Cánh tay robot biết "nghe, hiểu tiếng Việt" của học sinh Tiền Giang

Lương Đàm
Đây là một trong những giải pháp tiêu biểu trong 43 giải pháp, được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2020 - 2021 do đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, nhất là việc ứng dụng công nghệ 4.0 về Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).
em-pham-mai-man-nhi-cong-su-nghien-cuu-voi-thac-si-le-trung-kinh-dang-dieu-khien-hoat-dong-cua-canh-tay-robot-1641698474.jpg
Em Phạm Mai Mẫn Nhi, cộng sự nghiên cứu với thạc sĩ Lê Trung Kính đang điều khiển hoạt động của cánh tay robot

Nhằm khắc phục một số nhược điểm của cánh tay robot dùng cho người khuyết tật hiện có như: Chỉ có cẳng tay và bàn tay, chưa có nguyên cánh tay trong khi chi phí lắp lại khá cao (vài chục triệu đồng một cánh tay), thầy Lê Trung Kính và em Nguyễn Mai Mẫn Nhi (Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang) đã dày công nghiên cứu, sáng chế ra "Cánh tay robot thông minh dành cho người khuyết tật" tích hợp giữa Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo theo công nghệ 4.0.

Đa số cánh tay giả dành cho người khuyết tật hiện có, chủ yếu giúp cầm, nắm đồ vật, chưa ứng dụng công nghệ 4.0 và điều khiển bằng IoT, trong khi sáng chế của thạc sĩ Lê Trung Kính đã nghiên cứu đưa ra 02 mô hình ứng dụng: Cánh tay robot nguyên và cánh tay robot cụt (sử dụng tùy theo tình trạng của người khuyết tật tay).

Về cấu tạo, cánh tay robot nguyên gồm có 05 bậc: Khớp, vai-bắp, tay-cẳng, tay-bàn, tay-ngón tay. Các chi tiết kết cấu bằng nhựa được in bằng máy in 3D. Trong đó, bàn tay có các khớp ngón tay có thể co duỗi dễ dàng thông qua lệnh điều khiển; bắp tay là nơi chứa các động cơ servo điều khiển ngón tay; khớp khuỷu tay có 01 servo xoay để co duỗi cánh tay; khớp vai có 01 servo để xoay cánh tay. Cánh tay robot cụt sử dụng các servo để co duỗi các ngón tay kết hợp sử dụng cảm biến dẻo (flex sensor) nhằm điều khiển cử chỉ, thao tác từng ngón tay. Khi co duỗi ngón tay thì cảm biến dẻo biến dạng làm thay đổi điện trở và truyền tín hiệu sang tay giả, giúp ngón tay giả cử động theo. Cánh tay này chủ yếu để hỗ trợ người khuyết tật làm những việc cần đến hai tay hoặc sử dụng nó trong môi trường nguy hiểm, độc hại.

Theo thạc sĩ Lê Trung Kính, cả 02 loại cánh tay này đều tích hợp trợ lý ảo (Google assistant), một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, có thể phân tích lời nói, đặc biệt có khả năng nghe hiểu và trả lời bằng tiếng Việt, giúp tra cứu thông tin, giải trí.

Về khả năng ứng dụng, cánh tay nguyên hỗ trợ người cụt nguyên cánh tay nhờ khớp vai xoay được 360 độ và 05 bậc chuyển động nên rất linh hoạt (cánh tay thật chỉ xoay 180o), có thể điều khiển qua điện thoại sử dụng hệ điều hành Android bằng app. Cánh tay này có thể nâng vật nặng khoảng 09kg (cánh tay giả khác chỉ cầm nắm, nâng vật nặng một vài ký). Cánh tay nguyên có thể lắp cố định trên giá hoặc thành giường để hỗ trợ bệnh nhân không đi lại được có thể thao tác, lấy đồ dùng cá nhân. Riêng cánh tay cụt có thể hỗ trợ người bị mất cẳng tay, nhất là khi cần làm việc cả 02 tay.