Công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản của Việt Nam

Võ Việt
Tài nguyên khoáng sản là thành phần không thể thiếu, được khai thác, sử dụng phục vụ cuộc sống và sự phát triển của xã hội loài người. Vì vậy, với mỗi quốc gia, dân tộc, tài nguyên khoáng sản là nguồn tài sản, nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản được Chính phủ phân công. Từ năm 2005 Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Bộ Xây dựng đã triển khai công tác lập quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương (theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt được 13 Quy hoạch đối với 39 loại khoáng sản, gồm quặng sắt, quặng chì-kẽm, quặng titan, quặng bauxit, khoáng sản làm xi măng (đá vôi, đá sét, puzolan, laterit), quặng cromit, quặng mangan, quặng thiếc, quặng vonfram-antimon, quặng vàng, quặng đồng, quặng niken, quặng urani, quặng apatit, đá quý, đất hiếm, serpentin, grafit, fluorit, cao lanh, cát trắng, đất sét trắng, bentonite, diatomit,…

khoang-san-2-1692587082.jpg
Bản đồ tài nguyên khoáng sản Việt Nam

Thực hiện nhiệm vụ đã được phân cấp, hầu hết các UBND cấp tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt khoáng sản thuộc thẩm quyền. Theo số liệu báo cáo tổng hợp từ 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 1/2009, có 45/63 tỉnh, thành phố đã lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản trên địa bàn địa phương, và mới có 19 tỉnh, thành phố lập, phê duyệt khu vực cẩm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt... Những con số này cho thấy, khoáng sản đang được khai thác khá mạnh ở nước ta, nhưng thực tế lĩnh vực này lại chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, quá khiêm tốn so với tiềm lực.

Vậy quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã thực sự hiệu quả hay chưa, từ quy trình đầu tiên là khoanh vùng khu vực, cho đến đấu giá cấp quyền khai thác và sau đó là quản lý sau khi cấp phép còn tồn tại vấn đề gì?

Theo quy định, hoạt động khai thác khoáng sản được chia làm 2 khu vực với những điều kiện khác nhau: Khu vực đấu giá và khu vực không phải đấu giá. Thực tế cho thấy đại đa số các mỏ khoáng sản hiện nay tập trung ở khu vực không đấu giá. Còn với những mỏ khoáng sản phải đấu giá, những người kinh doanh trong ngành khoáng sản cho biết: Dù có năng lực tốt thế nào cũng không dễ gì trúng đấu giá, bởi ngay bước đầu tiên, để nộp được hồ sơ tham gia đấu giá đã rất khó khăn.

Hiện nay, trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp thời gian qua, có nhiều giấy phép cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp khi chưa có đánh giá về trữ lượng và cấp khi chưa làm các thủ tục về đất đai. Đó là thực trạng về quy trình để có được giấy phép khai thác khoáng sản, còn sau khi được cấp phép, sự chấp hành về pháp luật của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ra sao? 71 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, kéo dài qua nhiều năm. Đây là con số đã được Kiểm toán Nhà nước công bố vào cuối năm 2022 về công tác quản lý sau thu hồi các mỏ khoáng sản trên cả nước.

khoang-san-1-1692587082.jpg
Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012. Theo đó, nghị định này đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.

Mặt khác, Bộ đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

khoang-san-4-1692587082.jpg
Công an tỉnh Hà Giang bắt giữ một vụ khai thác khoáng sản trái phép

Trên thế giới hiện nay, tài nguyên khoáng sản trở thành nguồn lực khan hiếm, là đối tượng bị tranh chấp quyết liệt ở nhiều nơi, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu, thách thức ngày càng lớn đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở nước ta. Ý thức được tầm quan trọng của các nguồn tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển và sự thịnh vượng của đất nước, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều đã đề cập đến vấn đề quản lý tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản.

Trung ương cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên về các nhóm tài nguyên, trong đó Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã định hướng toàn diện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, chiến lược địa chất và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài học về “lời nguyền tài nguyên” đang là hồi chuông cảnh tỉnh các quốc gia có lợi thế về nguồn tài nguyên không tái tạo. Dầu khí, than, các loại khoáng sản của đất nước đang giảm dần trữ lượng và sẽ cạn kiệt trong thời gian tới. Nguồn thu từ tài nguyên không tái tạo chưa được sử dụng một cách bền vững, lợi ích thu được từ nguồn tài nguyên này chưa được phân bổ một cách hợp lý, hài hòa. Người dân ở những nơi khai thác tài nguyên chưa được hưởng lợi một cách xứng đáng, còn chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra.

cong-tac-quan-ly-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-cua-viet-nam-1692591805.jpg
Hầm lò khai thác trái phép tại thôn Ga, Quang Trung, Trùng Khánh, Cao Bằng chưa được cơ quan chức năng xử lý

Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở thể chế hóa đồng bộ và kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng nêu trong các văn kiện qua các kỳ Đại hội, các nghị quyết của Trung ương, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác quản lý tài nguyên đã từng bước được chấn chỉnh, tăng cường, góp phần cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo vệ, phục hồi và tái tạo các nguồn tài nguyên của đất nước.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua không ít các sai phạm về quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản xảy ra ở một số địa phương như: Sai phạm trong khai thác quặng Apatit – Lào Cai; Khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn tại thôn Buốt, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang; Hàng loạt sai phạm của Công ty CP công nghiệp mangan Cao Bằng; Sai phạm của Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên gây hậu quả nghiêm trọng … gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác Quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Những hoạt động sai phạm đó, cần sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền, đảm bảo công bằng theo pháp luật và tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá – nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công khai, minh bạch thông tin cũng là phương pháp hữu hiệu nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế một số cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với các "nhóm lợi ích" để biến khai thác tài nguyên khoáng sản thành đặc quyền, đặc lợi.

Nam Lê – Minh Hòa