Câu chuyện về chiến sỹ phi công lái máy bay chiến đấu Phạm Đức Nam.

Đây là một câu chuyện đầy cảm xúc và chi tiết về cuộc đời của phi công Phạm Đức Nam, người đã trải qua những thăng trầm của chiến tranh và cống hiến cho ngành hàng không Việt Nam. 

Tôi tìm đến anh vào một sáng sớm ngày hè, cùng nhau nhâm nhi ly cafe ngắm bình minh. Nhìn những giọt cafe lách tách rơi, lắng đọng trong anh những câu chuyện mà ít khi được nhắc đến. Biết anh đang hồi tưởng lại ngày xưa, cái ngày mà trong cuộc đời phi công anh không bao giờ quên được. Tôi cố gợi lại để anh kể về đời mình, về đồng đội anh, những con người xứng đáng để tự hào và là tấm gương cho các thể hệ trẻ noi theo. Đó là phi công lái máy bay chiến đấu Phạm Đức Nam.

z6664290068390-dad76bf06407c7a52ac1c494ea972862-1748921197.jpg
Chân dung của anh Phạm đức Nam thời lái may bay chiến đấu

Nhấp ngụm cafe, anh bồi hồi kể lại:

Tôi sinh ra tại vùng đất Cát Làng Cẩm Sa (Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nghèo khó vào những năm 50 giữa thế kỷ trước. Sau trận lụt lịch sử năm Thìn 1964, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Một số thoát ly tham gia Cách mạng, một số bị bắt đi lính. Chiến tranh là như vậy, huynh đệ tương tàn. Trong số này nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, nhiều người được phong quân hàm cấp tướng như: Lê Thế Tiệm, Nguyễn Thảng... Có người hiện đang định cư ở nước ngoài, nhưng chúng tôi không định kiến, bởi vì dù sao chúng tôi cũng từng trải qua một thời gian khó, mặc quần đùi, đi chân đất để được đi học và hàng năm vẫn không quên mái trường đã dạy cho mình bước vào đời. Sau trận lụt ấy, tôi và Lê Thế Tiệm thoát ly lên chiến khu làm liên lạc cho cơ quan Kinh Tài, Đặc khu uỷ Quảng Đà.

Cuối năm 1966 tôi được đưa ra Miền Bắc học tập tại trường Học sinh miền Nam Đông Triều, cùng lớp với các anh Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Tuấn Anh, Lê Ngọc Nam... Cuối năm 1972, tôi đang học lớp 10, sau khi Máy bay B52 Mỹ ném bom Phố Khâm Thiên (Hà Nội), Quân chủng Phòng không - Không quân về Trường Đông Triều khám tuyển Phi công để đưa đi đào tạo ở Liên Xô chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ. Sau 32 vòng khám tuyển tôi và Nguyễn Toàn may mắn vượt qua vòng loại với 3 nghìn học sinh để bước vào lớp Dự Khoá bay tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội và cuộc đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ đây.

Những kỷ niệm về người thầy dạy bay đầu tiên năm 1973, thầy dạy lái máy bay sơ cấp L29 đầu tiên cho 4 anh em chúng tôi là Leonhirép (Nga) đã đào tạo 4 anh em chúng tôi trên chiếc máy bay huấn luyện L29 và qua năm tháng, các học trò của thầy đã trưởng thành, trở thành 2 phi công Quân sự và 2 phi công dân dụng. Sau hơn 40 năm, với bao nỗ lực tìm kiếm chúng tôi đã tìm ra được thầy đang sống tại Kiep (Ucraina) và một kế hoạch vạch ra là mua vé máy bay mời thầy sang Việt Nam chơi để thăm đất nước và hiểu về con người Việt Nam. Để gây bất ngờ cho thầy, nhóm đề nghị anh Thế, cơ trưởng máy bay Boing 777 làm kế hoạch bay sang Mascova đón thầy trên chuyến bay đã đặt sẵn vé. Khi máy bay cất cánh từ Moscow về Việt Nam được 15 phút, Cơ trưởng Ninh Minh Thế giao quyền điều khiển cho lái phụ và hỏi Tiếp viên trưởng để biết số ghế thầy ngồi sau đó xuống tận ghế chào thầy, một phút ngỡ ngàng để rồi sau đó thầy mới nhận ra người học trò cũ của mình năm xưa và hai thầy trò ôm nhau trong tiếng cười sảng khoái. Sau đó Cơ trưởng Thế mời thầy lên buồng lái để chứng kiến người học trò điều khiển chiếc máy bay chở hơn 200 hành khách và đã làm thầy xúc động khi biết rằng các học trò ngày xưa mới chập chững bước vào đời bây giờ đã trưởng thành và chính điều đó đã làm cho 2 thầy trò vui và hạnh phúc. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Một chữ cũng thầy, nữa chữ cũng thầy” và quan trọng đó là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi cất cánh vào đời.

z6664290238466-66dc4ff4940a6b951beecb55b5980ea5-1748921188.jpg
Máy bay DC4 bị không tặc

Kỷ niệm về những vụ không tặc ở Việt Nam: sau ngày giải phóng Cơ trưởng Nguyễn Văn Bảy là cán bộ Miền Nam tập kết, có con học trong trường học sinh Miền Nam. Vào những năm đầu giải phóng, chúng tôi là những phi công tiêm kích Mig 21 được đào tạo Liên Xô từ năm 1973 và sau khi tốt nghiệp được biệt phái về tiếp thu các loại máy bay chở khách của Mỹ để lại tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này mang quân hàm Thiếu úy, nhưng là học viên bay do các phi công chế độ cũ kèm cặp. Trong một chuyến bay chở khách từ Sài Gòn đi Rạch Giá - Phú Quốc và về lại Sài Gòn trên chiếc máy bay DC3 số hiệu 509 do cơ trưởng máy bay Nguyễn Văn Bảy, lái phụ Nguyễn Văn Lá (Anh Lá là phi công chế độ cũ ta sử dụng để làm thầy dạy bay cho anh em chúng tôi), thợ máy Nguyên và học viên lái phụ Nguyễn Đắc Hòa, tiếp viên Loan.

Máy bay cất cánh lúc 06h30 ngày 29/10/1977 từ sân bay Tân Sơn Nhất, chở gần 40 hành khách, theo lộ trình, máy bay sẽ đi Rạch Giá trả, đón khách rồi bay tiếp đi Phú Quốc đón khách rồi bay về Tân Sơn Nhất. Từ Sài Gòn đi Rạch Giá 45 phút. Bay khoảng 15 phút thì bọn không tặc hành động. Bọn không tặc có bốn tên. Chúng đi thẳng lên buồng lái, không nói gì, bắn luôn anh Hòa rồi anh Nguyên chết ngay tại chỗ, chỉ để lại anh Bảy - cơ trưởng và anh Lá - cơ phó", rồi gí súng vào đầu cơ trưởng bắt chuyển hướng đi Singapore, thực hiện ý đồ vượt biên.

Hồi đó ngành hàng không dân dụng chưa xảy ra vấn đề gì về an ninh nên cửa buồng lái luôn mở để hành khách ngồi dưới nhìn thấy tổ lái, có cảm giác thân thiện. Chính vì thế mà bọn không tặc mới lên buồng lái dễ dàng như vậy. Công tác an ninh ở các sân bay còn lỏng lẻo, kiểm tra sơ sài, không có máy rà máy soi nên không phát hiện người mang theo vũ khí. Anh Nguyên là cơ giới kiêm thợ máy trên không. Còn anh Hòa đi theo học việc về lái phụ và dẫn đường trên không.

Lẽ ra tôi đi chuyến đó nhưng cuối cùng lại bay chiếc DC6 ra Hà Nội. Chúng bắn anh Nguyên, anh Hòa vì sợ đông người sẽ tấn công, cản đường bọn chúng hành động". Bọn không tặc gí súng vào đầu cơ trưởng và cơ phó, bắt phải bay đi Singapore. Để bảo vệ tính mạng hành khách, tổ lái phải làm theo yêu cầu của chúng. Nhưng tổ lái đề nghị bay qua Utapao (Thái Lan) để tiếp thêm xăng rồi mới bay tiếp sang Singapore. Anh Bảy nói với bọn không tặc: "Các anh là phi công, các anh cũng biết nếu đi Singapore thì không đủ xăng vì máy bay nhỏ. xăng hết, máy bay rớt thì tất cả cùng chết". Sau khi hội ý, không tặc đồng ý đi Utapao. Một tên không tặc trẻ măng nói: "Các chú không được lừa tụi con. Tụi con cũng là phi công, biết hết đường bay. Các chú mà bay vòng về Việt Nam là con bắn ngay!". Ngày đó ở Việt Nam chỉ có một số phi công của Việt Nam Cộng hòa được trưng dụng mới biết tiếng Anh.

Cơ trưởng Nguyễn Văn Bảy chưa từng bay nước ngoài và không biết tiếng Anh để trao đổi với kiểm soát không lưu nước bạn, rồi đường bay nước bạn dài ngắn, hướng đáp như thế nào cũng hoàn toàn không biết. May mắn có cơ phó Lá từng là phi công của Air Vietnam, đã bay đi Singapore, Thái Lan nhiều lần. Cơ phó Lá giúp cơ trưởng Bảy trao đổi với kiểm soát không lưu Thái Lan. Thái Lan chấp nhận cho phép hạ cánh ở Utapao.

Bọn không tặc không cho mở cửa, sợ cảnh sát Thái Lan ập lên. Chúng bắt hành khách ngồi yên tại chỗ, ép phi công gọi qua điện đàm yêu cầu nhà chức trách Thái Lan cung cấp thức ăn, nạp xăng để đi Singapore. Tổ lái phải thả dây xuống kéo thức ăn và nước uống lên. Từ Thái Lan bay qua Singapore hơn 2 tiếng, Singapore từ chối cho phép hạ cánh ở sân bay Changi, yêu cầu hạ cánh tại một sân bay quân sự nhỏ. Khi máy bay hạ cánh, bọn không tặc quăng súng, giơ tay xin đầu hàng, bàn giao máy bay, tổ lái và hai thi thể, xin tị nạn chính trị. Hai ngày sau, Singapore trao trả máy bay và hành khách cho Việt Nam, 4 tên không tặc bị giữ lại xử theo luật pháp Singapore về tội cướp máy bay, 90% hành khách xin ở lại cư trú chính trị nhưng không được chấp nhận.

Cục Hàng không đã cử máy bay sang Singapore để đưa chiếc DC3, tổ lái và hành khách về. Khi đó Việt Nam và Singapore chưa đặt quan hệ ngoại giao, chưa thiết lập đường bay thẳng từ Việt Nam sang Singapore. Bay qua đó rất khó khăn, phải bay vòng. Trước tình huống đó, Chính phủ Singapore đã cấp phép cho Việt Nam bay riêng một chuyến trực tiếp từ Việt Nam qua.

Thi thể anh Nguyên, anh Hòa được ướp cho vô hòm kẽm, chở riêng một chuyến bay. Tất cả khách đi một máy bay khác. Qua một đêm về, tóc anh Bảy bạc hết. Ảnh kể mấy tiếng trên máy bay dài như trăm năm. Bị bọn không tặc gí súng vào đầu. Hai đồng nghiệp chết nằm ngay sau lưng mình. Anh bay trong trạng thái vô cùng căng thẳng nhưng phải bình tĩnh để đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay. Về người đồng đội, người bạn thân hi sinh trong chuyến bay bị không tặc, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn không quên được điều gì, Anh Hòa đã hy sinh thay cho tôi trong khi còn rất trẻ (Lẽ ra tôi đi chuyến bay ấy, nhưng vì có việc ở Hà Nội, nên chiều hôm trước đã đổi cho Anh Hòa, tôi bay DC6 ra Hà Nội). Thiếu úy Nguyễn Đắc Hòa được truy phong Trung úy. Gia đình ở Lạng Sơn rất khó khăn, không thể đưa về quê nên anh được chôn cất ở Thủ Đức.

Sau vụ không tặc chấn động này, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trang bị cho tổ lái mỗi người một súng ngắn K54 và gia cố lại cửa buồng lái, đồng thời quy định cửa buồng lái luôn luôn đóng. Tiếp viên khi đưa nước, thức ăn cho tổ lái phải gõ cửa theo ám hiệu riêng. 20 chiến sĩ của trung đoàn 144 (Trung đoàn bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và cơ quan Bộ Quốc phòng) được đưa sang Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam để làm cảnh vệ trên không, đi theo bảo vệ các chuyến bay dân sự. Mỗi người được trang bị một khẩu súng ngắn K54. 

z6664293665609-0096dd0b175702e4b0a3117d0610d0fd-1748921197.jpg
Thầy dạy lái máy bay Leonhireb và 4 học trò từ  trái qua: Phạm Đức Nam, Thượng tướng phi công cấp 1 Phương Minh Hoà; Thầy Leonhireb; Đại tá phi công cấp 1 Bùi Minh Tiến; Cơ trưởng Boing 777 Ninh Minh Thế.

Kỷ niệm về chuyến bay bị cướp lần thứ hai tại Việt Nam 

Phi hành đoàn gồm: Cơ trưởng Phạm Đức Nam, cơ phó Hương, Tiếp viên: Cúc & Thanh. Phi hành đoàn đã anh dũng chiến đấu chiến thắng không tặc. Trong một chuyến bay thương mại chở khách từ Đà Nẵng đi Buôn Mê Thuột ngày 26/8/1978 mang số hiệu DC4 501. Khi máy bay cất cánh được gần 10 phút bất ngờ 4 tên không tặc dùng vủ khí khống chế cảnh vệ và bắt ép tiếp viên lên gọi tổ lái mở cửa.

Mục đích của chúng là khi tổ lái nhận được tín hiệu gõ cửa theo quy định hàng ngày của tiếp viên sẽ mở cửa và chúng sẻ lợi dụng sơ hở này để xông vào buồng lái bắt ép phi hành đoàn bay đến một quốc gia khác nhằm thực hiện ý đồ vượt biên. Biết được điều đó nên 2 cô tiếp viên kiên quyết chống lại và chúng dùng súng bắn bị thương. Nghe tiếng súng nổ, Phi hành Đoàn chủ động xin phép đài Kiểm soát Không lưu quay lại hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng đồng thời dùng súng bắn thẳng xuyên qua cửa để ngăn chặn.

Sau thời gian cố gắng xông lên để phá cửa buồng lái không được, chúng dùng quả lựu đạn ném lên, mục đích phá được cửa buồng lái xông vào hoặc là cùng chết. Lựu đạn nổ, máy bay chòng chành nhưng may mắn thay không bị cháy. Khi qua sông Cẩm Lệ máy bay tiếp tục đối chuẩn đường băng để hạ cánh thì 2 tên không tặc mở cửa và nhảy xuống sông và bị chết ngay, tên chỉ huy còn ngồi lại với vợ con và sau đó bị bắt. Phi hành đoàn đã dủng cảm chiến đấu và bắn chết một tên ngay trước cửa máy bay và quan trọng hơn là hạ cánh bảo vệ tính mạng cho gần 70 hành khách trên chuyến bay an toàn. Chiếc máy bay sau đó được sửa chữa lại và vẫn hoạt động bình thường cho đến ngày 28/9/1978.

Ngày Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng mở phiên tòa tuyên án tử hình người cầm đầu cũng là ngày chiếc máy bay này làm nhiệm vụ chở lúa giống giúp tỉnh Savanakhet và Pakse (Lào) trên đường bay làm nhiệm vụ bổng nhiên bị bốc cháy khi bay gần qua biên giới Việt Lào. Phi hành Đoàn phải quay lại hạ cánh khẩn cấp xuống Cồn Nổi Sông Vu Gia đè chết bà Luơng Thị Tư đang hái dâu. Số phận của chiếc máy bay cũng được định đoạt đúng vào ngày tuyên án tử hình đối với Đại uý An, người chủ mưu. Tất cả các thành viên Phi hành đoàn vẫn sống khỏe và hàng năm vẫn gặp nhau nhân sinh nhật lần thứ 2 vào ngày 28/6. 

z6664299116299-430ac3773ee40ce8baa04a3b2a3b10e8-1748921197.jpg
Huỳnh Thị Thu Cúc là tiếp viên bị bắn khi chống lại không tặc 

Xin cám ơn cuộc đời đã mang đến sức khỏe cho các thành viên viên Phi hành đoàn vì họ đã có lòng dũng cảm bảo vệ mạng sống của hàng chục người dân vô tội. Đó là những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời mà tôi đã từng trải qua, trở về với đời thường 15 năm qua tôi tiếp tục làm công tác Tộc họ để kết nối bà con họ Phạm Quảng Nam – Đà Nẵng là một khối thống nhất.

Phong Phạm