Chuyện ít biết về ngôi đền nghìn năm tuổi, linh thiêng trấn phía Bắc của Hà Nội

Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - là một trong “Thăng Long tứ trấn”. Ngày nay, đền Quán Thánh nằm trên trục đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Truyền thuyết xưa kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái. Ngài có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa, trừ rùa thành tinh đời Hùng Vương thứ 14. Ngài cũng trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông.

chuyen-it-biet-ve-ngoi-den-nghin-nam-tuoi-linh-thieng-tran-phia-bac-cua-ha-noi-1-1659232168.jpg
Đền Quánh Thánh (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Nhưng có lẽ, câu chuyện về đền Quán Thánh và “Thăng Long tứ trấn” vào thời nhà Lý được người dân biết đến nhiều hơn. Chuyện là, vua Lý Thái Tổ (1010–1028) sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long đã cho lập đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía Bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Từ đó, đền Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long.

Giờ đây, đền Quán Thánh nằm bên bờ Hồ Tây (Hà Nội) cùng tiếng chuông Trấn Vũ đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với người dân. Ngôi đền linh thiêng cũng góp phần tạo nên khung cảnh lãng mạn, nên thơ, không kém phần cổ kính, mang dấu ấn uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
 

 

Bích Liên, Duy Nguyễn