Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: " Điểm tựa của tôi là Văn hóa Dân tộc"

Huyền Văn
Cuối năm 1973, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nghe tên anh bộ đội Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương danh hiệu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) vào ngày 20/12/1973.

Cuối năm 1973, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nghe tên anh bộ đội Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương danh hiệu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) vào ngày 20/12/1973. Năm đó, anh mới hơn 26 tuổi. Tôi vô cùng cảm phục và ước ao được gặp người Anh hùng đã làm nên huyền thoại một thời Quảng Trị. Cho đến khi về công tác ở Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương – tên gọi sau khi sáp nhập với Ban Khoa giáo Trung ương), tôi mới thỏa mơ ước gặp anh bộ đội Nguyễn Huy Hiệu năm xưa giờ là Tiến sĩ khoa học, là Trung tướng được phong quân hàm Thượng tướng năm 2003, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1998-2011); là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 3 khóa liền (8, 9 và 10)… Nhưng vẫn chỉ “từ xa” trong các sự kiện, cuộc họp và cho đến năm 2009, tôi mới thực sự gặp anh trực tiếp trong gia đình khi anh là anh em kết nghĩa với Đại tá Nguyễn Thế Hưng - thông gia của tôi. Kể từ đó, tôi có nhiều dịp gặp anh và bác sĩ Lại Thị Xuân – người bạn đời của anh tại cuộc gặp gỡ của gia đình Đại tá Nguyễn Thế Hưng; chúc mừng anh được Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Liên bang Nga trao tặng Bằng Viện sĩ (ngày 02/4/2010)… Tôi có nhiều dịp cùng nhà văn Lê Hoài Nam – nhà văn đồng hương, bạn vong niên của anh tròn 40 năm trước, thư ký Văn phòng Phạm Xuân Khoa có gương mặt điện ảnh; cùng các nhà văn, nhà báo giao lưu tại Văn phòng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu tọa lạc ở số 162 Trấn Vũ, bên hồ Trúc Bạch thơ mộng.


Ai đã từng tiếp xúc với nhà khoa học quân sự có dáng thư sinh, nước da trắng sáng, đôi mắt và nụ cười rạng rỡ cộng hưởng đều nhận thấy từ con người Nguyễn Huy Hiệu tỏa ra ánh sáng của lòng NHÂN. Lòng Nhân ấy khiến ai dù chỉ mới một lần gặp gỡ đã thấy sự gần gũi, thân thiện, dễ gần. Phẩm tính đáng quý ở anh là sự nhân hậu, trọng người tình nghĩa, tử tế, quý bạn bè, chuộng cái đẹp, chính trực, tự trọng, giàu nhân cách…Nguyễn Huy Hiệu tụ kết tinh hoa phẩm tính “Nhiều trong Một”: Người Anh hùng, nhà quân sự, nhà khoa học, nhà ngoại giao văn hóa, người nghệ sĩ yêu chuộng nghệ thuật… Nền tảng văn hóa giàu chất nhân văn là bệ đỡ quan trọng làm nên chân dung Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu.


Anh tự bạch cái duyên với số 7: ngày cất tiếng khóc chào đời - 27/7/1947; ngày sinh của hiền thê – Thầy thuốc Ưu tú Lại Thị Xuân cũng duyên thiên với số 7 (17/7/1949); tham gia 67 trận đánh; 18 chiến sĩ được chia múi dù hoa làm khăn thì kết thúc chiến tranh 17 chiến sĩ đã hy sinh; chiếc khăn dù hoa số 18 kỳ diệu thiêng liêng bị thủng 7 chỗ như bùa hộ mệnh che chắn mũi tên hòn đạn, băng bó vết thương cho anh; trồng 7 cây đa, bồ đề; 7 công trình Khoa học quân sự được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm… Anh thường chọn số 7 mà không ngại “kiêng kỵ” con số “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, “Chớ đi mùng bảy, chớ về mùng ba”... Mới đây, tổ chức cuộc gặp gỡ đầu Xuân Nhâm Dần, anh chọn ngày mùng 7 Tết bởi lịch dương cũng là ngày 7 (7/2/2022).


Duyên với số 7, nhưng theo Thần số học, anh là người thuộc con số chủ đạo 10. Theo chuyên gia Thần số học trường phái Pitago, người chủ đạo số 10 thường có hai đặc điểm nổi trội: khả năng thích nghi và thay đổi; tính bẩm sinh của sự can đảm và tính linh hoạt. Chính tiềm năng này giúp người chủ số 10 tiên phong trong nhiều lĩnh vực và đạt được những thành công lớn…Vì thế, những gì anh có được hôm nay đã được “lập trình” bởi sự tụ kết của nhiều yếu tố, trong đó, Văn hóa là bệ đỡ quan trọng làm nên thành công của vị tướng huyền thoại.


Tướng Hiệu đã tự bạch chân thành “ĐIỂM TỰA CỦA TÔI LÀ VĂN HÓA DÂN TỘC”.


Yếu tố địa văn hóa quê hương, gia đình


Nguyễn Huy Hiệu sinh ngày 27/7/1947 (năm Đinh Hợi) trong một gia đình trung nông có truyền thống văn hoá và yêu nước tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em (4 trai, 1 gái), trong đó 4 anh em đều gắn bó với cuộc đời binh nghiệp. Tư chất thông minh, ham học hỏi, hiểu biết, khám phá được bộc lộ trong anh từ nhỏ. Được dung dưỡng trong môi trường nhân văn, truyền thống hiếu học của quê hương, anh thừa hưởng đức độ, sự thuần hậu, chất phác, trọng chữ nghĩa, trọng tâm đức, yêu lao động của đấng sinh thành. Cha anh – cụ Nguyễn Văn Đáp sinh năm 1921 theo học chữ Nôm. Gia tài cụ để lại cho con cháu là sách và lời dạy sâu sắc từ sách, quý trọng sách: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho” (nhà bác học Lê Quý Đôn). Dù cuộc sống chiến tranh khó khăn, hai cụ cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, chịu khó, chịu khổ, dành dụm cho các con học lấy chữ nghĩa Thánh hiền. Anh được học 3 năm chữ Nôm từ cha và thầy giáo Luật. Mẹ anh - cụ Mai Thị Cúc là người phụ nữ xinh đẹp, đoan trang, cả đời cung cúc, tận tụy, chắt chiu, hy sinh cùng chồng nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành, là những công dân gương mẫu, trọng tâm đức.


Quê hương, nguồn cội gia đình trọng văn hóa thấm bện trong anh từ nhỏ. Ký ức tuổi ấu thơ của anh gắn với vùng công giáo. Anh trọng chữ nghĩa, yêu sách, đam mê học hành và đồng thời rất trân quý lao động. Đức tính cần mẫn, khoa học đã bộc lộ khi anh biết bố trí thời gian hợp lý vừa học tập và lao động hài hòa, hợp lý. Trong ký ức của anh là “nửa ngày đến trường học, nửa ngày theo cha mẹ ra cánh đồng. Thường thì cha cày ruộng, còn tôi đeo giỏ tìm bắt cua…”. Anh luôn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương miền chân sóng. Chả thế, anh trở thành tấm gương sáng khi bà con quê nhà giáo dục con cháu soi vào đó: Con cố gắng học bác Hiệu quê mình nhé”; “Tự hào lắm chú Hiệu là Anh hùng LLVTND khi mới 26 tuổi”; Bác Hiệu là người thông minh, có ý chí vươn lên…


Ngày 20/2/1965, cha mẹ, người thân tiễn anh lên đường nhập ngũ. Dẫu yêu cậu con trai thông minh, thảo hiền, nhưng người mẹ yêu con, yêu nước lặng lẽ ngậm nuốt nước mắt vào trong, vui vẻ tiễn con ra trận. Cụ khóc thầm, nắm chặt bàn tay truyền hơi ấm cho con “Con ơi! Thời chiến là con trai phải đi đánh giặc giải phóng miền Nam”. Bỗng hiện về trong tôi câu thơ “Đất Nước/ Của những người mẹ/ Mặc áo thay vai/ Hạt lúa củ khoai/ Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu… Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”. Mẹ của anh cũng như bao bà mẹ Việt Nam là Mẹ Tổ quốc - Родина-Мать “Khi bất tử Mẹ hóa thành Tổ quốc/ Đất là nơi máu thắm đến trổ cờ” (Việt Chiến). “Phúc đức tại mẫu” là vậy. Vẻ ngoài của cha anh có vẻ bình tĩnh hơn, nhưng sâu xoáy tâm can là nỗi lo phải nén giấu. Cụ kịp căn dặn những điều căn cốt nhất, động viên con trai mạnh mẽ lên đường “Theo gia giả, họ Nguyễn nhà mình là hậu duệ của cụ Nguyễn Bặc, danh tướng đại thần nhà Đinh. Thuở nhỏ cụ là bạn thân của Đinh Bộ Lĩnh, sau kết nghĩa anh em, theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân. Được vua Đinh phong tước Định Quốc Công (vị trí như chức Tể tướng của các triều đại sau này)…”. Rồi cha nói tiếp “Nhà mình thờ chữ Tâm (心). Chữ Tâm có rất nhiều ý nghĩa hay, ý đẹp, là một ngôi sao trong nhị thập bát tú - Sao Tâm (心), là “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài” trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du… Đi đâu, cha mong con hãy nhớ câu lời răn dạy của cổ nhân: Sông có khúc, người có lúc; Sinh có hạn, tử bất kỳ; Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó…”. Và khóe mắt cha ầng ậng dòng nước mắt, cố giấu sự nghẹn ngào nhìn theo hút bóng dáng con trai yêu trong đoàn quân ra trận. Nguyễn Huy Hiệu đã được dung dưỡng trong môi trường gia đình, quê hương, hưởng hồng phúc, phúc ân của tổ tiên, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây là yếu tố địa văn hóa kết tụ quê hương, gia đình làm nên chân dung người Anh hùng.


Vị tướng trận mạc giàu nhân cách văn hóa


Nguyễn Huy Hiệu sinh ra và lớn lên khi đất nước có ngoại xâm. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp kết thúc bằng trận Ðiện Biên Phủ đã đi vào lịch sử. Cậu bé Hiệu năm đó 7 tuổi chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi quê hương Hải Hậu. Không khí hoà bình hân hoan tràn ngập khắp chốn cùng quê. Người dân Hải Long mừng vui khôn xiết ngay lập tức bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới “Bà con ùa ra cánh đồng dọn dẹp những đồ phế thải của chiến tranh, nhổ những đám cỏ lau lác cao lút đầu người trên những đám ruộng bỏ hoang, dồn những nấm mộ người chết đói chôn vùi dập tạm bợ bên bờ ruộng vào khu nghĩa địa, gieo mạ, trồng khoai...”.


Hiệp định Genève về chiến tranh Đông Dương được ký kết. Việt Nam tạm thời bị chia cắt, ranh giới là vĩ tuyến 17. Quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam; trao quyền quyết định vận mệnh dân tộc mình cho người Việt Nam; tiến hành hiệp thương và tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước... Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Mỹ thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam. Đất nước tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã trở thành ranh giới tạm thời chia đất nước ta thành 2 vùng tập trung quân sự và trở thành hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã…


Ý thức công dân, tình yêu nước, yêu làng đã thấm bện lưu chảy trong huyết quản từ lúc cậu bé Hiệu 7 tuổi. Anh mê đánh trận giả, thích làm chỉ huy. Năm 9 tuổi, anh đã được cha cho đến dâng hương tưởng niệm cụ Nguyễn Bặc. Chàng thanh niên Nguyễn Huy Hiệu lớn lên đất nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh chứng kiến đế quốc Mỹ mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964 cứ bỏng cháy tâm can chàng trai Hải Hậu vừa chạm tuổi 17. Phong trào “Ba sẵn sàng” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát động ngày 9/8/1964 đã lan truyền khắp nơi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt. Từ Hải Hậu, chàng trai có nước da trắng hồng, dáng thư sinh, đôi mắt sáng biết cười ấy hưởng ứng tích cực phong trào “Ba sẵn sàng”:

1.Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang;

2.Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới;

3.Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến.


Như bất cứ người thanh niên nào thời điểm ấy nhận thức trách nhiệm lớn với Tổ quốc “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”, "Ra đi giữ trọn lời thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”…chàng thanh niên Nguyễn Văn Hiệu viết đơn tình nguyện nhập ngũ thêm đệm chữ “Huy” thay cho chữ “Văn” cha mẹ đặt với mục tiêu lớn “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Nhưng phải chờ đến 20/2/1965, anh mới có lệnh nhập ngũ. Thời điểm tòng quân, anh chưa đủ 18 tuổi. Chia tay quê hương, gia đình, anh khắc ghi câu chuyện cha kể về lai lịch dòng họ Nguyễn ở Hải Hậu vốn là hậu duệ Định quốc Công Nguyễn Bặc – một vị công thần khai quốc nhà Đinh - biểu tượng của tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành. Anh hiểu thông điệp người cha muốn gửi gắm trong đó. Trưởng thành từ chiến sĩ mang quân hàm Binh Nhì, trải nghiệm cuộc sống chiến đấu, năm 21 tuổi anh đã trở thành Đại đội trưởng dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Anh đã trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu 67 trận, tham gia cả bốn chiến dịch lớn của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Chiến dịch Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), Chiến dịch Quảng Trị (1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Ba lần bị thương vẫn bám trụ chỉ huy đơn vị chiến đấu không rời trận địa. Qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp bước khúc quân hành, Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục hành trình lên biên giới phía Bắc (1979) và thời bình chiến đấu với “giặc” thiên tai, thiên tai, bão lũ…


Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu là vị tướng trưởng thành qua trận mạc, được rèn luyện và trưởng thành ở 3 cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam: cấp chiến thuật, cấp chiến dịch và cấp chiến lược. Năm 1987, Đại tá Nguyễn Huy Hiệu được phong quân hàm Thiếu tướng ở tuổi 40 - vị tướng trẻ nhất trong Quân đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 2003, Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu được phong quân hàm Thượng tướng.

nlntv-f9adb9e32c176616e78a4cc72815bb361-1645537232.jpg
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu

Vị tướng có tâm hướng Phật


Trong cuộc đời quân ngũ, trải qua nhiều vị trí công tác, tướng Hiệu luôn khắc nhớ chữ Tâm cha căn dặn trong ngày nhập ngũ. An nhiên với cuộc sống, chấp nhận mọi cái đều có thể xảy ra, nên khi nhập ngũ dù chưa được phát quân phục, nhưng anh đã mượn bộ quân phục mặc để chụp ảnh kỷ niệm và lường xa “cũng là phòng khi chẳng may có hy sinh...”. Nhớ lời cha dặn “Sinh có hạn, tử bất kỳ”, nên trong cuộc chiến ác liệt tưởng chừng khó vượt qua, anh tự nhủ phải chủ động trong mọi tình huống, lao vào cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, nhưng người chỉ huy phải bình tĩnh, sáng suốt, phát huy óc tư duy, phán đoán, phân tích thấu đáo, khôn khéo để mục đích tiêu diệt được kẻ thù và cố gắng ít tổn thương nhất cho quân ta. Điều này, anh đã học tập, khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp đầu tiên năm 1970: “Các đồng chí chỉ huy phải hết sức chú ý là đánh thắng, nhưng phải bảo tồn được lực lượng, giảm nhiều nhất tổn thất và thương vong thì mới gọi là người chỉ huy giỏi”...


Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là con người ân tình sau trước, luôn tri ân với những người đã giúp mình. Thấm nhuần đạo lý sống đẹp, anh luôn mang theo lời cha căn dặn làm phép ứng xử “Mình đối xử với mọi người như thế nào, thì về sau mọi người đối xử với mình như thế. Phải biết trân trọng quá khứ, phải tri ân những người đã giúp đỡ mình, đã hi sinh vì mình, trân trọng lịch sử”.


Kiên cường, mạnh mẽ quyết đoán là vậy, nhưng Tướng Hiệu dễ xúc động, dễ khóc, nhất là khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, mỗi khi nhắc tên đồng đội đã hy sinh. Khi nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, anh không cầm nổi nước mắt. Nước mắt của hạnh phúc và tri ân. Anh hiểu, vinh dự có được hôm nay được đánh đổi bằng bao sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 “Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này”. Anh không quên một ai mà nhớ từng gương mặt, từng cái tên. Đó là Đại đội trưởng Mai Xuân Tình; Chính trị viên Đặng Quang Hồng; Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư; chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy…


Nền móng văn hóa gia đình là bệ đỡ cho anh trong ứng xử. Tướng Hiệu không bao giờ quên ơn ai. Anh biết ơn, kính trọng Tướng Lê Trọng Tấn và tướng Lê Quang Đạo - hai vị trướng trực tiếp chỉ huy đã phát hiện, hiểu rõ năng lực, kịp thời đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ phù hợp để có cán bộ chỉ huy giỏi cho quân đội. Ngoài ra, các vị tướng, các nhà khoa học quân sự như Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Phó Giáo sư Phan Văn Hòe, Tiến sĩ Nguyễn Trường Cửu, các giáo viên Học viện Quốc phòng, Học Viện Chính trị quân sự.


Quảng Trị là quê hương thứ hai sau quê hương Nam Định. Năm nào, Tướng Hiệu cũng trở vào Quảng Trị một đôi lần. Tri ân với Quảng Trị bằng nhiều việc làm thiết thực. Anh đến dâng hương tưởng niệm đồng đội hy sinh tại Nghĩa trang Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ... ; tổ chức Hội thảo Du lịch Quảng Trị “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng xây dựng Khu di tích Thành Cổ; kêu gọi tấm lòng thiện nguyện, tấm lòng hảo tâm xây dựng các khu di tích lịch sử cách mạng, khu tưởng niệm tri ân đồng chí, đồng bào; xây dựng các cụm văn hóa tâm linh: Đền thờ liệt sĩ cao điểm 31 Phúc Sa, Gio Mỹ, Gio Linh; xây dựng Khu tưởng niệm Trung đoàn 27 (Triệu Hải, huyện Triệu Phong); Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội ở Thành Cổ…


Đầu xuân năm 1998, tướng Hiệu trở lại làng Gia Bình (xã Gio An, huyện Gio Linh) cùng đồng đội tìm “Cây Đa di sản” năm xưa đã từng làm nhiệm vụ “đài quan sát” đã “hy sinh” anh dũng trong hành trình đến ngày giải phóng Quảng Trị. Và tại nơi đó cây đa búp đỏ được trồng để thay thế cây đa lớp trước. Cùng việc trồng cây đa là tôn tạo, xây lại Giếng cổ Gia Bình gần cây đa. Tướng Hiệu xúc động nói về nguồn mạch nước trong mát từ giếng này đã tắm gội thi hài các chiến sĩ trước khi được chôn cất. Và ngôi đình cổ xã Gio An đã được khôi phục lại. Không chỉ là vị tướng tài, anh còn là một nhà văn hóa. Việc khôi phục lại công trình kiến trúc cây đa – bến nước – sân đình hội tụ tâm linh cho thấy tấm lòng của một là nhà khoa học, một nhà văn hóa, nhà quân sự nhìn xa, trông rộng, nhân ái, trọng nghĩa tình.


Lịch sử Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng đã góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào đêm 29/4/1975, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 do Nguyễn Huy Hiệu làm Trung đoàn trưởng được má Huỳnh Thị Sáu (Sáu Ngẫu) trao cho tấm bản đồ chỉ đường có chi tiết đặc điểm địa lý, địa hình Sài Gòn và sơ đồ bố trí lực lượng các đơn vị của địch ở khu vực Lái Thiêu, vùng ven Sài Gòn. Nhờ má tham mưu, đơn vị tiến vào Sài Gòn hợp đồng tác chiến thuận lợi, tránh được tổn thất. Cái tên bà má “tham mưu” ra đời từ đó. Sau khi má Sáu Ngẫu mất, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cho khắc bia đá, rồi mang vào Bình Dương và cùng gia đình xây phần mộ cho má với dòng chữ ghi ân: “Đại đoàn Đồng Bằng - Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng ghi ơn bà má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho Trung đoàn vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975”. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu coi gia đình má như người thân. Hầu như năm nào, anh cũng về dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu và các liệt sĩ ở nghĩa trang Bình Dương. Câu chuyện về bà má miền Nam đã gợi cảm xúc cho nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác ca khúc “Tấm bản đồ má trao”.


Với Tướng Hiệu, trồng cây cũng là một phương diện của sự tri ân với đồng bào, chiến sĩ. Anh đã trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước, từ chùa Quang Sơn (biên giới Việt – Trung) đến Mũi Cà Mau. Anh yêu màu xanh, thích hòa mình với thiên nhiên phóng khoáng. Tư gia của Tướng Hiệu có một “Vườn tâm linh”. Màu của thiên nhiên tượng trưng cho sự phát triển, hòa thuận, tươi mát mỡ màu. Màu xanh của niềm tin, hy vọng, hòa bình, phát triển, trong sáng, thanh khiết... Danh hiệu tôn vinh anh là “Vị Tướng với màu xanh” có lẽ từ riêng anh, được khởi nguồn từ màu xanh sắc phục gắn với cả cuộc đời binh nghiệp; màu của cánh đồng lúa tám thơm Hải Hậu đã tạo nên thương hiệu; màu của những cánh rừng ngút ngàn; màu của trời cao, biển rộng thăm thẳm, vững chãi, bình yên; màu xanh vùng chân song quê hương; màu xanh mang phẩm tính cao quý của sự trung thành, tin tưởng, tự tin, an toàn... Có lẽ, màu cỏ non Thành Cổ thấm máu đào của máu xương hòa trong đất, màu trời xanh các nghĩa trang ở Quảng Trị đã ám ảnh vị tướng như một di chứng của chiến tranh “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây” (Phạm Đình Lân). Yêu màu xanh, đau xót trước thảm họa dioxin, căm thù tội ác hủy diệt màu xanh khiến Tướng Hiệu càng say mê nghiên cứu để có thêm nhiều công trình khoa học về môi trường.


Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu trồng 7 cây bồ đề và cây đa búp đỏ ở các nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Quảng Trị. Năm 1977, cây đa đầu tiên anh trồng ở Thành Cổ Quảng Trị sau chuyến đi công tác Ấn Độ “tôi vinh dự được gặp Thủ tướng - bà Gandi, được nghe giới thiệu về Cách mạng xanh nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Bà Gandi tặng cho mỗi đại biểu một cây trong vườn cây biểu trưng của Cách mạng xanh và tôi đã chọn cây đa”. Năm 1981, Đại tá Nguyễn Huy Hiệu đã phát động chiến dịch "Màu xanh đồng bằng" với ước mơ tái tạo màu xanh cho quê hương. Đầu xuân năm 1998, tướng Nguyễn Huy Hiệu trở lại làng Gia Bình (xã Gio An, huyện Gio Linh) trồng cây đa búp đỏ. Cuộc hành hương sang Ấn Độ năm 2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mang ba cây bồ đề về trồng ở 3 nơi: Nghĩa trang Quốc gia đường 9; Quân đoàn 1 Tam Điệp (nơi vua Quang Trung đã tập kết đoàn quân tiến về Thăng Long) và Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà Hải Long. Ngày 30-4-2007, nhân kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về Bình Dương trồng cây bồ đề bên mộ má Sáu Ngẫu sau 18 năm má đi xa. Như hiểu được tấm lòng tri ân của vị tướng có trái tim Bồ Tát, cây bồ đề ngày càng xanh tốt vươn cao nhiều nhánh tỏa bóng mát cho phần mộ của “Bà má tham mưu”.


Đến thăm Văn phòng Viện sĩ ngày mùng 7 Tết Nhâm Dần, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đưa tôi xem tấm ảnh Khu tưởng niệm 2352 liệt sĩ Trung đoàn 27 và bia chiến tích Khẩu đội 5 (thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 xây dựng ngày 13/6/2016…


Tại tư gia, Tướng Hiệu xây dựng “Vườn tâm linh” với nhiều loại cây xanh, như: Cây cửu phẩm (chín tầng mây), cây Trực khói hương được uốn khúc như những làn khói bay lên trời… Cảm thấy đồng đội vẫn đâu đây, trong mây trời sông nước, anh làm “Vườn tâm linh” là để “Đồng đội sẽ tụ hội về đây trong vườn tâm linh của tôi.”


Không kể xiết tấm lòng tri ân của Tướng Hiệu với sự hy sinh của đồng bào, chiến sĩ. Anh khẳng định sự thiện tâm đó là vì những mục đích lớn lao “Tôi nghĩ phải bằng mọi cách để nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không lãng quên một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”.


Vị tướng làm đại sứ văn hóa


Bản thân Tướng Hiệu được tiếp thu nền tảng văn hóa từ gia đình. Văn hóa đã trở thành nền móng quan trọng, “Văn hóa soi đường quốc dân đi” (Hồ Chí Minh). Khi đảm nhận trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn quan tâm nền tảng văn hóa: “Bởi vì, nếu chúng ta làm tốt công tác đối ngoại thì sẽ truyền tải được các thông điệp về truyền thống văn hóa Việt Nam cho thế giới biết; đồng thời, chúng ta cũng tiếp thu được những tinh hoa của thế giới về đối ngoại”.


Như một đại sứ văn hóa, trong công việc ngoại giao, Tướng Hiệu chú trọng tuyên truyền, quảng bá những di sản văn hóa (vật thể/ phi vật thể) của nước nhà với mục đích bạn bè quốc tế hiểu thêm hành trình khám phá văn hóa Việt giàu bản sắc; văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội…


Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn có cái nhìn cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Anh thấm nhuần câu đúc kết của cha ông ta “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”; hiểu tư tưởng người Anh hùng Nguyễn Trãi để lại hậu thế “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”; đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Tướng Hiệu khẳng định chính sách khoan hồng, đại độ có cội nguồn từ văn hóa Việt Nam, từ truyền thống nhân văn Việt Nam, từ phẩm tính con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, bao dung, khoan hòa…


Ngoài sở thích màu xanh, việc Tướng Hiệu thường trồng cây đa, cây bồ đề ở các nghĩa trang với mục đích làm dịu bớt đau thương, ám ảnh do chiến tranh gây ra. Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc được anh thể hiện rất mực tinh tế, giàu ý nghĩa nhân văn. Chiến tranh tổn thất, mất mát, đau khổ cho cả hai phía. May mắn cho những người lính ngã xuống, linh hồn đã về với đất mẹ, quê nhà. Nhưng vẫn còn những linh hồn tha hương vươg vất, lang thang không nơi trú ngụ. Tướng Hiệu hiểu ngọn nguồn văn hóa Việt qua “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du dành bài văn tế cho thập loại chúng sinh không phân biệt bên này/ bên kia. Đặc biệt qua ý nghĩa phương ngữ “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, tác giả cây tâm linh Nguyễn Huy Hiệu mong muốn để các cô hồn lang thang, chết đói chết khát không được thờ cúng sẽ được “mời” về “ngự” ở cây đa, cây đề gần gũi, thiêng liêng. Cây đa, cây đề ấy là sợi dây gắn kết giữa hai cõi âm dương, để cho những linh hồn người lính ở cả hai phía chưa có nơi nương trú, tụ kết về cây tâm linh, được hương khói sớm siêu thoát về cõi Phật.


Một tâm hồn trong sáng đón nhận mọi buồn vui của người mang tư thế làm chủ. Anh không quan cách, không bị vây bọc bởi hào quang quá khứ, càng không tự “vỗ ngực”, tự kiêu công thần mà an nhiên, hoan hỉ với cuộc sống. Anh chơi FB giao lưu bạn hữu. Anh tham dự các cuộc tri ân. Ngôi nhà ở phố Hoa Bằng (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) ngập tràn hoa, cây tâm linh tri ân đồng đội. Văn phòng Viện sĩ bên hồ Trúc Bạch luôn rộng cửa đón bạn bốn phương hoan hỉ. Anh hồn hậu, sáng trong giữa thiên nhiên với nụ cười tỏa sáng. Đọc những vần thơ trên FB của anh mà nể trọng một vị Tướng, một người lính giàu nhân cách, tự trọng, an hòa, bao dung với tất cả. Vị tướng treo chữ Tâm, gieo lòng Nhân, nhắc nhở mình ứng xử An hòa, hóa giải mọi khổ đau, đố kỵ, bon chen…bằng lòng nhân ái, bao dung.


-Sớm mai đứng giữa vườn hoa

Nhẹ nhàng thư thái giao thoa đất trời...

-Sớm đông ngắm những bông hoa

Cánh hoa hồng đỏ mặn mà sắc hương...

-Bình minh rực rỡ sắc mây hồng.

Đón nắng Xuân về sưởi lạnh Đông

Thỏa Tết an lành duyên mãn nguyện

Điểm xuyến trên cành nụ cùng bông!

-Hãy nên sống môt cuộc đời ý nghĩa

Để yêu thương tràn ngập trái tim mình

Vì Đông đến mùa về sẽ rất lạnh

Thì trong lòng vẫn ấm áp an yên!


Cuộc đời mỗi người là cuốn sách chưa viết. Bao cuốn sách, bài báo, thơ ca viết về anh, như: “Một thời Quảng Trị”, “Những bước chân không mỏi của người anh hùng”, “Bến sông tuổi thơ”, “Vị tướng với mùa thu vàng”, “Vị tướng với mùa xuân”… Nhưng vẫn chưa đủ vì thật khó có thể khai thác hết những tiềm ẩn, bề sâu của vị tướng huyền thoại. Vì thế, bài viết nhỏ của tôi cũng chỉ như một lời tri ân với Vị tướng có trái tim Nhân hậu, bao dung, ấm áp…


Chúc mừng Viện sĩ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đón tuổi 75:

​Thất thập ngũ niên gieo Phúc Thiện

Trái tim Bồ Tát gặt Đức Tâm.