4. Trạng Lường Lương Thế Vinh (1441-1497)
Lương Thế Vinh, người làng Cao Hương huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định). Ngay từ lúc 6 tuổi, ông đã là người tinh thông chữ nghĩa, “đã từng có tiếng khen là thần đồng (161)
Khoa thi Quý Mùi (1463), ông đỗ Trạng nguyên (khi mới 22 tuổi), vào thị ứng chế (trực tiếp do vua Lê Thánh Tông ra đề và chấm đỗ), tên của ông cũng đứng đầu tiên. Việc đỗ đại khoa của ông cũng gắn với giấc mơ của Hoàng Thái hậu Quang Thục Ngô Thị Ngọc Dao, khi bà “có mộng thấy đến chỗ Thượng đế, Thượng đế cho một tiên đồng làm con nối và một tiên đồng giúp việc. Tỉnh dậy có mang, sinh ra Thánh Tông. Đến khoa ấy lấy ông đỗ, Thái hậu ngắm hình dáng, đúng như đồng tử thấy ở trong mộng, trong bụng lấy làm lạ, có bảo với vua, vua cũng cho việc ấy là lạ. Vả vua thích văn chương ông, mới cho ông luôn luôn gần mình giúp về thư từ” (162)
Sau khi thi đỗ đại khoa, ông từng giữ nhiều chức nhiệm, như Công khoa Cấp sự trung, Hàn lâm viện Trực học sĩ, Hàn lâm viện Chưởng viện sự, kiêm quản cả Sùng văn quán và Tú lâm cục... Tài năng của ông không chỉ gắn với công trình Đại thành toán pháp (nhất là khả năng tính toán và đo lường, cho nên dân gian thường gọi ông là Trạng Lường), mà còn nổi danh với nước lân bang, vì “phàm việc tờ bối giao thiệp với nước ngoài, ông đều vâng mệnh nghĩ soạn, tiếng sang đến Trung Quốc, người Minh khen là nước ta có người giỏi” (163).
5. Tiến sĩ Đàm Văn Lễ (1452-1505)
Đàm Văn Lễ, người xã Lãm Sơn huyện Quế Dương (nay thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh), “lúc bé ông đã nổi tiếng thần đồng, thi Hương đỗ Giải nguyên; năm 18 tuổi, mới đi một lần đã đỗ Đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm Quang Thuận thứ 10 (1469)”(164)
Sau khi đỗ, ông từng giữ các chức Hàn lâm viện Hiệu lý, Hàn lâm viện Thị thư, Đông các Hiệu thư, Phó đô Ngự sử, Tả xuân phường Hữu dụ đức, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ... Ông có hai lần đi sứ nhà Minh (năm 1488 và 1500), hai lần được tín nhiệm để soạn văn bia là bia Chiêu Lăng (ca ngợi vua Lê Thánh Tông) và bia Kính Lăng (viết về vua Lê Túc Tông), đặc biệt ông là người trực tiếp tham gia “biên tập chính sự Quốc triều (triều Lê) gồm 100 cuốn (ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, điều lệ, cáo sắc của cả một thời), khi biên tập xong, đề nhan sách là Thiên Nam dư hạ tập, nhà vua thân đề tựa” (165).
Vì liên quan đến sự biến cùng lập tờ di chiếu đưa Lê Túc Tông lên ngôi, không ủng hộ Lê Tuấn, cho nên sau khi lên nối ngôi (tức vua Lê Uy Mục), ông bị giáng chức, điều đi Quảng Nam, rồi cho người bức cùng tử tận, ông đã gieo mình xuống xong tự vẫn. Sau này vua Lê Tương Dực đã xem xét, truy phong và tế ông để nêu tiết nghĩa.
6. Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (1472-1522)
Lương Đắc Bằng, người làng Hội Trào huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), “lúc bé đã có tiếng là thần đồng. Năm 28 tuổi, đỗ Hội nguyên khoa Kỷ Mùi năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời Hiến Tông, rồi thi Đình đỗ Nhất giáp tiến sĩ tên thứ hai; khi ứng chế được thưởng thứ nhất”(166). Ông là cha của Lương Hữu Khánh, một “danh thần đời Trung hưng, quan đến Binh bộ Thượng thư, tước Đạt Quốc công” và là ông của Lương Khiêm Hanh, “lúc bé có tiếng thần đồng, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng (1598), làm quan đến Cấp sự Lễ khoa”(167).
Ông đã từng trải nhiều chức nhiệm như Hàn lâm viện Thị độc, Lễ bộ Tả thị lang, Đông các Đại học sĩ, hậu giảng ở Kinh diên. Sự nghiệp chính trị của ông nổi bật nhất là dâng biểu Sách trị bình 14 bước lên vua Lê Tương Dực để xem xét, từ đó “xin lựa chọn mà thi hành, răn những điều đáng răn, lo những điều đáng lo, may ra đạo trời có thể thuận, đạo đất có thể yên, đạo người có thể ổn, có thể đạt đến thái bình”(168). Mặc dù được vua khen ngợi và nhận lời, song có thi hành hay không, sử sách không cho biết, tuy nhiên có thể coi đó là tâm huyết và cũng là trọng trách của bề tôi, vì “mỗi khi thần nghĩ đến thời thế, đến nghĩa vụ thì suốt đêm không ngủ, ngày đến bữa không ăn, lòng báo đáp không sao bỏ qua được”.
8. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)
Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Khi mới “sinh ra mặt mũi tinh anh, khôi vĩ, đầy một năm đã biết nói. Năm ông lên bôn, mẹ đem những câu chính văn trong Kinh Truyện ra dạy. Ông miệng đọc thuộc làu ngay”(169).
Khi nhà Mạc lên ngôi, “các thân thích bạn bè đều khuyên ông ra làm quan... Năm 44 tuổi, ông mới đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương. Mùa xuân Ất Mùi năm Đại Chính thứ 6 (1535), ông đến thi ở tỉnh, cả bốn trường đều đỗ đầu, vào thi Đình đỗ Trạng nguyên cập đệ” (170), sau làm quan trải các chức Lại bộ Tả thị lang, Đông các Đại học sĩ, Lại bộ Thượng thư, Thái phó, tước Trình Quốc công (nên dân gian thường gọi với tên thân mật là Trạng Trình).
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó mật thiết với nhiều lời “sấm truyền” rất ứng nghiệm, như câu "sau này nếu có biến cố thì đất Cao Bằng dẫu nhỏ cũng có thể hưởng phúc lâu được vài đời" để chỉ về nhà Mạc có thể kéo dài thêm 70 năm ở đất này, hay câu "thờ Phật thì được ăn oản" ý chỉ nói việc họ Trịnh cứ tôn nhà Lê thì sẽ được hưởng lộc dài lâu, hoặc câu "Một dải Hoành Sơn đủ để nương thân"(171) để nói về việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ trấn Thuận Quảng...
Tài năng, phẩm hạnh của ông được vua Mạc rất kính nể, tôn như bậc thầy. Sứ thần nhà Thanh là Chu Xán cũng khen ngợi, "người Lĩnh Nam, biết lý học chỉ có ông Trình Tuyển (hầu). Đủ thấy người Nam, người Trung Quốc ngưỡng mộ ông như vậy” (172). Bản thân Phan Huy Chú cũng khẳng định, “về thời Mạc, có Nguyễn Bỉnh Khiêm ở làng Trung Am, đỗ Trạng nguyên, có tài giỏi lưu tiếng nghìn đời”(173).
(Còn tiếp)
(160) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, tr. 109.
(161) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 285.
(162) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 285.
(163) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 285.
(164) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 291.
(165) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Sđd, tr.1122.
(166) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 301.
(167) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 313.
(168) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, Sđd, tr. 55.
(169) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 447.
(170) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 448.
(171) Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 1, Sđd, tr. 147) có lời chú rằng: "Giữa thế kỷ thứ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) bảo Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn thất đái, khả dĩ vạn đại dung thân" (một dải Hoành Sơn, có thể dung thân được muôn đời)".
(172) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 451.
(173) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 145.