Về một số thần đồng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (Phần 3)

Trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, “nước lấy người làm gốc. Trong đó nhân phẩm có cao thấp không giống nhau. Trên có vua, quan sửa sang chỉnh đốn việc nước, dưới có các sĩ phu, kẻ xuất người xử. Người hiền hay không có khác nhau, thì nước trị hay loạn do đó mà có khác. Cho nên bàn đến việc đời, phải phân biệt nhân tài”(154).
nguyen-ky-1683257476.jpeg
Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (Ảnh: Truyện cổ tích)

9. Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (1518–?)

Nguyễn Kỳ, người xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc thôn Bình Dân, xã Tân dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Ông là người đỗ đạt cao nhất của xã Bình Dân và của huyện Đông Yên khi đó, đồng thời là một trong 8 vị Trạng nguyên của tỉnh Hưng Yên ngày nay.

Tương truyền, khi ông mới lên 3 tuổi, được cha mẹ đem gửi vào nhà chùa xin làm con nuôi. Năm lên 4 tuổi, ông chỉ nghe nhà sư tụng kinh, đã thuộc nhiều kinh Phật. Các nhà sư và du khách đến vãn cảnh chùa đều gọi là thần đồng trong vùng. Sau đó, ông được nhà chùa sáng cho đến trường học, chiều trở về nhưng vẫn phải làm mọi việc trong chùa, còn tối đến, ông chăm chỉ học hành nhờ vào ánh sáng các ngọn nến từ điện thờ Phật hắt ra.

Năm Tân Sửu (1541), “họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Kỳ, Phạm Công Sâm, Nguyễn Thế Lộc đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Quang 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Nguyên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”(174). Sử gia Phan Huy Chú cho biết thêm thông tin về khoa thi niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541), Nguyễn Kỳ là người đỗ đầu kỳ thi Đình (Đình nguyên) và được vua Mạc Phúc Hải chọn là người đỗ đầu Đệ nhất giáp (Trạng nguyên). Sau khi đỗ, ông làm đến chức Hàn lâm viện Thị thư.

Tên tuổi của Trạng nguyên Nguyễn Kỳ hiện nay vẫn được lưu danh bia đá tại Văn chỉ Bình Dân (huyện Khoái Châu), Văn miếu Xích Đằng (tỉnh Hưng Yên) và Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội).

nguyen-minh-triet-1683257487.jpg
Di tích đền Cao tại xã An Lạc - quê hương Thám hoa Nguyễn Minh Triết (Ảnh: Giáo dục Thủ đô)

10. Thám hoa Nguyễn Minh Triết (1578-1673)

Nguyễn Minh Triết, người làng Dược Sơn huyện Chí Linh (nay là thôn Lạc Sơn, phường An Lạc, thành phố Chí Linh, Hải Dương). Ngay từ thuở nhỏ, “ông nổi tiếng là ngang với thần đồng làng Hoạch Trạch/75, văn học giỏi”(176).

Ông là một tâm gương học tập không ngừng cho sĩ tử thời bây giờ, dù tương truyền khi ông đến cầu mộng ở chùa Hương Hải, được thần nhân báo mộng “có học đến già cũng không đỗ”, nhưng ông vẫn quyết chí theo gương của Hàn Dũ khi xưa “càng không đỗ càng học”. Kết quả là, tuy đỗ đạt muộn (khi đã 54 tuổi) nhưng mức đỗ của ông lại cao (Thám hoa) và đỗ đầu tất cả các kỳ thi từ thi Hội, thi Đình đến thi Ứng chế. Cảm phục tài năng, nghị lực của ông, trực tiếp vua Lê Thần Tông đã ngự bút đổi tên thành Nguyễn Thọ Xuân.

Nguyễn Minh Triết “là người văn hay học rộng, được thời ây suy tôn. Nhưng, thi đỗ muộn, tiến lên cõi thọ gần trăm tuổi, cũng là việc ít thấy ở đời. Truy tặng Hộ bộ Thượng thư, tên thụy là Văn Đẩu” (177).

le-quy-don-1683257476.jpg
Tượng đài Lê Quý Đôn tại Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: baotanglichsu.vn)

11. Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784)

Lê Quý Đôn, người xã Duyên Hà huyện Duyên Hà (nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng ham học, thông minh và có trí nhớ siêu đẳng, cho nên người đương thời truyền tụng: Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn (nghĩa là: Thiên hạ có điều gì không biết thì cứ đến hỏi Bảng Đôn), bởi vì ông là Túi khôn của thời đại, là nhà bác học lớn của nước ta thời quân chủ. Với tài trí của mình, ông đã đỗ Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương), Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội) và Bảng nhãn (vì khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông là người đứng đầu). Sử gia Phan Huy Chú từng đánh giá: “Năm lên 2 tuổi đã biết hai chữ "chi, vô", thử hàng trăm lần cũng không sai. Năm lên năm tuổi ông học Kinh Thi, đọc được 10 dòng một lúc, chữ nào ngờ không bao giờ phải hỏi một lần nữa. Năm 12 tuổi ông học khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử, không sách nào là không thông suốt. Văn ông rộng rãi, tao nhã, sâu sắc, cầm bút là xong ngay. Năm 16 tuổi, thi một lần đỗ Giải nguyên. Năm 29 tuổi, đỗ Nhất giáp tiến sĩ, tên đứng thứ 2 khoa Nhâm Thân năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752); từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ thứ nhất. Vì đỗ cao ra làm quan nên nổi tiếng trong triều ngoài nội” (178).

Sau khi thi đỗ, ông được bổ dụng và giữ nhiều chức nhiệm ở trong triều ngoài trấn, như Hàn lâm viện Thừa chỉ, Bí thư các Học sĩ, Quốc sử quán Toản tu, Quốc Tử Giám Tư nghiệp, Công bộ Thượng thư... Đặc biệt, ông là người đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều và hiểu nhiều, cho nên các tác phẩm để lại của ông rất có giá trị tham khảo cao về lịch sử, văn hóa, cụ thể như Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục..., xứng đáng là người có “tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời” (179).

Người cha của ông là Lê Trọng Thứ (1693-1783, đỗ Tiến sĩ năm Quý Mão - 1723) cũng nổi tiếng là thần đồng của xứ Sơn Nam khi đó.

nguyen-van-cam-1683257476.jpeg
Tái hiện chân dung Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm trên sân khấu chèo (Ảnh: Báo Nhân dân)

12. Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929)

Nguyễn Văn Cẩm, người làng Trung Lập phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng đã sớm nổi tiếng là thần đồng. Chỉ trong mấy hộm đọc, ông đã thuộc hết sách Tam tự kinh, lên 7 tuổi đã lầu thông kinh sử và các thể thơ, phú; 8 tuổi đã tham dự kỳ thi khảo hạch ở tỉnhđể chọn người dự kỳ thi Hương. Các quan trong Hội đồng khảo hạch thấy ông còn quá nhỏ, liền thử tài bằng vế đối: Bát tuế nhân xưng kỳ, kỳ phùng hữu nhật (nghĩa là: Tám tuổi người khen lạ, có ngày gặp chuyện lạ). Ông liền đối lại: Thất niên thân dĩ sĩ, sĩ chính cập thời (nghĩa là: Bảy tuổi đầu đã là sĩ tử đi thi). Cảm mến tài năng của ông, quan cho người dâng sớ tâu về triều đình Huế. Vua Tự Đức xem và ban cho hai chữ Kỳ Đồng.

Tài năng của ông cũng được người Pháp rất quan tâm, muốn thu phục nhưng đều bị ông từ chối. Trong một bức thư viết bằng tiếng Pháp năm 1908 có đánh giá về ông, khi “7 tuổi đã có khả năng hiểu biết trời cho, cả nước biết tên. Người Pháp nghi kỵ, bèn đem đi an trí, cuối cùng không thể làm hại được, đành cho vào trường học. Sau 3 năm đèn sách, đã tốt nghiệp phổ thông. Khắp các kỹ thuật sở trường cốt yếu các nước, không gì không rõ”.

Không dừng lại ở đó, ông cương quyết chống Pháp, cho nên chúng bắt ông và đày đi Tahiti và mất ở đó vào năm 1929.

Bên cạnh 12 nhân vật nổi tiếng là “thần đồng” nêu trên, qua các nguồn tài/tư liệu khác nhau, còn có thể kể đến những nhân vật được người đương thời ngợi ca tài giỏi, có tiếng là “thần đồng”, đó là: Đặng Nghiêm, Đào Sư Tích (1350-1396); Lê Nại (1479- ?), Hoàng Bồi (1525-1592), Phó Thanh Chủ (1607-1674), Đoàn Thị Điểm (1705-1748), Nguyễn Trung Mậu (1785-1846), Phan Thúc Trực (hay Phan Dưỡng Hạo: 1808-1852), Đặng Huy Trứ (1825-1874), Vũ Phạm Hàm (1865-1906), Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), Nguyễn Văn Cừ (1912-1941), Hàn Mặc Tử (1912-1940), Trần Đăng Khoa (sinh năm 1958) (180).

(Còn Tiếp)


(174) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Sđd, tr. 122.

(175) Đó là Nhữ Đình Toản ở làng Hoạch Trạch, "lúc trẻ đã thông minh, việc học hỏi sẵn nếp nhà", sau đó được người "thời bấy giờ khen là danh thần".

(176) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 458.

(177) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 458.

(178) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 465.

(179) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 466.

(180) Còn rất nhiều nhân vật khác nữa, ví như sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng chép, "ông Nguyễn Quang Thành có tiếng là thần đồng, 24 tuổi thi đỗ tiến sĩ xuất thân năm Canh Thân, Lê Chính Hoà (1680). Ông làm quan trọng triều giữ chức Thiêm đô ngự sử”, hay trong bài viết "Các nhà khoa bảng Bắc Ninh được mệnh danh là thần đồng", tác giả Lê Viết Nga đã thống kê về Lý Đạo Tái (1254-1334), Nguyễn Nghiêu Tư (1383- ?), Dương Như Châu (1448- ?), Nguyễn Siêu Hải (1651-1709), Quách Giai (1660-1730)...

TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)