Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được Bộ LĐTBXH đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.
Một số địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.
Theo thống kê, năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trên 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam lao động nước ngoài.
Tại 3 thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong nhiều năm qua, người lao động Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nước ngoài tại các quốc gia và vũng lãnh thổ này.
Cụ thể, tại Nhật Bản, hiện có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, hiện có trên 65.000 lao động Việt Nam đang làm việc, chiếm 22% trong tổng số 256.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), số lượng lao động Việt Nam đang làm việc tại đây vào khoảng trên 260.000 người, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài ở Đài Loan (Trung Quốc).
Theo ước tính, lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là cú hích về hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu lao động; góp phần làm minh bạch thị trường xuất khẩu lao động, đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp phái cử trong công tác tuyển chọn, đào tạo, phái cử và sau phái cử. Người lao động nhờ đó cũng được hưởng lợi nhiều từ việc giảm chi phí vốn là rào cản con đường ra nước ngoài làm việc của họ.
Trong năm 2024, Bộ LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đồng thời, ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.