Vũ Đình Liên với “ông đồ" và “những người muôn năm cũ”

Đinh Thảo
Ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, phía dối diện với Đại sứ quán Pháp, bên cạnh trụ sở Trung ương Đoàn, mấy năm gần đây lại thấy trở lại cái thú chơi “bán” chữ Nho của các ông đồ.
ong-do-1704856527.jpg
Ông đồ viết thư pháp (Ảnh: Internet)

Cái thú chơi... không hẳn thế! Mà là một quan hệ cung cầu đang nảy nở trong nền kinh tế thị trường. Có người muốn mua chữ, nên có người bán chữ. Một đôi câu đối. Một khổ thơ. Một lời chúc, cho chính bán thân hoặc cho ai đó. Một bút tích... Số không ít người xin chữ lại là các ông Tây. Còn người cho chữ cũng có dáng những ông đồ... Tây, với bơludông, comlê, càvạt. Nơi ngã tư này mấy năm nay đang sống lại kỷ niệm về những ông đồ mỗi dịp xuân về “bày mực tàu giấy bản”, mà bài thơ của Vũ Đình Liên (1) là chứng nhân duy nhất ra đời cách đây ba phần tư thế kỷ; và vẫn còn là một nỗi luyến nhớ kéo dài suốt cuối thế kỷ.

Hình ảnh Ông đồ vẫn như thấp thoáng đâu đây trong mưa phùn, gió rét và sắc đào.

Cũng phảng phất đâu đây, nơi ngã tư này hình ảnh nhà thơ tuổi ngoài tám mươi, tác giả Ông đồ, đã trở nên quen thuộc, xuất phát là căn gác 55 Trần Nhân Tông - Bà Triệu xuôi đê La Thành hoặc ngược Bờ Hồ. Rồi rẽ qua Kim Liên sang Chùa Bộc, nơi nhà thơ thường lui tới. Rồi xa hơn về phía Nhân Mục (làng Mọc)... Nhà thơ tuy mắt kém nhưng lại vẫn rất quen chân trên các lối đi thân thuộc. Nhà thơ nơi khóe miệng thường như mấp máy một câu chuyện với riêng mình, và tâm trí dường như đang mải miết đuổi theo một mục tiêu, vừa thơ vừa đời, vừa xa xôi vừa gần gũi. Xa xôi - là những hình ảnh thơ của ông tổ tượng trưng Baudelaire mà Vũ Đình Liên không lúc nào không ôm ấp nguyện vọng được chuyển tải sang ngôn ngữ Việt. Cả một cặp da to phồng bản dịch Baudelaire luôn luôn ở bên mình, khiến bè bạn có người nói đến Vũ Đình Liên như một Bôđơ Liên. Và gần gũi - là những chuyện đời chung quanh ông, dệt thành cuộc đời ông. Chuyện của những bạn nghề là nhà giáo, nhà thơ. Chuyện những đám trẻ quá quen với ông già phúc hậu thường được ông an ủi, chuyện trò và chia kẹo. Chuyện những địa chỉ bạn bè có con em là liệt sĩ thường ông không bao giờ quên đến thắp hương và có quà vào những ngày tưởng niệm. Vũ Đình Liên, là thế. Nhà thơ đã vào tuổi tám mươi mà thường xuyên trên đường. Không phải tha thẩn mà đi nhanh. Thoắt khuất mặt ở một hẻm nào đấy, rồi lại xuất hiện trên đường, mải miết trong hành trình của tâm tưởng.

Đời thơ Vũ Đình Liên bắt đầu ở tuổi hai mươi, gây xao động và để lại dư âm mãi mãi chỉ ở một bài thơ Ông đồ. Một bài thơ 5 khổ, 25 câu, 125 chữ. Chữ nào cũng giản dị. Lời nào cũng nhỏ nhẹ. Chữ và lời kín đáo nép bên nhau như ủ ấp một tình cảm thầm kín; như muốn nén lại, không chút ồn ào. Thế nhưng toàn bài thơ lại là sự đan dệt rất nên họa, nên thơ một chân dung sống động và sắc nét về một con người, một lớp người đang tàn phai; và vẫn đang gắng gỏi sống nốt phần sống tàn phai của nó ở một buổi giao thời và giao tranh mới - cũ. Sự tàn phai nào mà chẳng gợi xót xa! Thế nhưng ở đây nỗi xót xa như lớn hơn, như càng được nhân lên nơi một cái nhìn về họ, của những người chung quanh và của các lớp sau, ẩn trong cái nhìn của tác giả. Một cái nhìn có gì như hối lỗi về một sự vô tâm và thờ ơ, dẫu là vô tình hoặc cố ý:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Bài thơ không chỉ làm sống lại một chân dung. Mà còn làm sống lại cả một thời, với một thế giới người xem ra lúc nào cũng chen chúc, cũng nô nức, cũng ồn ào, đến từ làng quê và kẻ chợ mỗi lúc xuân về, tết đến. Họ đang đi sắm tết. Và hàng tết sao mà thiếu được các tranh tết, các câu đối tết. Họ đến với Ông đồ. Nhưng rồi con số khách đến với ông cứ thưa dần, thưa dần, “mỗi năm một vắng”. Cho đến ngày không còn ai ghé đến, nhưng Ông đồ vẫn ngồi đấy! Rồi cho đến ngày, Ông đồ cũng không còn ở đấy nữa. Và nhà thơ thảng thốt kêu lên:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Không hẳn là hoài cổ. Cũng không hẳn là sự tiếc nuối một thời xưa, như trong những Chiếc cáng xanh, Mùa cổ điển. Mà là một tiếc nuối cho tình người, tình đời. Cho sự gắn nối xưa và nay, lịch sử và hiện tại. Mối dây gắn nối ấy mới mong manh làm sao! Trong mong manh con người bông thấy chơi vơi và có phần rợn ngợp.

Sau Ông đồ, bẵng đi rất lâu, Vũ Đình Liên thôi không làm thơ. Lý do, như ông từng nói đến: ông luôn luôn “có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình... Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”. Sự thực thì lâu lâu hồn thơ vẫn trở lại với ông nhưng tâm lực của ông, suốt một thời gian dài đã dồn vào nhiều công việc khác, của một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học và nhà dịch thơ. Và cũng là sự thực, ông không có bài thơ nào vượt lên khỏi đỉnh cao Ông đồ. Năm khổ thơ khiêm tốn cách đây ba phần tư thế kỷ hình như vẫn lưu luyến nơi gương mặt phúc hậu của ông, nếu không nói là vẫn tỏa bóng lên cuộc đời ông. Không nói đến sự phân thân, sự hóa thân của Ông đồ mấy năm nay nơi sinh hoạt ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.

Quả như có một sợi dây nghĩa tình vô hình mà rất bền chặt. gắn nối hai đầu thế kỷ nơi hình ảnh Ông đồ của Vũ Đình Liên. Và với chính nhà thơ Vũ Đình Liên, người đã ra đi theo chân những Ông đồ xưa, ở tuổi trên tám mươi.

Nhà thơ tuổi Sửu, sinh năm Quý Sửu, dáng cần mẫn, vất vả và gương mặt chân tình, phúc hậu, lặng lẽ đi và lẩn vào dòng người trên các đường phố Hà Nội là hình ảnh đã trở nên quen thuộc trong ngót chục năm gần đây. Cũng vẫn hình dáng ấy, gương mặt ấy như một nhớ nhung, một hoài niệm trên dòng chảy của thời gian.

Tháng 11 năm 1996


(1) 12-11-1913 - 18-1-1996.

Phong Lê