu sách vở và trên internet thì việc hỏi bài, giao tiếp với thầy cô, bạn bè là rất quan trọng...", Trần Minh Hằng chia sẻ bí quyết học tập.

Với Trần Nam Anh - giải Nhất môn Vật lý thì cho biết, để học được tốt môn học này cùng với yêu thích Vật lý thì cũng phải học tốt môn Toán. "Trong phần tính toán của môn Vật Lý chịu ảnh hưởng tương đối nhiều từ môn Toán, tất cả các phần đại số lẫn hình học. Ngoài ra, học Vật lý thì cần hiểu được hiện tượng xoay quanh nó...", Trần Nam Anh tiết lộ.

Vui với những kết quả của thầy và trò nhà trường đạt được, cô Tô Thị Hải Yến  - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cũng lưu ý, không được "ngủ quên" trên thành tích.

“Cùng với chương trình học tập cốt lõi, Nhà trường tiếp tục triển khai tốt kế hoạch ôn cho học sinh lớp 9 hướng đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với những kết quả cao nhất tới đây…”, cô Yên nhấm mạnh.

Kim Phương