Báo chí và dư luận xã hội với việc hình thành niềm tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay (Phần 1)

Đinh Thảo
Đặc điểm nổi bật của báo chí chính là tính công khai, tính định hướng và sự lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp. Và vì vậy, định hướng dư luận xã hội là một chức năng rất quan trọng của báo chí.
bao-chi-1698652381.jpg
Phóng viên đang tác nghiệp (Ảnh: TTXVN)

1. Mối quan hệ giữa báo chí và dư luận xã hội với việc hình thành niềm tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực hiện nay

Báo chí là một trong những loại hình truyền thông phổ biến của xã hội và ảnh hưởng của nó đối với xã hội là hết sức rộng lớn. Theo quan niệm phổ biến từ trước đến nay, báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền tải những thông tin thời sự, chính sách có tính định kỳ đến với đông đảo công chúng trong xã hội. Đặc điểm nổi bật của báo chí chính là tính công khai, tính định hướng và sự lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp. Và vì vậy, định hướng dư luận xã hội là một chức năng rất quan trọng của báo chí.

Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự. Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến cá nhân giống nhau, có thể rộng (tuyệt đại đa số, nhiều ý kiến) hoặc hẹp (một số ý kiến). Dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tuy nhiên, chỉ có những thông tin về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự, tức động chạm đến lợi ích, các mối quan tâm hiện có của nhiều người mới có khả năng tạo ra dư luận xã hội. Chính vì vậy có thể coi tất cả các ý kiến nhận xét, đánh giá, đòi hỏi, yêu cầu, mong muốn, nguyện vọng, kiến nghị, khuyến nghị… của các tầng lớp nhân dân đối với các sự kiện, hiện tượng, vấn đề, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…đều có thể gọi là dư luận xã hội.

Báo chí và dư luận xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Báo chí với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng có chức năng cung cấp thông tin để hình thành và định hướng dư luận xã hội. Và do đó báo chí trở thành một trong những kênh thông tin chính thống, tin cậy để hình thành dư luận xã hội, định hướng dư luận xã hội. Dư luận xã hội thường là kết quả của thông tin báo chí, đó là sự phán xét, đánh giá chung của các nhóm xã hội đối với các thông tin liên quan đến các vấn đề mà họ quan tâm. Dư luận xã hội không chỉ là kết quả quả do báo chí đem lại mà nó còn tác động trở lại đối với báo chí, theo nghĩa đặt ra những yêu cầu, những gợi mở để báo chí có trách nhiệm tiếp tục thông tin đầy đủ, toàn diện và chính xác hơn về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề đáng diễn ra trong đời sống xã hội. Điều đáng lưu ý là, dư luận xã hội có thể đúng nhiều, đúng ít. Dù có đúng đến mấy thì dư luận xã hội vẫn có những hạn chế, không nên tuyệt đối hóa khả năng nhận thức của dư luận xã hội. Mặt khác dù có sai đến mấy trong dư luận xã hội cũng có những hạt nhân hợp lý, không thể coi thường. Chân lý của dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính chất phổ biến của nó. Không phải lúc nào dư luận của đa số cũng đúng hơn là dư luận của thiểu số. Cái mới lúc đầu thường chỉ có một số người nhận thấy do đó dễ bị đa số phản đối.

Niềm tin cái mà con người ta cảm nhận và tin tưởng vào một điều gì đó. Nó có thể đúng, có thể sai, có thể tốt nhưng cũng có thể xấu, tuy nhiên khi người ta đã tin tưởng sẽ trở thành động lực thúc đẩy hành động của con người theo cách cảm nhận của họ. Chính vì thế cho nên các nghiên cứu đều cho rằng, niềm tin của một con người là kết quả hợp thành và tác động lẫn nhau của các yếu tố nhận thức, tình cảm, ý chí và mang khuynh hướng thúc đẩy hành động. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng coi niềm tin là một trạng thái biểu hiện của ý thức xã hội. Do đó, niềm tin luôn phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội và trình độ phát triển của cộng đồng. Niềm tin không phải là bất biến, tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế, vào nhận thức của con người mà niềm tin có thể thay đổi. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, niềm tin có vai trò quan trọng trong việc quyết định những hành vi của chủ thể và góp phần vào quá trình phát triển xã hội.

Khi nói niềm tin của nhân dân là nói đến niềm tin của số đông, của đại đa số người dân trong cộng đồng, xã hội. Theo quan điểm của các nhà tâm lý học, niềm tin là một trạng thái đặc biệt của tình cảm, tâm lý của con người. Do đó, niềm tin được xem xét trong sự biến đổi của các quy luật tâm sinh lý, là quá trình cá nhân tự nhận thức, trải nghiệm dẫn tới sự hình thành cảm xúc, nhân cách, lý tưởng và lối sống. Còn theo quan điểm của các nhà xã hội học, thì niềm tin không đơn thuần chỉ là cảm xúc hay ý thức của cá nhân mà nó gắn với xã hội, mang tính xã hội. Do đó niềm tin luôn gắn với các mối quan hệ xã hội, ý thức cộng đồng trong những hoàn cảnh lịch sử, không gian và thời gian nhất định. Trong hoạt động nhận thức, niềm tin chính là kết quả của quá trình nhận thức chân lý khách quan. Khi có niềm tin sẽ giúp con người say mê tìm tòi, khám phá, hiểu biết và sáng tạo. Trong hoạt động thực tiễn, niềm tin giúp con người biến nhận thức thành hành động, biến khả năng thành hiện thực. Từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình định hướng, tìm tòi, sáng tạo. Và do vậy, nhận thức có vai trò định hướng cho hành vi, lựa chọn hành vi của mỗi người.

Niềm tin chỉ có thể hình thành trên cơ sở chủ thể được tiếp nhận những thông tin khách quan, chân thực và khoa học trong quá trình nhận thức các sự vật, hiện tượng, vấn đề xã hội đã và đang diễn ra. Chính vì lẽ đó, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành niềm tin cho nhân dân. Với chức năng của mình, báo chí giúp cho người dân tiếp nhận được đầy đủ thông tin, hiểu được bản chất sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội đã và đang diễn ra một cách chân thực, chính xác, qua đó bày tỏ thái độ, quan điểm của mình. Thái độ ủng hộ hay phản đối của người dân, của cộng đồng đối với sự kiện, hiện tượng, vấn đề đó chính là dư luận xã hội. Tùy theo tỷ lệ ủng hộ hay phản đối đối với sự kiện, hiện tượng, vấn đề có thể đo lường được mức độ hình thành niềm tin của nhân dân do báo chí mang lại. Tất nhiên cũng cần nhắc lại rằng, không phải lúc nào dư luận của số đông cũng đúng hơn dư luận của số ít người.

Vấn đề cần quan tâm của dư luận xã hội chính là ở chỗ nó là sản phẩm tư duy phán xét của cá nhân mang nó, thể hiện quan điểm, thái độ của cá nhân trước các hiện tượng, sự kiện, vấn đề mà họ quan tâm. Cho nên, dư luận xã hội lúc đầu có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng khi lan rộng, càng có xu hướng thống nhất về nội dung phán xét, hoặc tích tụ thành một vài luồng cơ bản. Điều này hoàn toàn ngược lại với xu hướng của tin đồn. Và như vậy, có thể khẳng định báo chí và dư luận xã hội có vài trò rất to lớn và quan trọng trong việc hình thành niềm tin của nhân dân đối với mọi sự kiện, hiện tượng, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội.

Hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay chính là vấn đề xã hội có tác động lớn đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ. Vì vậy, thông tin của báo chí và phản ứng của dư luận xã hội về tiến trình và kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có giá trị hình thành, củng cố và nâng cao niềm tin chính trị của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI – 1986: “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta” (1); góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Đến Đại hội lần thứ IX – 1996, qua 20 năm thực hiện, Đảng ta nhận thức, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời yêu cầu phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nhận thức là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (2). Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều bàn và ra nghị quyết, chỉ thị, kết luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tham nhũng, tiêu cực là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Các nghiên cứu về tham nhũng, tiêu cực cho thấy đây là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ xã hội có nhà nước với những mức độ khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Mặc dù vậy, để tìm ra được cách thức, biện pháp đặc trị, hiệu quả căn bệnh trầm kha này đang là vấn đề không đơn giản đối với các quốc gia. Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003: “Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng”. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam đã xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Như vậy, về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư” (3). Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân.

Tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đã giải thích, so với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xác định đây là cái gốc của tham nhũng.

Tổng Bí thư kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng” (4). Phòng, chống tham nhũng, lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Và đây chính là lý do từ tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực. Có thể khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng thì báo chí và dư luận xã hội có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nó trực tiếp cung cấp thông tin chính thống, hình thành và định hướng dư luận xã hội góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh đầy cam go và nhạy cảm này. Báo chí góp phần tìm hiểu, phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để hỗ trợ các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc; đồng thời bám sát vụ việc, kết quả phòng chống, tham nhũng để kịp thời thông tin tạo lập dư luận xã hội đúng đắn, qua đó hình thành, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ xã hội. Sự phán xét của dư luận xã hội về cái đúng, cái sai, cái được và chưa được của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại thông qua báo chí được phản hồi đến Đảng, Nhà nước, các cơ quan phòng chống, tham nhũng, tiêu cực để có sự điều chỉnh phù hợp về chủ trương, cách thức, biện pháp đấu tranh đảm bảo sự công tâm, khách quan, chính xác và hiệu quả.

2. Báo chí và dư luận xã hội với việc hình thành niềm tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí và dư luận xã hội có vai trò đặc biệt, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực thông qua thực hiện chức năng của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng; vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận. Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công bước đầu trong cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí.

Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012), công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào thực chất, có bước đột phá chiến lược với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả tích cực với 04 kết quả nổi bật: (i) Về phát hiện, xử lý: Đã kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (04 Uỷ viên Bộ chính trị, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, 36 Ủy viên, nguyên Ủy viên trung ương); đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo; xử lý hình sự 37 cán bộ diện Trung ương quản lý. (ii) Xây dựng, hoàn thiện thể chế: Đảng đã ban hành 250 văn bản; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh; Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hơn 2.000 nghị định, hướng dẫn. (iii) Công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, xây dựng văn hóa liêm chính; (iv) Mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của báo chí và dư luận xã hội.

Một là, báo chí đã góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… của Đảng; các bộ luật, pháp lệnh của Quốc hội, các nghị định, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền của địa phương… liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều được các cơ quan báo chí trung ương và địa phương kịp thời tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, thống nhất tư tưởng và hành động, đồng thời định hướng dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Nói cách khác, báo chí giúp nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng vào việc “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5). Từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và diệt trừ tận gốc tệ tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, không chỉ tuyên truyền một chiều, báo chí đã thông qua dư luận xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của quần chúng nhân, qua đó tích cực tham ra phản biện, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như tham mưu, đề xuất những sáng kiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả.

Hai là, báo chí chủ động phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra, xem xét.

Trong Điều 4 của Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Như vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ví dụ: Qua thư bạn đọc; qua việc phản ánh, tố cáo của người dân, từ đó báo chí xác minh tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện điều tra bằng các biện pháp đặc thù của nghề nghiệp… Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh, khởi nguồn là do báo chí bắt đầu từ việc phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Từ đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí đưa ra trước ánh sáng công luận, giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, đối tượng theo đúng quy định pháp luật.

Báo chí còn có công phát hiện, điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công như chúng ta đã biết. Báo chí cũng đi đầu trong việc phản ánh dư luận xã hội đối với nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc con ông, cháu cha” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương… Nhiều “ung nhọt” trong một số cơ quan công quyền, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…, qua đó giúp cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, góp phần đem lại kết quả tích cực cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian qua.

Ba là, báo chí kịp thời thông tin về tình hình và kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nhân dân giám sát, đánh giá và tham gia.

Báo chí không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Do vậy, báo chí phải truyền tải thông tin kịp thời, khách quan về tình hình và kết quả điều tra, xem xét của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí có thể tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị về tính khách quan, công bằng trong việc điều tra, xét xử của các cơ quan chức năng trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; hoặc đề xuất những giải pháp về chính sách, hay những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn để Đảng và Nhà nước điều chỉnh, sửa đổi.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, con mắt, đôi tai của quần chúng nhân dân chính là những “ngọn đèn pha” có thể soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp... Mối quan hệ giữa báo chí với nhân dân là mối quan hệ hai chiều, một chiều thông qua các nội dung thông tin đa dạng được chuyển tải, báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Chiều ngược lại, nhân dân chính là “tai mắt”, là nguồn cung cấp thông tin vô cùng quý giá của báo chí. Người dân có thể phản ánh về những vấn đề mình quan tâm, đặc biệt là những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra, trong đó có nạn tham nhũng, tiêu cực thông qua các nhà báo và cơ quan báo chí. Thực hiện hiệu quả mối quan hệ đó, báo chí thực sự trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và tạo được lòng tin trong nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển đa dạng của báo chí như hiện nay, thông tin của người dân cũng đã có nhiều kênh để đến với các nhà báo, các cơ quan báo chí, như qua số điện thoại đường dây nóng, qua thư điện tử hay các phương thức giao tiếp trực tuyến khác.

Người dân có thể nhanh chóng cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan đến các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà báo chí đưa lên công luận trong những năm qua là bắt nguồn từ sự phát hiện, tố giác của quần chúng. Qua những thông tin như vậy, cơ quan chức năng đã vào cuộc và không ít vụ việc đã được làm rõ, người vi phạm đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Bốn là, dư luận xã hội góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Dư luận xã hội có các chức năng: Đánh giá, giám sát; tư vấn, phản biện; giáo dục; điều tiết các mối quan hệ xã hội; giải tỏa tâm lý - xã hội. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội có thể phát huy các chức năng này để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh. Chức năng đánh giá, giám sát của dư luận xã hội giúp cho các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nắm bắt được thái độ phán xét, đánh giá, ý kiến phản hồi của nhân dân đối với tiến trình, kết quả xử lý của từng vụ việc, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót để điều chỉnh, sửa chữa, uốn nắn. Điển hình như vụ án cô giáo Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Như chúng ta đều biết, ngày 24/4/2023, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, với cáo buộc chiếm đoạt gần 45 triệu đồng từ ngân sách nhà nước. Nhưng ngày 13/6/2023, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung xuống mức án 15 tháng tù.

Theo dõi vụ án này có thể thấy, sau khi Tòa án huyện Hưng Nguyên tuyên án thì dư luận xã hội có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên nổi trội và chiếm số đông là sự bày tỏ thái độ bất bình, không đồng tình với mức án đó. Để lý giải về điều này, các ý kiến đều cho rằng, dù bị cáo Dung đúng là phạm tội, nhưng với số tiền đã chiếm đoạt 45 triệu đồng mà tuyên phạt mức án 5 năm tù là quá nặng, nếu đem so sánh với các vụ án tham nhũng đã chiếm đoạt tiền tỷ đã từng xảy ra. Ở đây, chúng ta không phán xét sự đúng sai của pháp luật, của dư luận xã hội về vụ việc này, nhưng việc Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên giảm án từ 5 năm xuống 15 tháng tù cho bị cáo Lê Thị Dung, phải chăng chính là do tác động từ sự phản hồi của dư luận xã hội - kết quả đánh giá, giám sát của nhân dân.

Chức năng tư vấn, phản biện của dư luận xã hội giúp cho Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có cơ hội tiếp thu những sáng kiến của nhân dân. Bởi như Chủ thịch Hồ Chí Minh đã nói: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được, cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở thành dễ dàng và làm được tốt”. Quần chúng nhân dân tạo thành “thiên la địa võng” để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc (6). Chức năng giáo dục của dư luận xã hội có tác dụng lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng, qua đó răn đe, cảnh tỉnh những người có chức, có quyền phải biết rèn luyện, tu dưỡng bản thân để giữ mình liêm chính, chí công vô tư; đồng thời tôn vinh, lan tỏa những tấm gương tiêu biểu, trong sáng, liêm khiết của những cá nhân, tổ chức không tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ, từ đó phổ biến và nhân rộng trong xã hội.

Chức năng điều tiết các mối quan hệ xã hội của dư luận xã hội là thông qua dư luận lên án, tạo sức ép đối với những nhóm cực đoan, phản đối có tư tưởng bảo vệ, bao che cho những cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm cho họ phải “chùn bước”; đồng thời tỏ thái độ ủng hộ, cổ vũ các các quan điểm, hành vi quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực vì lợi ích của đất nước. Nhờ sự can thiệp kịp thời như vậy, dư luận xã hội đã góp phần làm cho cái tốt, cái đẹp lấn át cái xấu; cái tích cực, tiến bộ đẩy lùi cái tiêu cực, lạc hậu, qua đó duy trì trật tự xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội cũng như giữa các nhóm xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực. Chức năng giải tỏa tâm lý – xã hội của dư luận xã hội giúp cho người dân nói chung, những nhóm xã hội nói riêng, hoặc từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thể giãi bày tâm trạng, chia sẻ những bức xúc, kể cả nỗi oan ức liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, qua đó giải tỏa tâm lý, tạo sự cân bằng, hài hòa các mối quan hệ xã hội.

Năm là, dư luận xã hội là sự phản ánh thái độ, niềm tin của nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dư luận xã hội luôn phản ánh các mức độ khác nhau về thái độ, niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo. Có quan điểm cho rằng, niềm tin cũng có niềm tin tích cực và niềm tin tiêu cực. Niềm tin tích cực, là loại niềm tin mang lại cho con người một cảm giác đặc biệt, có tác dụng hướng dẫn đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn, trở thành động lực thúc đẩy con người hoàn thành những mong muốn, dự định để đạt được mục tiêu của mình. Còn niềm tin tiêu cực là biểu hiện ngược lại với niềm tin tích cực, nó xuất hiện khi mà con người tự cho rằng những điều họ suy nghĩ, quan sát, cảm nhận được là tiêu cực. Loại niềm tin này sẽ luôn khiến con người ta rơi vào cảm giác lo lắng, bất an, thiếu năng lượng tích cực, dẫn đến có tư tưởng buông xuôi mà không nỗ lực cố gắng trong hành động, hoặc nếu có hành động thì đó là những hành động mang tính chất tiêu cực.

Với những kết quả đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực của Đảng ta đạt được trong hơn mười năm qua, đã không chỉ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng tiêu cực trong bộ máy công quyền, doanh nghiệp… mà còn góp phần quan trọng trong việc hình thành, củng cố niềm tin tích cực của nhân dân vào Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và chế độ đối với tham nhũng, tiêu cực. Điều đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng từ kết quả đó, nhiều tổ chức đảng các cấp, các ngành, nhiều cá nhân có chức vụ, quyền lực bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Và khi thông tin về các vụ kỷ luật, các vụ án tham nhũng được báo chí công bố với số tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, bị thất thoát lớn thì dư luận xã hội cho thấy, một bộ phận nhân dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, bất an, thậm chí bi quan. Bởi họ cảm thấy, dường như bất kỳ lĩnh vực nào, bất cứ ai có chức, có quyền đều có thể trở thành đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Ở đây, rõ ràng dư luận xã hội đã phản ánh thái độ, niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Mặc dù xu hướng của dư luận xã hội vẫn cho thấy đa số quần chúng nhân dân có niềm tin tích cực, thể hiện ở thái độ đồng tình, ủng hộ, cổ vũ tích cực cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Nhưng, dù chiếm số ít hơn, song qua dư luận xã hội cũng cho thấy phần nào về niềm tin tiêu cực đang tồn tại trong một bộ phận nhân dân về cuộc đấu tranh này. Đây chính là điều đáng lo ngại, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách khai thác kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, bôi nhọ, làm mất uy tín để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi vì, những ai đang có tâm trạng tiêu cực như trên rất dễ bị lừa gạt, dụ dỗ, kích động dẫn đến có những thái độ, hành vi bất mãn, thiếu kiểm soát.

(Còn nữa)


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2006, t. 55, tr. 237.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 193.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.7, tr.355.

(4).http://dukcqtw.dcs.vn/cam-nang-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc duk15919.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, t.10, tr.543-546.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 10 trang 495, 496. (6). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, t.10, tr.543-546.

PGS, TS. Phạm Huy Kỳ Nguyên (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền)