Cơ cấu nguồn nhân lực trong bối cảnh công nghiệp hóa hiện đại

Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, mọi quốc gia, vùng lãnh thổ đều quan tâm nghiên cứu về nguồn nhân lực. Tuy có nhiều khái niệm khác nhau, song nhìn chung, nguồn nhân lực được xem xét đầy đủ ở mọi góc độ như số lượng, chất lượng và cơ cấu.
vnf-nuoc-moi-cong-nghiep-hoa-1570009990116662696483-1733583887.jpg
Lực lượng lao động kỹ thuật cao đóng góp quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Ảnh: Internet

Theo từ điển thuật ngữ của Pháp, nguồn nhân lực xã hội bao gồm những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, mong muốn có việc làm. Như vậy, theo khái niệm này, nguồn nhân lực không bao gồm những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng không có nhu cầu làm việc, hay nói cách khác, họ không có nhu cầu về việc làm. Ở Ôxtrâylia, nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ những người bước vào tuổi lao động, có khả năng lao động. Quan niệm này không có giới hạn cuối về tuổi lao động hoặc không đề cập đến việc có hay không có nhu cầu về việc làm của những người đã bước vào tuổi lao động và có khả năng lao động.

Theo C. Mác: “Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”. Từ góc độ kinh tế chính trị học, nguồn nhân lực là lực lượng và năng lực của những người có khả năng lao động, bao gồm cả thể lực và trí lực; là năng lực lao động tồn tại trong cơ thể con người, do con người đảm nhận. Những người không có khả năng lao động thì không nằm trong nguồn nhân lực như đã xác định.

Nguồn nhân lực được tiếp cận theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, nguồn nhân lực là “nhân khẩu có năng lực lao động tất yếu, thích ứng được với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội”; mà nhân khẩu là “người trong một gia đình, một địa phương”. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng nguồn nhân lực là bộ phận của dân số bao gồm những người trong độ tuổi quy định, có khả năng lao động. Cùng với cách tiếp cận nghiên cứu nguồn nhân lực theo hướng này, có ý kiến cho rằng nguồn nhân lực là toàn bộ sức lao động của những người trong độ tuổi lao động, có khả năng huy động trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; hay nguồn nhân lực là nguồn lực con người, bao gồm “tổng thể các chỉ số phát triển con người mà con người có được nhờ sự trợ giúp của cộng đồng xã hội và sự nỗ lực của bản thân; là tổng thể số lượng dân và chất lượng con người; là tổng thể sức mạnh thể lực, trí lực, kinh nghiệm sống, nhân cách, đạo đức, lý tưởng, chất lượng văn hóa, năng lực chuyên môn và tính năng động trong công việc mà bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội”.

Với những khái niệm trên, dù tiếp cận nghiên cứu nguồn nhân lực ở góc độ nào cũng cho thấy nguồn nhân lực có quan hệ chặt chẽ với dân số, là một bộ phận quan trọng của dân số. Đây là lực lượng lao động để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Song, tùy theo mục đích tiếp cận mà khái niệm nguồn nhân lực có thể khác nhau. Chính sự đa dạng của việc tiếp cận nghiên cứu cùng với những khái niệm khác nhau về nguồn nhân lực giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách khai thác, sử dụng nguồn nhân lực cho những mục đích khác nhau một cách hiệu quả.

Ở Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, truyền thống, cũng như mục đích và tính chất của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, những người ngoài độ tuổi lao động (bao gồm những người chưa đến tuổi lao động hoặc hết tuổi lao động theo pháp luật Việt Nam) nếu có nhu cầu làm việc và tự nguyện, vẫn được tham gia hoạt động trong các lĩnh vực mà họ có khả năng. Mặt khác, trong chiến tranh, bộ phận dân cư được huy động vào quá trình sản xuất xã hội, thậm chí hoạt động sản xuất quân sự hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động quân sự, quốc phòng khác, có thể ngoài tuổi lao động theo pháp luật hiện hành.

tim-hieu-cong-nghiep-hoa-o-viet-nam-1733583953.jpg
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc dân. Ảnh: Internet

Số lượng nguồn nhân lực được biểu hiện thông qua các chỉ số về quy mô và tốc độ gia tăng của nguồn nhân lực. Các chỉ số về số lượng nguồn nhân lực có quan hệ mật thiết với chỉ số về quy mô và tốc độ tăng dân số. Quy mô dân số càng lớn, tốc độ tăng dân số càng cao, thì quy mô và tốc độ gia tăng số lượng nguồn nhân lực càng lớn, và ngược lại. Trong thực tế, nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực không chỉ phụ thuộc vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội hay chính sách dân số của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ ở mỗi thời kỳ, mà còn phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa, truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc.

Chất lượng nguồn nhân lực thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành bản chất bên trong của nguồn nhân lực, biểu hiện thông qua các tiêu chí như: sức khỏe, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, mức độ lành nghề. Những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực bao gồm thể chất, di truyền, trí tuệ, tình hình phát triển giáo dục, mức sống và tình trạng dinh dưỡng, đời sống tinh thần, văn hóa và hoàn cảnh kinh tế - xã hội; trong đó, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực của quốc gia là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, là điểm xuất phát và chỗ dựa của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Cơ cấu nguồn nhân lực thể hiện ở tỷ trọng lao động của từng ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, vùng kinh tế - xã hội trong tổng số lao động xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, khu vực và thế giới trong mỗi thời kỳ. Ngày nay, sự phát triển nhanh, với nhiều đột biến của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã làm biến đổi cả về nội dung, tính chất cũng như cơ cấu nguồn nhân lực trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai