Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu

Võ Việt
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu".

Tham dự Hội thảo, có PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Hoàng Văn Hải - Cố vấn cấp cao Tập đoàn Đèo Cả; TS. Khổng Quốc Minh - Cục Sở hữu trí tuệ; ThS. Kiều Thị Thành - chuyên gia tư vấn tái cấu trúc, M&A và IPO. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý địa phương và đội ngũ doanh nhân.

hoi-thao-3-1702997671.jpg
PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu Việt có vai trò hết sức quan trọng cho phát triển cộng đồng doanh nghiệp và cho phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt càng có nhiều ý nghĩa hơn.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có một số chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu, tiêu biểu như Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành “Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó nêu rõ: “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phấn đấu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế”. Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình, hoạt động đa dạng về phát triển thương hiệu, trong đó nòng cốt là Chương trình "Thương hiệu quốc gia Việt Nam”... Tuy nhiên, ở góc độ hạn chế, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ.

hoi-thao-1-1702997671.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

PGS.TS Bùi Quang Tuấn đánh giá, thương hiệu hàng Việt Nam còn mờ nhạt trong con mắt người tiêu dùng nước ngoài. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chưa dựa nhiều vào giá trị. Vì vậy, thông qua Hội thảo này, các nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ cần thảo luận sâu, đa chiều về vấn đề quan trọng này, đề xuất giải pháp và kiến nghị về chính sách đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới cho các nhà hoạch định chính sách cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Xuyên suốt Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất rằng, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ. Nội dung các chiến lược thương hiệu không được định vị một cách rõ ràng, dẫn đến hiệu quả của việc xây dựng và phát triển thương hiệu không cao.

hoi-thao-2-1702997671.jpg
Các đại biểu phát biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Vì vậy, cần phải nhận diện thực trạng, khó khăn và thách thức của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu; xác định những cơ hội cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh mới; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Nguyễn Liên