Ấn Độ: Gãy chân nằm viện vẫn bị sếp bắt đi làm

Một nhân viên văn phòng tại Ấn Độ mới đây đã trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội sau khi từ chức vì bị cấp trên ép quay lại làm việc dù đang bị gãy chân và phải nằm viện.

Câu chuyện được lan truyền mạnh mẽ sau khi đoạn tin nhắn WhatsApp giữa anh và người quản lý được chia sẻ trên nền tảng Instagram, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về văn hóa công sở độc hại đang tồn tại trong không ít doanh nghiệp hiện nay.

Theo nội dung cuộc trò chuyện được công bố, sau khi nhân viên báo rằng anh bị gãy chân do tai nạn xe đạp và đang điều trị tại bệnh viện, vị quản lý thay vì thể hiện sự quan tâm lại lập tức yêu cầu anh đi làm ca thứ sáu tới.

work-pressure-during-illness-1749549786.webp
Dư luận Ấn Độ phản đối môi trường làm việc độc hại tại nhiều công ty ở quốc gia này

Trước lời từ chối lịch sự với lý do bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường trong vài ngày, người quản lý tiếp tục gây áp lực: “Bác sĩ thường lo xa. Tôi cần anh có mặt thứ Sáu. Tôi có thể kiếm cho anh một cái ghế ngồi.”

Khi nhân viên nhấn mạnh rằng anh sẽ chỉ quay lại làm việc nếu bác sĩ đồng ý, người sếp ngay lập tức chuyển giọng: “Anh mới vào làm được hai tuần mà đã xin nghỉ.”

Không chịu nổi thái độ lạnh lùng và thiếu thấu cảm, nhân viên này quyết định chấm dứt mọi tranh luận bằng một câu nói dứt khoát: “Vậy tôi sẽ giúp anh dễ dàng hơn. Tôi xin nghỉ việc.”

Dư luận ủng hộ mạnh mẽ quyết định từ chức

Câu chuyện sau khi được chia sẻ bởi tài khoản @BenAskins, người thường đăng các ví dụ điển hình về môi trường công sở độc hại, đã nhận được hàng chục nghìn lượt bình luận ủng hộ nhân viên và chỉ trích hành xử của vị quản lý.

Nhiều người chia sẻ họ từng rơi vào tình cảnh tương tự: bị yêu cầu đi làm ngay cả khi đang chấn thương, sốt cao hoặc mất người thân. Một người viết: “Tôi từng bị bong gân chân mà vẫn bị gọi đi làm. Khi tôi yêu cầu ghế kê chân thì họ đưa thùng rác kim loại.”

Một người khác kể: “Tôi bị chấn thương đầu gối, họ bảo tôi: ‘Không đứng một chân được à?’ Ngay khi tôi hỏi về cái ghế, họ quay lại nói ‘chúng tôi không có trách nhiệm với chuyện đó.’”

Dù được chia sẻ trong bối cảnh mạng xã hội, câu chuyện trên đã làm nổi bật một thực tế nhức nhối: trong khi doanh nghiệp ngày càng nhấn mạnh đến “phúc lợi” và “văn hóa nhân sự tích cực”, thì không ít nhà quản lý vẫn coi nhân viên như cỗ máy, chỉ cần đáp ứng hiệu suất, bất chấp điều kiện sức khỏe hay hoàn cảnh cá nhân.

Trong thời đại mà khái niệm “well-being” đang trở thành chuẩn mực quản trị mới, các hành vi thiếu thấu cảm như vậy không chỉ làm tổn thương người lao động, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức.

Vân Anh (Theo Economic Times)