Ngày 11/12, ông Trần Hữu Thuỳ Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công nhận Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam hay còn gọi là lễ hội điện Hòn Chén(xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo đó, tại Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội truyền thống Điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Điện Huệ Nam(hay Điện Hòn chén) là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Hoạt động được đánh giá tràn đầy màu sắc và sôi động, thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người đến tham dự. Đây cũng được xem là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang tính cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Thông qua hoạt động lễ hội nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích điện Huệ Nam. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận và thu hút khách du lịch đến với Huế.
Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần PoNagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ thần. Bà còn làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ dân trồng cây bồ đề.
Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, người Việt dễ dàng dung hợp được cả một tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng của người Chăm. Có lẽ vị Nữ thần của dân tộc Chăm xét trên bình diện tâm linh có nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt. Đây được xem là sự hòa nhập về tôn giáo hay còn gọi là bản địa hóa . Để ký âm cho danh từ PoNagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi của người Việt hay còn gọi là mẹ Xứ Sở theo tín ngưỡng của các vùng khác như Nha Trang - Khánh Hòa,..
Từ năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Đồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng cho tu sửa và mở rộng vào tháng 3/1832. Sau đó hai năm, đền lại được trùng tu.
Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Đồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Đức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện.
Bởi vậy, sau khi tức vị, năm 1886, vua Đồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ, và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Có một điều kỳ lạ, chính vua Đồng Khánh đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi thánh mẫu bằng "Chị". Theo nguyên tắc xưa, ông vua nào cũng đứng trên các thánh thần trong cả nước, nhưng ở đây vua Đồng Khánh lại hạ mình xuống làm "em" của Mẫu. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây.
Đồng thời, tại Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Nghề thủ công truyền thống Làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.