Chế Lan Viên trải nghiệm và kiếm tìm

Chế Lan Viên vẫn là một hiện tượng luôn gợi thức và đánh động cho mình. Ông đã thế và ông vẫn thế. 
nlntv-che-lan-vien-1667271988.jpg
 

Tôi không thuộc số người có vinh dự quen và thân với nhà thơ lớn Chế Lan Viên; càng không được là đồng nghiệp vong niên với ông, như với một vài nhà thơ khác. Nói cho thật lòng, là xa và có chút e sợ. Nhưng sợ, không phải là không kính trọng và khâm phục. Phục những câu thơ giãi bày hoặc đánh động cho tư tưởng của mình.

Nói hộ cho tôi như một trải nghiệm: 

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở 

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn. 

Đánh động cho tư tưởng, cho suy nghĩ của mình về lẽ sống, về cuộc đời: 

Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ, 

Nếu dưới vực sâu còn dũng khí 
….

Khi có hướng rồi đừng sợ đời hết lửa 

Khi đã có gió rồi cuộc sống tự nhiên lên. 

Theo cảm nhận rất riêng của tôi, thơ Chế Lan Viên, trước 1945, với Điêu tàn và Vàng sao là nghiêng về thế giới quan, về nhận thức luận và bản thể luận; còn sau 1945, thơ ông đã chuyển nhanh và dứt khoát sang phạm trù của nhân sinh quan và lẽ sống, ý chí và tình cảm cách mạng. Dĩ nhiên, dẫu có day dứt, có trăn trở nhiều về mình, dẫu luôn luôn đặt cái Riêng, cái Tôi của mình trong cái Chung, cái Ta:

Phá cô đơn “ta” hoà hợp với “người” 

Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể

Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư

Dẫu như thế, hay chính vì những day dứt trăn trở như thế mà ông đã là một nhà thơ sâu sắc, tâm huyết, không chút dễ dàng trong đón nhận cái mới, để xứng đáng được xếp vào hàng đầu của nền thơ Việt Nam gồm nhiều thế hệ. Giàu các ý tưởng mới, thông minh và sắc sảo trong diễn đạt, và là người lao động nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó, ngay từ khi vào nghề cho đến cuối đời, Chế Lan Viên đã và vẫn là hiện tượng tiêu biểu của nền thơ văn Việt Nam hiện đại, nền thơ Việt Nam thể kỷ XX. 

Tôi sẽ không còn có gì hơn để nói nếu không được đọc Di cảo thơ Chế Lan Viên. Một di cảo tiếp tục khuấy động, gây tranh luận, và có mặt làm mới suy nghĩ của tôi trong bối cảnh công cuộc đổi mới hôm nay. Lại thấy ở Chế Lan Viên những suy tư về nghệ thuật trong gắn bó thiết cốt, máu thịt với cách mạng, với cuộc đời, vốn là một mảng đậm, một kênh dẫn rất quan trọng trong thơ Chế Lan Viên sau 1945. Tôi đã đọc hàng chục lần bài Ai? Tôi! để mong tiếp cận một vấn đề của thế kỷ: 

Người lính cần một câu thơ giải đáp với đời 

Tôi ú ớ 

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ 

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ 

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười 
(1987) 

Đọc nhiều lần để suy ngẫm, tự vấn, nhưng quả là cũng không dễ giải quyết hết những băn khoăn cho mình... 

Tôi cũng thấy trở lại một Chế Lan Viên quen thuộc trong những suy tư về chính bản thân nghệ thuật, về văn chương, về thơ, về những gì được xem là lẽ tồn tại, là sứ mệnh cao quý của thơ, nhưng đồng thời cũng lại với bao băn khoăn và hoài nghi về nó: 

Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn 

Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng

Ông đã hoá mây trắng ngang trời hoài niệm

Hoá ra Kiều cao gấp mấy đời ông. 

(Kỷ niệm Nguyễn Du - 1986) 

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu 

Đánh trận giặc cờ lau 

Thế mà không đâu 

Giặc Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận 

Thành ra người dẹp loạn 

Rồi làm tướng làm vua 

Lắm chuyện nhức đầu 

Cho tôi về với cành lau... 

Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa 

Xa tiếng gió xạc xào 

Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ... 

Chỉ nghe danh vọng ầm ào 

Vinh quang xí xố 

Hoa Lư ở đâu? 

Hoa lau ở đâu? 

Hồn ta ở đâu? 

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh - 1988) 

Dù là lợn, lợn cũng có nhiều dị bản 

Phút tranh Tết treo tường, phút mổ thịt dưới dao pha 
(Dị bản - 1988) 

nlntv-chelanvien-1667271250.jpg
Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ 4 từ trái sang, hàng sau) với các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu.

Và dường như từ nghệ thuật, từ nhân sinh quan ông lại đang trở về với thế giới của triết học, với bản thể luận: “Ta là ai?” từng là vấn đề trên ba mươi năm trước, ông dứt khoát gạt bỏ, cho là “ngọn gió siêu hình”, là “câu hỏi hư vô”: 

Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình 

Câu hỏi hư vô, thổi nghìn nến tắt 

Ta vì ai? Khế xoay chiều ngọn bấc 

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh 

Còn bây giờ: 

Con người ngẩng lên trời làm triết học: 

Ta là ai? Về đâu? Hạt móc 

Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? 

Tiếng khóc 

Là ta chăng? 

Vì sao lạc phương trời 

Là ta chăng? 

Ta chưa kịp trả lời 

Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối 

Cậu bé chơi tùng dinh vụt già trăm tuổi

Câu hỏi bé thơ, miệng huyệt trả lời 

(Hỏi? Đáp - 1986) 

Công cuộc đổi mới đất nước diễn ra đã gần 8 năm. Chế Lan Viên đã đi xa 5 năm. Còn 6 năm nữa là hết thế kỷ XX. Những khoảng cách dường như là đã đủ cho không ít phán đoán về những gì đã qua. Nhưng phần tôi, tôi vẫn không dám, vì thấy mình chưa đủ can đảm. Và vì thấy cuộc sống vẫn chưa phải đã thật hội đủ các điều kiện cần thiết cho một nhận thức triệt để, trung thực đến cùng trước bao vấn đề của nhân sinh, của nghệ thuật, trong đó có vấn đề thơ Chế Lan Viên. Trước mắt tôi, Chế Lan Viên vẫn là một hiện tượng luôn gợi thức và đánh động cho mình. Ông đã thế và ông vẫn thế. 

(Bài viết của GS. Phong Lê tại TP Hồ Chí Minh 11/6/1994)

GS. Phong Lê