Báu vật nhân văn sống của đại ngàn Tây Nguyên

Đến với vùng đất cực bắc Tây Nguyên chúng ta sẽ được đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi đây là một vùng văn hóa cổ. Từ di chỉ khảo cổ học Lung Leng, Plây K’rông đến Đắk Wơt, Đăk Pha, Đắk Phía... và mới đây lại là những "Pơ tâu tho nhi” (những thanh đá biết kêu) được phát hiện ở Chư Tan K’ra huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum mà những nhà chuyên môn gọi là Đàn đá.
Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.
Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.

Câu chuyện huyền thoại

Câu chuyện được bắt nguồn từ “con người huyền thoại”. Anh là A Huynh người làng Plây Chốt thị trấn Sa Thầy, được sinh ra trong một gia đình từ đời cổ rồi đến đời ông nội và bố của anh đều là chủ làng (Phun Plây) mà ta thường gọi là tầng lớp trên của xã hội cũ. Do là tầng lớp trên nên gia đình anh sớm được tổ chức cách mạng để ý và tranh thủ nên đã trở thành một trong những gia đình cơ sở cách mạng sớm nhất ở vùng tây - bắc Kon Tum. Bản thân A Huynh cũng là Cựu chiến binh, ngoài lao động sản xuất và các hoạt động xã hội thì niềm vui nhất của anh là khi một mình ở rẫy dưới chân núi Chư Tan K’ra với những “Pơ tâu tho nhi”.

Rẫy nhà A Huynh ở dưới chân núi Chư Tan K’ra, cách Plây Chốt khoảng 15 km. Đường đi qua những cánh rừng cao su bạt ngàn và những rẫy mì xanh tốt. Đến nơi đây, mọi người ai nấy đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ và huyền bí nhưng đầy chất thơ mộng của một khu vườn rộng chừng 3 ha, gồm có rừng, rẫy, ao, ruộng. Vẻ thơ mộng càng được tôn thêm bởi bàn tay của chủ nhân là một người mang tâm hồn nghệ sỹ. Con suối Ia Lân trong vắt chảy qua càng làm cho khung cảnh thêm hữu tình, lãng mạn.

Theo A Huynh cho biết, khu rẫy nhà anh có từ thời ông cổ, cho đến đời ông nội thì vẫn du canh. Bố anh là ông A Huyết, ông là người nổi tiếng khắp vùng về sự giàu có trước đây, còn sau này nổi tiếng bởi công lao đóng góp cho cách mạng. Đến đời bố anh thì ông dung lên ở khu này một ngôi nhà khang trang không kém gì nhà ở trong làng. Kho lúa có cả chục cái, trâu, bò, heo nằm chặt gầm sàn.

Gia đình A Huynh mỗi anh chị em được bổ chia cho một khu rẫy, bản thân A Huynh không thích các rẫy gần làng, mặc dù làm rẫy ở những nơi ấy thuận tiện nhiều bề. Anh vào nhận rẫy ở Chư Tan K'ra bởi tiếng của “Pơ tâu tho nhi” đã thấm vào trong máu thịt, “Pơ tâu tho nhi cứ vọng mãi trong lòng anh từ hồi còn thơ bé, khi còn trên lưng mẹ, mỗi khi vào mùa, cha anh thường sắp đặt những “Pơ tâu tho nhi” để đuổi chim, đuổi thú...Ông nội của A Huynh là cụ A Nới, thừa hưởng kinh nghiệm của các đời trước, cụ đã tìm những thanh đá biết kêu dọc suối la Lân để đuổi chim, đuổi khi khi chúng vào phả rẫy. Lúc đầu chỉ một thanh lớn và dùng hòn đá nhỏ để gõ, sau đó ông sắp đặt 3 thanh tạo nên giai điệu như tiếng goong (3 chiếc chiêng có núm trong một bộ chiêng). Anh kể, anh không được gặp mặt ông nội, nhưng không biết từ khi nào anh đã nghe bố anh gọi những thanh đá này là những “goong pơ tâu” (chiêng đá).

Đàn đá – Linh hồn dân tộc Tây Nguyên
Đàn đá – Linh hồn dân tộc Tây Nguyên

“Báu vật nhân văn sống”

Trong những năm ở quân ngũ, A Huynh đã từng nghe qua đài, tivi rằng ở Khánh Hòa, Đăk Lăk cũng có đàn đá. Ở đấy họ biết dùng sức nước để tạo nên một giàn đàn đá 7 chiếc, 12 chiếc và không còn là để đuổi chim, đuổi thú nữa mà để giải trí, để phục vụ nghiên cứu, phục vụ khách tham quan. A Huynh liên tưởng đến “goong pơ tâu” của mình ở Chư Tan K’ra.

Sau ngày xuất ngũ anh lại gắn bó với khu rẫy ở Chư Tan K’ra. Cùng những thanh đá sẵn có trước đó ở quanh nhà, rồi những lần ngăn suối la Lân bắt cá anh tìm thêm được nhiều thanh đá biết kêu khác. Cứ lặng lẽ một mình cùng với những “goong pơ tâu” ở rẫy mỗi khi rảnh rỗi, cho đến một năm gần đây trong đợt Hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện Sa Thầy, A Huynh đã đưa “goong pơ tâu" lên sân khấu, không phải là 3 thanh mà là 12 thanh, đủ bộ như một bộ chiêng goong của người Gia Rai. Những làn điệu dân ca Gia Rai như Hát tỏ tình, giao duyên, đối đáp, hát ru em...đã làm cho tất cả những người có mặt trong đêm hội diễn ngỡ ngàng, bởi nó rất hay và lạ. Đặc biệt là đối với những cán bộ chuyên môn. Đàn đá cùng cái tên A Huynh nổi tiếng từ đó.

Quả thật, tiếng đàn đá của A Huynh khi thì trầm hùng như dội từ vách núi, khi thì réo rắt như tiếng gió của đại ngàn, khi thì, róc rách, lãnh lót... làm cho người nghe, người được chứng kiến hết sức ngạc nhiên và thán phục. Anh em trong đoàn chúng tôi không ai hiểu gì về âm nhạc, nhưng khi được nghe A Huynh tâm sự bằng những âm thanh của đàn đá, chúng tôi cảm thấy tâm hồn mình tháng hoa một cách khó tả. Nghe tiếng đàn đá của A Huynh, chúng tôi tưởng như mình đang nghe tiếng vọng từ ngàn xưa của đại ngàn gửi lại.

Theo chúng tôi, những thanh đá biết kêu hơn cả “Pơ tâu tho nhi" (đá biết kêu) mà nó là “goong pơ tâu", không chỉ có giá trị về lĩnh vực âm nhạc, về di sản văn hóa của người Gia Rai và cả vùng Bắc Tây Nguyên mà nó còn có giá trị về lịch sử. Lịch sử một vùng đất mang dấu vết cư trú của con người cách đây 2 - 3 ngàn năm của thời kỳ đá mới, đến sơ kỳ đồ đá cách chúng ta hàng vạn năm thông qua hệ thống các di chỉ khảo cổ học thời đại đá ở Sa Thầy mới được phát hiện và khai quật mấy năm gần đây.

Mối liên hệ này chúng tôi chưa dám khẳng định mà là trách nhiệm của các nhà khoa học chuyên ngành. Chúng tôi chỉ nói rằng, “goong pơ tâu” ở chư Tan K’ra, Sa Thầy, Kon Tum là một vốn di sản văn hóa quý báu và chủ nhân của nó, nghệ nhân A Huynh là “Báu vật nhân văn sống” cần được tôn vinh, bảo tồn và gìn giữ.

 

TW Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam sưu tầm