‘Tử huyệt’ khiến Mỹ có thể đánh mất ‘ngôi vương’ công nghệ vào tay Trung Quốc

Sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn và năng lượng sạch khiến nền kinh tế công nghệ Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc.

Sau cú sốc đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ với những kết quả ấn tượng. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), vốn là lĩnh vực tạo ra động lực phát triển và thúc đẩy tăng năng xuất cho tất cả các ngành nghề.

Nhờ việc các công ty công nghệ Mỹ đầu tư mạnh vào hạ tầng đám mây, hệ sinh thái đổi mới của Mỹ sẽ được hưởng lợi đáng kể. Khi năm 2030 đến gần, những phát triển này có thể thúc đẩy sự đổi mới trong các lĩnh vực công nghệ mang tính đột phá như robot và công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, nền kinh tế Mỹ vẫn có một điểm yếu lớn, đó là sự thiếu hụt năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn và năng lượng sạch, vốn rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia của nước này. Kể từ năm 1980, thị phần hàng hóa công nghệ cao trên thế giới được sản xuất tại Mỹ đã giảm từ hơn 40% xuống chỉ còn 18%.

p50-technology-tem1533-forum-20240722150528-usertrmk-freepik-1726980252.webp
Bên trong một nhà máy sản xuất oto của Mỹ. (Ảnh: The Edge)

Trong khi Mỹ đang trải qua quá trình phi công nghiệp hóa, Trung Quốc lại nổi lên như siêu cường sản xuất của thế giới và chuyển từ vị thế thống trị trong lĩnh vực dệt may và đồ chơi sang vị thế dẫn đầu trong các công nghệ tiên tiến như linh kiện viễn thông, thiết bị điện và máy công cụ. Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa sản lượng xe điện toàn cầu và đến năm 2026, nước này được cho là sẽ sản xuất 80% sản phẩm liên quan đến pin Mặt trời của thế giới.

Chấp hành triệt để định hướng của Chủ tịch Tập Cận Bình: các ngành sản xuất tiên tiến là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy nỗ lực thống trị chuỗi giá trị trong các ngành này. Các số liệu mới nhất cho thấy sự “đổi ngôi” sắp xảy ra, lượng cho vay ròng trong lĩnh vực sản xuất Trung Quốc đã tăng vọt từ 63 tỷ USD năm 2019 lên hơn 680 tỷ USD năm 2023.

Điều đáng lo ngại là các khoản đầu tư này thúc đẩy bởi các chính sách trọng thương, vốn được thiết kế để củng cố sự thống trị của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp tiên tiến, bằng cách xuất khẩu ồ ạt các sản phẩm được trợ cấp ra toàn cầu. Nếu chiến lược này thành công, các công ty công nghệ tiên tiến của Mỹ sẽ bị xóa sổ, khiến Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, Washington không dễ dàng để Bắc Kinh qua mặt. Thật may mắn khi mục tiêu tái thiết cơ sở công nghiệp của Mỹ hiện nay rất phù hợp với các mục tiêu chiến lược quan trọng và các ưu tiên trong nước của Chính phủ, từ quốc phòng đến phi carbon hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đồng thời, Mỹ hiện cũng đang làm chủ các quy trình sản xuất tiên tiến mới nổi bao gồm việc ứng dụng các công nghệ như robot, AI và in 3D, qua đó có thể tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Để tận dụng tối đa những lợi thế này và hướng tới mục tiêu lâu dài là tăng khả năng cạnh tranh, Mỹ phải triển khai chiến lược công nghệ-công nghiệp với ba trụ cột chính gồm: nhân lực sản xuất, thị trường.

Đầu tiên là về nhân lực: một chiến lược công nghệ-công nghiệp toàn diện phải bao gồm các khoản đầu tư lớn vào nguồn nhân lực. Hiện tại, các ngành công nghiệp tiên tiến ở Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng. Một phân tích gần đây cho thấy Trung Quốc tỉ lệ các nhà nghiên cứu AI hàng đầu làm việc ở Trung Quốc đã tăng từ 11% trong năm 2019 lên 28% năm 2022, trong khi tỷ lẹ này ở Mỹ đã giảm từ 59% xuống 42%.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và cạnh tranh với Trung Quốc về nhân tài kỹ thuật hiện tại và trong tương lai, Mỹ cần phải đảm bảo rằng tất cả các lớp học đều được trang bị công nghệ AI vào năm 2030. Các quy định về nhập cư đối với những người lao động có trình độ cao cần được nới lỏng. Mỹ cũng cần xây dựng một quy định liên bang thống nhất đối với lực lượng lao động trong ngành công nghiệp tiên tiến. Việc xây dựng được một đội ngũ nhân lực tốt đóng vai trò tiên phong, quyết định đến sự thành công của chiến lược và phản ánh rõ nét sự phát triển của các ngành sản xuất tiên tiến tại Mỹ.

16-my-trung-16916766865051172385884-1726980456.jpg
Nhiều người tham gia Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải - Trung Quốc vào tháng 7-2023 (Ảnh: REUTERS)

Thứ hai, để tăng năng lực sản xuất hàng hóa công nghệ tiên tiến ở quy mô lớn, Mỹ cần đầu tư vào các chương trình đổi mới sản xuất và thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tiên tiến ở các nhà sản xuất vừa và nhỏ - vốn là xương sống của ngành công nghiệp Mỹ. Chính quyền cũng phải thiết kế các khoản ngân sách ưu đãi để đầu tư vào các "nhà máy thông minh" trong tương lai, nhằm giúp các cơ sở này tận dụng lợi thế về phần mềm để giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và đẩy nhanh quá trình đổi mới. Nói rộng hơn, các quan chức thương mại phải tìm ra những cách thức mới để sử dụng các khoản vốn có mục tiêu của chính phủ nhằm giảm rủi ro cho đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghiệp sau nhiều thập kỷ bị bỏ bê.

Thứ ba là về thị trường, Mỹ phải chắc chắn rằng chính sách thương mại của mình bảo đảm chuỗi cung ứng cho các đầu vào quan trọng như mô-đun Internet vạn vật và robot công nghiệp, cũng như giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về năng lực sản xuất. Vì mục đích này, Mỹ nên tiếp tục sử dụng các công cụ như thuế quan, trong khi đàm phán các thỏa thuận thương mại chiến lược với các đồng minh và đối tác quan trọng.

Nền kinh tế Mỹ đang phát triển vững mạnh. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển trọng tâm sang các ngành công nghiệp tiên tiến có thể không chỉ giúp nước này giành được ngôi vương của M trong lĩnh vực công nghệ, mà còn giành được lợi thế chiến lược mạnh mẽ. Triển vọng này buộc Mỹ phải có giải pháp đối phó hiệu quả, mạnh mẽ. Bằng cách gia tăng đầu tư vào sản xuất tiên tiến, theo đuổi chính sách thương mại chiến lược và tăng cường nguồn nhân lực, Mỹ có thể tận dụng các lợi thế hiện có để củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong các ngành công nghiệp chủ chốt của tương lai.

Nguyễn Hoàng (Theo The Edge