Vấn vương hương vị “chè chốt”

Thấm thoắt đã gần 40 năm trôi qua, thế nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, từ trong vô thức cái hương vị “chè chốt” nơi vùng cao biên giới Hà Giang của đêm Giao thừa Tết Mậu Thìn năm 1988 lại ùa về trong tôi với nhiều cảm xúc thật khó diễn tả. Đêm ấy, bên coóng bơ “chè chốt” tôi đã thức cùng những người lính của mình để canh giữ biên cương Tổ quốc.

Năm 1987, tôi được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12). Tháng 1-1988, nhân kỷ niệm 20 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi là đại biểu về tham dự lễ kỷ niệm tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Sau đó, Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho tôi dẫn đầu đoàn công tác lên thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Tham gia đoàn có cả các tổ chức đoàn thể nhân dân, đi trên 3 xe, hành quân từ Hà Nội lên tới Vị Xuyên. Thời điểm ấy đối phương bắn rất dữ ở trục đường từ thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang) qua làng Binh lên Cóc Nghè, Cao điểm 812-nơi đặt Sở chỉ huy của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Xác định có thể gặp bất trắc trên đường hành quân, song toàn đoàn chúng tôi quyết tâm tiếp tục di chuyển và tập kết ở Hang Dơi, đoạn cách khu vực biên giới Thanh Thủy chừng 1 cây số. Chiều 29 tháng Chạp, tôi quyết định ở lại đón Tết cùng các chiến sĩ ở đồi Đài - Vị Xuyên.

bac-hieu-1707638421.jpg
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 

Đêm Giao thừa, mọi hoạt động đều diễn ra trong hầm, nhưng không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc vẫn đầy ắp niềm vui với các chiến sĩ ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 đang làm nhiệm vụ giữ chốt. Bấy giờ, đồng chí Cơ là Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hồng Sinh là Trung đoàn phó. Mọi người bên nhau trò chuyện cho đến sáng. Tôi đã kể lại những câu chuyện chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của mình cho các chiến sĩ ở đồi Đài nghe. Đó là những câu chuyện theo chiều dài lịch sử dân tộc, những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội sống chết có nhau. Có những câu chuyện vui và có những câu chuyện chưa có hồi kết…

2-1-1707638421.jpg
 Đường về Hà Giang hôm nay. Ảnh: Phú Sơn

Suốt đêm ấy, tôi và anh em ngồi quây quần bên nhau, cùng nhấp những chén chè ngon do bộ đội ta tự "sản xuất". Các chiến sĩ khi đó nói với tôi rằng họ đã đặt tên cho nó là “chè chốt”. Quanh khu vực đóng quân, ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển có những thân cây chè to như cây cổ thụ, chiến sĩ của ta hái búp chè đem sao thủ công rồi uống rất thơm, màu nước xanh đặc trưng. Nghe anh em giới thiệu về “thương hiệu chè chốt”, tôi không khỏi thán phục sự sáng tạo của bộ đội mình. Những khi thuận lợi, anh em hái búp chè về, tãi ra nơi thoáng cho bốc hơi sương rồi mới đem sao trên than hồng.

Dụng cụ sao chè thật đơn giản, nào là xoong, vung rồi nồi quân dụng…, đều có thể chở thành công cụ để bộ đội ta sử dụng để sao chè Uống trà là một thú vui xa xỉ của người lính trong chiến tranh, khi mà phía bên kia, những trận pháo kích có thể dội đến bất cứ lúc nào. Có lẽ chính vì vậy mà dư vị của “chè chốt” lại càng đặc biết, ngấm vào từng tâm sự của lính. Những câu chuyện dông dài về quê hương, gia đình, bè bạn có khi kéo dài thâu đêm để xóa đi lạnh giá, vợi đi nỗi nhớ của người lính nơi miền biên viễn.

dv-1707638421.jpg
 Xuân về trên cao nguyên đá. Ảnh: Quyền Huy

Cái khoảnh khắc bình yên, nhâm nhi hương vị “chè chốt” đêm ấy với tôi chộn rộn nhiều cảm xúc khó tả. Xung quanh tôi là những gương mặt thân thương, trẻ có, già có, nhưng đều có một mẫu số chung là trong ánh mắt của họ luôn sáng bừng sức sống, sự háo hức đón chờ ngày mới, năm mới đang đến. Rõ ràng suốt nhiều ngày tháng qua, họ đã sống giữa những hiểm nguy, gian khó thậm chí là cả hy sinh xương máu luôn thường trực nhưng hình như điều đó chẳng hề khiến họ phân tâm e ngại mà lùi bước.

Giữa lúc ấy, tôi chợt nhớ tới cóong bơ chè mấy tháng trước, Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 1 Nguyễn Kiệm tặng cho tôi. Những trăn trở làm thế nào để huấn luyện bộ đội cho sát với thực tiễn chiến trường của vị tư lệnh lại hiện về sống động trong tâm trí tôi vào thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa ở chốt tiền tiêu. Chúng ta quyết bảo vệ vững chắc từng tấc đất non sông. Đó là một kỷ niệm đặc biệt mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy rưng rưng!