Covid, rét hại, lạm phát - thách thức quá lớn với người nghèo

Trong dịch bệnh hoành hành, thời tiết khắc nghiệt những ngày này, nếu chúng ta để ý đến xung quanh sẽ cảm nhận rất rõ "mùi vị" sự cực nhọc của người lao động nghèo.

Nhà bố mẹ tôi nằm trong một khu chợ dân sinh tương đối tấp nập và nhộn nhịp. Đợt này về nhà thăm bố mẹ, tôi vẫn giữ thói quen thức dậy trước 5h. Nhiệt độ ngoài trời ước chừng tầm chỉ 8-9 độ. Ngay cả khi ở trong nhà thì việc mở máy và gõ bàn phím cũng phải "đấu tranh tư tưởng" ghê lắm, nhưng ngoài kia, tiếng xe thùng đẩy hàng vẫn leng keng.

Tiểu thương trong khu chợ này, mùa đông hay mùa hè, có Covid-19 hay không có, họ vẫn đều đặn đi làm từ lúc tinh mơ, miễn là chợ họp. Có người với chiếc xe máy cà tàng phải chạy một chặng đường hơn 60km để đưa rau củ từ huyện vào thành phố bán và tất cả vốn liếng có khi chỉ là một sạp hàng nhỏ trị giá vài ba triệu đồng. Một ngày làm việc kéo dài từ tinh mơ sáng đến tận tối, nếu bán tốt thì lãi khoảng mấy trăm nghìn đồng, còn ế ẩm thì không đủ tiền xăng đi lại.

Dạo này, khắp các phường, xã, đâu đâu cũng có nhiều f0, đã vậy, rét mướt kéo dài nhiều ngày liền khiến lượng khách tới chợ ngày một thưa thớt. Thế nhưng, với những tiểu thương này họ vẫn cảm thấy bản thân may mắn khi còn có kế sinh nhai, ít nhất là không còn phong tỏa như trước.

phut-nghi-ngoi-cua-nhung-nguoi-lao-dong-dang-chat-vat-muu-sinh-trong-gia-ret-1645506022.jpg
Phút nghỉ ngơi của những người lao động đang chật vật mưu sinh trong giá rét

Trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, thời tiết khắc nghiệt những ngày này, nếu chúng ta để ý đến xung quanh sẽ cảm nhận rất rõ "mùi vị" của sự khốn khó và cực nhọc trong cuộc sống mưu sinh của những người dân nghèo, những lao động thu nhập thấp.

Ở thành phố, dù không có lệnh giãn cách nhưng nhiều hàng quán phải tự nguyện đóng cửa do không có khách, do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh, có khi là còn là do không còn đủ kinh phí để trả tiền thuê mặt bằng. Trường tư thục cũng chưa thể mở cửa đón học sinh. Thế rồi, tình trạng kéo theo chính là… thất nghiệp. Đến cả những công việc như phụ hồ, xe ôm, shipper… cũng không hề sẵn.

Người mất việc ở phố về quê, nhưng ở cuộc sống tại các làng quê vùng nông thôn cũng bộn bề khó khăn, vất vả. Làm nông chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Người đã li hương, li nông giờ trở về sẽ bắt đầu làm nông ra sao?! Còn nông dân bám trụ lại với làng, qua mùa dịch lại đến mùa rét, nhiệt độ xuống thấp chỉ lo chống đỡ làm sao cho trâu bò không ngã khụyu.

"Cuộc sống bấp bênh quá, kiếm hôm nay đã lo ngày mai. Rồi lỡ như mắc Covid, lỡ như đổ bệnh rồi lại gánh nợ nần" - người bán rau đầu ngõ chợ vừa hôm nào trải lòng với tôi thì nay cũng đã trở thành F0 rồi.

Nhưng sự bùng lên theo cấp số nhân của Covid hay những ngày rét đỉnh điểm chưa phải là tất cả khó khăn với người dân lao động. Còn một nỗi ám ảnh khác chính là lạm phát. Dù cho Chính phủ đang nỗ lực điều hành để kiềm chế lạm phát thì việc xăng dầu tăng giá kỷ lục vẫn tạo áp lực lớn lên giá cả các hàng hóa khác, từ lương thực, thực phẩm đến các vật dụng hàng ngày. 

Điều ấm lòng là giữa khó khăn chung, tôi vẫn thấy tình người lan tỏa, ít nhiều đã xua đi cái lạnh lẽo của tiết trời khắc nghiệt. Nhiều hoàn cảnh được đồng nghiệp tôi ghi lại và đăng tải trên Dân trí đã nhận được sự hỗ trợ quý báu, đầy nhiệt tình của các mạnh thường quân.

Dẫu vậy, quan tâm đến người nghèo, chăm lo cho đời sống người lao động là việc rất lớn, cần sự chung tay của cả nước, của toàn xã hội. Đây là chiến lược lâu dài, thể hiện tính nhân văn của xã hội và lại càng cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Tổng gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng là "chất kích hoạt" giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn hạn, tạo đà phát triển dài hạn và đảm bảo an sinh cho những người yếu thế.

Đáng chú ý, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo chương trình hành động, triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng, một phần nội dung của Nghị quyết 11.

Tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thuận - Giám đốc công ty Thiên An (TPHCM): "Sau Tết, công nhân, người lao động tại các khu trọ đã tiêu hết sạch tiền rồi. Tôi gặp nhiều công nhân chỉ ăn mì gói cho qua ngày, thực sự rất thương tâm. Khi nghe thông tin có gói hỗ trợ tiền nhà trọ họ mừng lắm, họ mong muốn được nhận sớm để đỡ gánh nặng mưu sinh".

Hơn lúc nào khác, họ - những người yếu thế, dễ tổn thương - cần được hỗ trợ kịp thời để vượt lên hoàn cảnh. Ngoài công nhân thì nông dân, người lao động tự do, người thất nghiệp… họ còn cần cả những chiếc "cần câu" để sống được bằng sức lao động trong lâu dài.