Bản lĩnh và bi kịch Nguyễn Trường Tộ (Phần 2)

Tất cả các ý tưởng canh tân nằm trong các bản điều trần kiên trì trong suốt 10 năm, đăng lên Tự Đức và Cơ mật viện đã không được thực hiện.
nguyen-truong-to637732162424107446-1718535048.jpg
“Trạng Tộ” xứ Nghệ trong vòng xoáy thời cuộc đầy biến động. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Một câu hỏi có thể đặt ra: Giá những ý tưởng đó được trình bày sớm hơn! Nhưng sớm hơn là vào lúc nào? Có thể là vào thời Gia Long, hoặc Minh Mệnh cho đến Thiệu Trị, như trong Di thảo số 55: “Triều đình ta trong khoảng từ Gia Long đến thời Minh Mệnh hợp tác với người phương Tây, thường phái thuyền du hành các nước trở về dần dần được hưng thịnh. Nếu không có lệnh đóng cửa đuổi khách ban mà theo đường lối ấy cho tới ngày nay thì ta cũng có thể sánh vai dong ruổi cùng thiên hạ và người Pháp cũng không thể tác oai tác quái với chúng ta được”. 

Nhưng sự trạng có thể diễn ra như thế được không? Bởi Gia Long còn biết bao mối bận tâm lớn hơn, như việc tận diệt Tây Sơn, việc xây dựng một bộ máy chuyên chế theo mô hình Trung Hoa sau ba thế kỷ rã rời trong phân tranh. Đất nước được nhất thống nhưng lại diễn ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân khiến triều đình luôn phải căng thẳng trong đối phó và trừ diệt. Trong một hoàn cảnh như thế khó mà xuất hiện các ý tưởng canh tân; và vẫn cứ phải chờ đến Nguyễn Trường Tộ, như là người phát ngôn đầu tiên do một ngẫu nhiên (hoặc tất yếu) của lịch sử. Nhưng lịch sử đã quá khắc nghiệt với chúng ta: tình hình đã quá muộn!

Lý do trước hết là ở tình cảnh nguy khốn, nước sôi lửa bỏng của đất nước. Giặc đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây... Trong triều là loạn Đoàn Trưng khiến Tự Đức suýt mất ngôi... Thứ đến là ở tầm nhìn thiển cận của triều đình, kể từ thời Gia Long, khi bộ phận đầu não trong tổ chức Cơ mật viện đều là những người già bảo thủ nên bất cứ việc gì vua hỏi cũng đều phân văn không quyết, mà quyết làm sao được, bởi tìm đâu ra lời giải trong những tên tuổi của Trung Hoa cổ đại, như Y Doãn, Chu Công - Tiêu Hà, Hàn Tín; hoặc quyết theo hướng đóng cửa, đẩy xa hơn những mâu thuẫn dẫn tới xung đột, mà mỗi lần xung đột là một lần thất thế, mất đất, tốn người, hao của... Và cuối cùng, quan trọng hơn cả và căn bản hơn cả, là tình thế chung của đất nước lúc ấy còn chưa có một cơ sở kinh tế - xã hội làm hậu thuẫn trong phương thức sản xuất phong kiến còn khép kín. 

Qua nội dung các bản điều trần đề cập mọi mặt tình hình nội trị và bang giao của đất nước, thấy Nguyễn Trường Tộ quan tâm trước hết đến các đối sách ngoại giao. Có một tầm nhìn xa, do kiến văn rộng, nên lịch sử nhân loại từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây Nguyễn Trường Tộ đều sớm nắm hiếu, chứ không mơ hồ hoặc mù mịt như triều đình, để không bất ngờ trước sự nhòm ngó của Tây dương và những hiểm nguy luôn rình rập. Từ thế kỷ XVII, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Hà Lan đã đến Đàng Ngoài, người Bồ Đào Nha vào Đàng Trong.

Trước đó đã có người Tàu, Nhật, Xiêm, về sau là Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... “Quân ngư tranh thực”, nếu triều Nguyễn biết lợi dùng tình thế ấy để cho những kẻ ngoại xâm kiềm chế lẫn nhau, thì tình hình đất nước diễn ra có thể khác đi chăng? Đương nhiên với Gia Long thì nhất thời Pháp đã từng là ăn nhân nền nhận được nhiều ưu đãi cũng là phải. Và Chaigneau, Vannier - những người cùng xông pha trận mạc với Nguyễn Ánh từng được mang tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn và giữ những chức quan trong triều...

Nhưng qua ba đời vua, cho đến Tự Đức thì tình hình đã khác. Chiến thuyền giặc đã đến trước cổng. Súng đã nổ. Kẻ cướp đã vào nhà... Tuy cùng một màu da, và đến từ một hướng, nhưng thủ đoạn và tâm địa của các vị khách không mời này là có khác nhau. Gộp tất cả vào chung một bị, và cùng một chính sách bài ngoại triệt để là thiếu mềm dẻo, thiếu thông minh, theo cách nghĩ của Nguyễn Trường Tộ.

Luôn nung nấu tìm cách ứng phó với các vị khách sao cho có lợi, để không mất lòng ai, ông đã sớm thấy ở Nhật Bản người đồng văn, đồng chủng với ta, một tấm gương rất đáng noi theo. Trong di thảo số 55, di thảo cuối cùng sau khi đã về quê, ông viết: “Xem Nhật Bản xưa là một lũ người lùn, từ Trung Diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp chủng quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng ra thiên hạ mới có được chí hướng lớn như vậy.

Từ đó, họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Như trước đây ba năm, Anh, Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ có Hợp chủng quốc, Hà Lan phân giải mà việc đã không xảy ra. Đó không phải là công dụng của sự giúp đỡ của các nước hay sao? Còn như ngày nay nước ấy có những kế hoạch giao thiệp rộng rãi, những mưu cơ tân tiến thì đâu đâu người ta cũng đã nghe thấy rõ ràng, gương ấy không xa, không cần phải nêu ra nữa.

screenshot-2-1718535335.png
Lính Nhật dù thể hình nhỏ bé nhưng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Ảnh: Wikipedia

Còn như đối diện với nước ta là Xiêm La. Nước ấy trước đây chẳng có thế lực hùng mạnh gì. Nhưng từ khi người Tây quấy động khiến họ chợt tỉnh thức, bèn lấy Anh, Pháp làm bạn, lấy Ý, Bồ làm khách, mời hết tất cả các nước trên thế giới tới buôn bán, du lịch, còn nước ấy thì nghiễm nhiên thành một ông chủ nhà lớn đàng hoàng..” 

Những đột phá của Nhật Bản và một số nước láng giềng có khởi điểm giống ta từ đầu thế kỷ XIX đã được bắt đầu bằng những ứng xử ngoại giao như thế; và chỉ cần vài chục năm họ đã thay đổi thực trạng, thay đổi hình dạng. Còn ta thì ngập trong khói lửa; mà khói lửa đã bùng lên và lan rộng như cảnh nhà cháy thì còn làm được gì (“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy. Mất ổ bầy chim dáo dác bay. Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” - Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu), để càng đánh càng thua, dẫu ý chí bất khuất và lòng yêu nước thì dư thừa. Còn sự khéo léo, khôn ngoan trong cách lựa thế, và lợi dụng mâu thuẫn của đối phương, để tránh binh đao, và nhân đó mà có thời gian rộng hơn cho tăng cường nội lực bản thân ta đã không tạo được. 

Mở rộng cửa cho các quan hệ bang giao, cho sự buôn bán, đi lại, và cho việc giảng đạo - để tạo một bối cảnh hòa bình cho việc củng cố và xây dựng đất nước. đó là đối sách thích hợp mà tất cả các triều vua, cho đến Tự Đức đều không nhận ra. Chờ đến 1884 - khi phải ký Hòa ước mất nước thì đã là quá muộn. Tác dụng tiêu cực của mọi cấm đoán là điều rõ ràng. Cho đến đầu XX mới được giải tỏa ít nhiều trong hoạt động của phong trào Duy tân, chủ trương mở cửa để học hỏi, đón nhận các ánh sáng văn minh; và đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo. “Nào ai có vị gì Tây. Mà xem người đạo ra ngay người thù” (Phan Bội Châu)...

GS Phong Lê