Về một số thần đồng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (Phần 1)

Đinh Thảo
Trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ, “nước lấy người làm gốc. Trong đó nhân phẩm có cao thấp không giống nhau. Trên có vua, quan sửa sang chỉnh đốn việc nước, dưới có các sĩ phu, kẻ xuất người xử. Người hiền hay không có khác nhau, thì nước trị hay loạn do đó mà có khác. Cho nên bàn đến việc đời, phải phân biệt nhân tài”(154).

Ở nước ta, “phong khí đã mở mang, khí tinh hoa đều họp lại. Trong khoảng đó, vua hiền chúa sáng kế tiếp nổi lên, danh khanh lương tá thường xuất hiện ra. Các danh tài tuấn kiệt đời đời đều có, hoặc có người được ghi công vào đỉnh vạc, hoặc có người lập công với lưỡi búa cờ mao, có người nổi tiếng ở làng văn, có người tỏ khí tiết trong lúc cùng, đều là những người có nhiều tài năng đáng chép, có công nghiệp danh vọng đáng khen, mà trên dưới một nghìn năm xuất hiện lũ lượt (155).

Căn cứ ghi chép trong các tài liệu thư tịch, bài tham luận này sẽ tập trung giới thiệu khái quát một số thần đồng nổi tiếng của Việt Nam, từ đó nêu ra những nhận xét, đánh giá về vấn đề này trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy “thần đồng” thời nay.

le-van-huu-1682848071.jpg
Mẫu bộ tem “Kỷ niệm 700 năm mất nhà sử học Lê Văn Hưu (Ảnh: VNPost)

1. Bảng nhãn Lê Văn Hưu (1230-1322)

Lê Văn Hưu, người làng Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng (theo bản Lê thị gia phả ở làng Kẻ Rỵ). Từ xưa đến nay, nhân dân nơi đây và trong vùng vẫn lưu truyền nhiều giai thoại gắn với Lê Văn Hưu là người “khôi ngô, tuấn tú, tư chất thông minh”, “thông minh, nhanh nhẹn”, “học một biết mười”, “khả năng đối ứng mau lẹ, trí tuệ phi thường”, “thần đồng Hưu”...

Với tài năng vượt trội của mình, khi 18 tuổi, ông đã đỗ Bảng nhãn (vị trí thứ hai trong Tam khôi) khoa thi Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) đời vua Trần Thái Tông. Sau khi đỗ đại khoa, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Kiểm pháp quan (chức quan trông coi việc hình luật), Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu, Binh bộ Thương thư, tước Nhân Uyên hầu.

Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn bó mật thiết với bộ Đại Việt sử ký - bộ Quốc sử đầu tiên của nhà nước quân chủ Việt Nam, đúng như nhận xét của cố GS. Phan Huy Lê: “Trong lịch sử phát triển của nền sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí Bộ quốc sử đầu tiên”(156) và vì thế ông cũng được coi là Tổ nghề Sử Việt Nam (157). Năm 2022, nhân kỷ niệm 700 năm mất của ông, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Lê Văn Hưu và bộ Đại Việt sử ký, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Lê Văn Hưu là Danh nhân văn hóa thế giới, xứng đáng với tài năng và đóng góp của ông đối với lịch sử Việt Nam thời Trần nói chung, đối với giới sử học nước ta nói riêng.

nguyen-hien-1682848071.jpg
Đình thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở Nam Định (Ảnh: wikimapia)

2. Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234-1256)

Nguyễn Hiền, người xã Dương A, huyện Thượng Hiền (nay thuộc thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định). Ông không chỉ là vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học thời quân chủ của nước ta (158), mà còn nổi tiếng là thần đồng.

Tương truyền, khi mới 10 tuổi, ông tham gia học với thầy đồ ở chùa. Khi thầy viết được 10 trang giấy, ông liền đọc và thuộc ngay. Năm 11 tuổi, tiếng tăm của ông đã nổi danh ở kinh đô Thăng Long và được mệnh danh là thần đồng. Bấy giờ có một người họ Đặng tự thấy mình đã đọc hết các sách, nghe tiếng tăm của ông nên muốn đến thử tài văn bút, liền tìm đến nhà, dùng đầu đề theo bài phú “Phượng hoàng sào a, kì lân du úc” để ra hạn đề về số câu, mỗi câu đều có tiếng chỉ về một loài cầm thú. Ông đã ứng khẩu đáp rằng: Phi long kiên chiểu/Mã bất xuất hà Ý bị Hữu Hùng chi thế/ Ấp vụ Duyên Lộc chi a (nghĩa là: Rồng không bay lên nơi ao, hồ/Ngựa không từ sông phi ra/ Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng/Làm nhà ở nơi Duyên Lộc). Người họ Đặng hết sức thán phục và tấm tắc khen “Thiên tài!

Năm Đinh Mùi (1247), khi triều đình mở khoa thi kén chọn nhân tài, ông tham dự và đỗ Trạng nguyên. Nhận thấy tuổi trẻ tài cao, phong thái đĩnh đạc, ứng đối trôi chảy, vua Trần Thái Tông rất ngạc nhiên, hỏi vị tân khoa: Trạng nguyên học ở đâu? Ông tâu rằng: Thần xin tâu bệ hạ, thần chỉ học thần... và thỉnh thoảng có hỏi sư ông ở chùa làng thêm đôi ba chữ. Tài năng của ông còn được thể hiện rõ ràng trong việc tiếp đón sứ thần nhà Nguyên, khi chúng ra một vế đối: Lưỡng Nhật bình đầu Nhật/Tứ Sơn điên đảo Sơn/Nhị vương tranh nhất quốc/Tứ khẩu tung hoành gian. Ông liền trả lời ngay: Đó là chữ Điền vậy. Viên sứ thần nhà Nguyễn rất thán phục.

Cuộc đời tài hoa nhưng ông lại mất sớm (thọ 21 tuổi). Hiện nay, tại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền ở làng Dương A còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, trong đó có đôi câu đối: Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc, Vạn niên thiên tuế lập tam tài (nghĩa là: Mười hai tuổi khai khoa hai nước, Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài). Cảm mến và ghi nhận tài năng của Trạng nguyên Nguyễn Hiền, huyện Thượng Hiền được đổi tên thành huyện Thượng Nguyên để tránh phạm đến tên húy tên ông.

nguyen-trung-ngan-1682848071.jpg
Ở Hà Nội hiện có tới 7 ngôi đình, đền thờ Nguyễn Trung Ngạn (Ảnh: Giáo dục Thủ đô)

3. Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370)

Nguyễn Trung Ngạn, người làng Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay là thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, Hưng Yên). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, hay chữ, được người đương thời tôn xưng là thần đồng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư khi chép về khoa thi năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, Bùi Mộ đỗ Bảng nhãn, ông đỗ Hoàng giáp và được đánh giá “(Nguyễn) Trung Ngạn mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng”(159).

Dù đỗ cao nhưng ông không ra làm quan. Vua Trần Anh Tông phải làm bài thơ Chiêu ẩn, vài năm sau mới xuất chính, từ đó về sau trải nhiều chức nhiệm quan trọng như Gián quan, Thông phán châu Viêm Lãng, An phủ sứ Thanh Hóa, Đại doãn Kinh sư, Tri thẩm hình viện sự, Quốc sử viện Giám tu quốc sử, Nhập nội đại hành khiển, tước Thân Quốc công... Thông qua ghi chép về sự kiện đón tiếp sứ nhà Nguyên vào năm Giáp Tý (1324), khi “Mã Hợp Mưu, Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi và trao cho 1 quyển lịch. Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng. Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng” đã khẳng định tài năng uyên bác của ông.

Ông cũng nổi tiếng là người có bản tính cương trực, luôn muốn khẳng định bản thân. Bài thơ sau đây đã nói lên điều đó: Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí, Diệu kinh dĩ hữu thốn ngưu chi, Niên phương thập nhị thái học sinh, Tài đăng thập, lục sung, đình thí, Nhị thập hựu tứ nhập gián quan, Nhị thập hựu lục Yên kinh sử (nghĩa là: Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu, Có chí nuốt trâu từ niên thiếu, Tuổi mới mười hai thái học sinh, Vừa đến mười sáu dự thi đình, Hai mươi bốn tuổi làm quan gián, Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh).

Công lao và sự trạng của ông được đánh giá rất cao, người “giữ chức trọng yếu, bảo toàn được tiếng tốt” và là một trong mười “Người phò tá có công lao tài đức” thời Trần, nhất là thơ ca của ông “hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng (tức Đỗ Phủ đời Đường)”.


(154) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 219.

(155) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr. 219.

(156) Phan Huy Lê, Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả, văn bản, tác phẩm, trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, Sđd, tập 1, tr.19.

(157) Chữ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng trên bài viết “Xứ Thanh: Vài nét về lịch sử - văn hóa”, trong: Việt Nam: Cái nhìn địa - văn hóa, Nxb. Văn hóa Dân tộc - Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật xuất bản, 1998, tr.278.

(158) Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (tập 2, Sđd) có chép: “Năm Thiên Ứng Chính Bình thủ 16 [1247], thi đại tỷ, lấy đỗ 48 người (mới đặt Tam khôi). Trạng nguyên: Nguyễn Hiền (khi đỗ mới 13 tuổi, người xã Dương A, huyện Thượng Hiền)".

(159) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 88.

TS. Lê Quang Chắn (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)